Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Sủ Đất Trong Ao
Những năm gần đây, cá sủ đất đã được người dân một số địa phương trong nước nuôi với số lượng lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cá sủ đất thường được nuôi theo hình thức nuôi lồng, bè tại các địa phương như Cẩm Phả, Vân Đồn.
Vừa qua, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý dự án Thuỷ sản Đông Yên Hưng (Quảng Yên) đã đưa vào nuôi thử nghiệm mô hình nuôi cá sủ đất thương phẩm trong ao. Đây là mô hình mới, một hình thức nuôi mới đối với cá sủ đất và bước đầu được đánh giá là cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 5-2012 tại hai hộ dân thôn 3, xã Hoàng Tân, với tổng diện tích nuôi là 5.000m2, mật độ thả: 2 con/m2, cỡ giống thả 4-6cm/con. Tổng lượng giống thả nuôi 10.000 con do Trại thực nghiệm nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ của Trường Cao đẳng Thuỷ sản Bắc Ninh (phường Minh Thành, Quảng Yên) cung cấp.
Toàn bộ thức ăn cho cá sủ đất được sử dụng là thức ăn công nghiệp Kinh Bắc (hàm lượng đạm: 40 - 45%, Lipid: 10 - 15%). Sau 12 tháng nuôi, tổng kết mô hình cho thấy, tỷ lệ cá sống đạt 72 - 75%, kích cỡ bình quân 1kg/con. Tổng sản lượng đạt trên 7 tấn.
Bà Vũ Thị Lan, thôn 3, xã Hoàng Tân, một trong hai hộ dân tham gia mô hình cho biết: “Tham gia mô hình, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về con giống, thức ăn, chúng tôi còn được tập huấn về quy trình, kỹ thuật nuôi cá sủ đất thương phẩm trong ao từ việc chuẩn bị ao nuôi, lựa chọn và thả giống, chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá đến việc thu hoạch.
Tôi thấy, nuôi cá sủ đất theo hình thức này kỹ thuật không đòi hỏi nhiều, dễ nuôi, cá nhanh lớn và tỷ lệ cá sống cao và dễ bán. Mô hình nhà tôi thả nuôi 5.000 con giống, tỷ lệ sống đạt 72%. Sau 1 năm thả nuôi, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 3 tấn cá thương phẩm”.
Còn chị Dương Thị Thanh Chuyên, kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản, Ban Quản lý dự án Thuỷ sản Đông Yên Hưng, Chủ nhiệm dự án thì cho hay: “Cá sủ đất là loài sống gần bờ và trên các vùng đáy bùn, cá có thể phân bố đến độ sâu 60m, là loài cá nhiệt đới, cận ôn đới. Chính vì vậy, loài cá này tương đối rộng nhiệt. Cá có thể sống được ở nhiệt độ từ 5 - 34 độ C, nhiệt độ thích hợp từ 20 - 30 độ C.
Là loài cá ăn tạp, thiên về động vật; tốc độ sinh trưởng nhanh. Nuôi thương phẩm trong ao, nuôi lồng, bè sau 1 năm có thể đạt kích cỡ bình quân từ 1,5 - 2kg/con, sau 2 năm tuổi có thể đạt từ 8 - 10 kg/con. Tại Quảng Ninh, cá sủ đất mới chỉ được nuôi thương phẩm theo hình thức nuôi lồng, bè tại Cẩm Phả, Vân Đồn, còn nuôi trong ao đất thì đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh. Do vậy, kỹ thuật nuôi cá sủ đất theo hình thức này là hoàn toàn mới đối với người dân địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình nuôi có nhiều thuận lợi vì quy trình kỹ thuật nuôi cá sủ đất thương phẩm của Trường Cao đẳng Thuỷ sản Bắc Ninh đã được xây dựng nhờ đúc kết kinh nghiệm nuôi thực tế của người nuôi tại một số địa phương và được kiểm chứng qua thực nghiệm nên có tính thực tiễn cao. Mặt khác, nguồn giống được sản xuất và nuôi tại Trại thực nghiệm nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ tại phường Minh Thành tương đối gần và có điều kiện tự nhiên tương đối phù hợp với vùng dự án thuỷ sản Đông Yên Hưng.
Toàn bộ con giống thả nuôi đều khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều và được kiểm dịch chặt chẽ. Với việc thực hiện thành công mô hình này, hiện nay tại vùng dự án thuỷ sản Đông Yên Hưng đã có một số hộ gia đình trong số 40 hộ gia đình tham gia tập huấn kỹ thuật đã cải tạo ao đầm đầu tư nuôi cá sủ đất thương phẩm”.
Với giá bán thương phẩm hiện nay trên thị trường từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, thì mô hình nuôi cá sủ đất thương phẩm trong ao bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao. Kết quả của mô hình này đã góp phần đa dạng hoá các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao tại vùng dự án thuỷ sản Đông Yên Hưng nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Bước đầu mở ra một hướng đi mới cho người nuôi trồng thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm
Tình hình sản xuất mía niên vụ 2014 - 2015 trên địa bàn Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, hạn hán kéo dài. Trước tình hình đó, nhiều nông hộ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nhằm đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, với đặc thù canh tác tại địa phương khiến việc chuyển đổi cũng không hề đơn giản.
Văn Yên (Yên Bái) có cây quế được trồng từ Xuân Tầm, Nà Hẩu tới Xuân Ái, Yên Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn… với diện tích trên 22.000ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 4.500 - 5.000 tấn quế vỏ khô, doanh thu 150 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, quế ở đây có hàm lượng tinh dầu cao thuộc loại tốt nhất khu vực phía Bắc.
Với lợi thế nguồn nguyên liệu chuối có sẵn tại địa phương, nghề ép chuối khô được nhiều hộ dân ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chọn làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo. Cứ mỗi khi mùa mưa sắp kết thúc, bà con ở đây ai cũng náo nức chuẩn bị đương vĩ, làm giàn và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị bước vào mùa ép chuối khô.
Đó là kết quả đạt được của dự án cấp Bộ “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen “Cầu Đúc” ở Hậu Giang”, do thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm. Dự án vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu loại khá.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xuống giống được gần 45.000 ha màu thực phẩm các loại, đạt 102,9% chỉ tiêu cả năm. Nông dân địa phương đã thu hoạch trên 37.000 ha, với sản lượng khoảng 635.000 tấn rau màu các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.