Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Hưng Yên
Anh Ưng Mạnh Thanh chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết: Trước đây, gia đình anh nuôi gà theo phương pháp truyền thống, cách đây 3 năm, anh áp dụng mô hình chăn nuôi gà trên nền ĐLSH vào chăn nuôi.
Theo anh Thanh, quy trình làm ĐLSH không khó, chỉ gồm: vỏ trấu (50%), mùn cưa (30%), thân cây ngô phay nhỏ (20%) và men sinh học Balasa No1 trộn với cám ngô/cám gạo/cám mạch với tỷ lệ 1kg men/5 – 7kg cám ủ kín trong khoảng 24 – 48 giờ. ĐLSH anh sử dụng có độ dày khoảng 30cm, gồm 3 lớp: lớp 1 dày 10cm được rải trấu, sau đó làm ẩm (độ ẩm khoảng 30%) và rắc men vi sinh; lớp 2 dày 10cm gồm hỗn hợp mùn cưa và thân cây ngô phay, làm ẩm và rắc men vi sinh; lớp 3 dày 10cm gồm trấu và mùn cưa. Sau đó, anh dùng tấm nilon ủ kín trong khoảng 1 tuần là có thể sử dụng được.
Khi sử dụng ĐLSH thì mật độ nuôi gà chỉ bằng ½ so với cách nuôi truyền thống (khoảng 4 con/m2); độ ẩm thích hợp cho ĐLSH là khoảng 30 – 40% do vậy phải tránh làm đệm lót bị ướt (do nước uống và nước mưa tạt vào…) để ĐLSH không bị mục, tuy nhiên cũng không được để ĐLSH quá khô; lớp đệm lót phải được bổ sung men khi lớp mặt không còn tơi hay lượng phân thải ra nhiều. Đệm lót có khả năng khử trùng tốt nên không cần phun thuốc sát trùng định kỳ trên mặt đệm lót, vào những tháng mùa nóng thì người chăn nuôi phải có biện pháp chống nóng cho gia cầm bởi lớp đệm lót này sẽ làm tăng nhiệt độ trong chuồng nuôi.
Hiện nay, với diện tích chuồng trại khoảng 150m2, anh Thanh thường xuyên nuôi 500 con gà giống Đông Tảo lai. Với lớp ĐLSH này, gia đình anh có thể chăn nuôi gà trong thời gian 2 năm (khoảng 4 lứa gà thịt). Sau đó, lớp ĐLSH này được anh đóng bao bán cho các hộ nông dân với giá 10.000 đồng/bao để làm phân bón cho cây trồng.
Anh Thanh khẳng định: Giá thành để làm ĐLSH trong chăn nuôi thấp nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Các vi sinh vật có lợi có trong chế phẩm dùng làm ĐLSH sẽ phân hủy các chất hữu cơ có trong chất thải của gà, đặc biệt là phân hủy các chất gây mùi hôi thối. Vì vậy mà khi sử dụng ĐLSH tôi không còn tốn công dọn chuồng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Sử dụng ĐLSH giúp giảm chi phí chăn nuôi do không sử dụng thuốc sát trùng để khử trùng chuồng trại trong quá trình nuôi. Đặc biệt, có thể hạn chế một số loại bệnh thông thường cho vật nuôi như: mò mạt, tiêu chảy, ho hen, một số bệnh do ký sinh trùng gây nên…
Anh Nguyễn Văn Hiến ở thôn Đông Hòa, xã Yên Hòa (Yên Mỹ) cũng đã áp dụng mô hình ĐLSH vào chăn nuôi gà. Với diện tích khoảng 1.400m2 chuồng trại khép kín, gia đình anh thường xuyên nuôi khoảng 4.000 con gà sinh sản. Tuy nhiên, anh Hiến chỉ sử dụng lớp đệm lót có độ dày từ 10 – 15cm gồm có lớp vỏ trấu ở phía dưới và lớp men vi sinh ở phía trên. Lớp đệm lót này anh thay 1 lần/năm.
Anh Hiến cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi gà bằng phương pháp truyền thống, gà hay bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột nên tôi thường xuyên phải cho gà uống thuốc, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, nhất là mùi hôi thối từ chất thải gây ảnh hưởng đến cuốc sống của người dân xung quanh. Từ khi thực hiện mô hình ĐLSH thì vấn đề ô nhiễm môi trường được cải thiện đáng kể, gà ít bị bệnh, phát triển tốt. Đặc biệt, loại ĐLSH này rất thích hợp với chăn nuôi giống gà Đông Tảo lai, bởi giống gà này ít lông nên về mùa đông có thể giữ ấm cho gà rất tốt giúp tiết kiệm điện sưởi ấm cho gà.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Hiện nay, việc sử dụng ĐLSH đã được nhiều hộ chăn nuôi gà thịt, gà sinh sản trên địa bàn tỉnh áp dụng. Việc triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên nền chuồng ĐLSH không những tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa, lõi ngô, thân cây ngô… mà còn phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, phòng tránh dịch bệnh. Hơn nữa, đây là mô hình dễ áp dụng, kinh phí đầu tư không lớn, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi”.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 8-11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức nghiệm thu Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” do bà Lê Mỹ Hạnh làm chủ nhiệm.
Rắn ri tượng là loài thực phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Nhận thấy được điều đó, để có nguồn cung ổn định cho thị trường, nhiều hộ dân ở huyện Thới Bình đã phát triển mô hình nuôi rắn ri tượng thương phẩm và sản xuất rắn ri tượng giống. Điển hình là mô hình của ông Lê Văn Thắng, ở ấp 6, xã Tân Lộc Đông.
Trước việc một số diện tích lúa ĐX cấy giống BC15 bị hiện tượng lép hạt, gây thiệt hại đáng kể cho một số tỉnh phía Bắc, ngày 21/5, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc họp cùng các nhà khoa học và các địa phương tìm rõ nguyên nhân và bàn các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân thiệt hại.
Xu thế gần đây khá nhiều hộ chăn nuôi gà thịt lựa chọn phương thức chăn nuôi gà theo hướng thả vườn bởi thực tế cách chăn nuôi trên có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Trong những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các ban ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Chăn huyện Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư phát triển kinh tế trang trại vườn rừng, xóa được đói nghèo từng bước vươn lên làm giàu.