Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn

Hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn
Ngày đăng: 08/08/2015

Được sự chỉ đạo của UBND huyện, từ tháng 12/2014, UBND các xã và HTX được chọn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất tập trung; tổ chức họp các hộ dân để phân tích, bàn và công khai các nguồn hỗ trợ của UBND huyện. UBMT, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nên nhân dân hưởng ứng triển khai xây dựng cánh đồng lớn tập trung bước đầu quy hoạch trong vụ đông xuân 2014-2015 là 123 ha gồm các xã: Hải Tân, Hải Sơn, Hải Lâm, Hải Quế. Giống lúa được thử nghiệm là Thiên Ưu 8, NA2 và Bồ Đề 688-X2. Các HTX đã triển khai xây dựng 30 ha cánh đồng lớn và chọn giống Thiên Ưu 8 đưa vào sản xuất. Khi đưa mô hình cánh đồng lớn vào sản xuất đã khắc phục được tình trạng gieo cấy nhiều loại giống trên cùng một cánh đồng, xóa dần kiểu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Các khâu bón phân, thời vụ gieo sạ đều thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật của huyện, xã, HTX cùng đi thăm đồng, kiểm tra và ghi nhật ký, cùng thảo luận với các hộ nông dân đưa ra các biện pháp điều chỉnh về tưới nước, bón phân phù hợp để cây lúa phát triển tốt. Thực hiện cánh đồng lớn giảm chi phí sản xuất cho người nông dân khoảng 800.000 đồng/ ha, trong khi đó năng suất, chất lượng đều tăng, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Qua theo dõi sinh trưởng và phát triển của các loại giống mới đến thời kỳ thu hoạch, giống Thiên Ưu 8 được đánh giá nổi trội so với các giống còn lại, năng suất ước đạt 70,6 tạ/ha, cao hơn so với ngoài vùng (so với giống HT1 cùng thời gian sinh trưởng) là 11 tạ/ha, chịu được hạn, ngập, rét, phèn, mặn..., khả năng chống đổ khá.

Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: “Thực hiện cánh đồng lớn góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Việc sản xuất theo quy trình kỹ thuật của cánh đồng lớn thực hiện theo phương châm “1 phải, 5 giảm ”, trong đó “5 giảm” là giảm giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước tưới và giảm thất thoát trong và sau thu hoạch giúp tạo ra những nông sản an toàn, chất lượng. Sử dụng công cụ sạ hàng sẽ giảm được lượng giống gieo, đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm chi phí đầu tư. Sạ hàng làm cho ruộng lúa thông thoáng, đẻ nhánh thuận lợi, nhánh hữu hiệu nhiều, cây cứng, bông dài, hạt chắc, tiền đề cho năng suất cao và chất lượng tốt. Việc sử dụng “3 cùng” (cùng giống, cùng cánh đồng, cùng thời gian) nên việc điều tiết nước và chăm sóc được thuận lợi hơn nhiều so với trước, lúa chín tập trung nên có thể ứng dụng cơ giới trong thu hoạch, làm giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả. Các khâu kỹ thuật được người dân áp dụng đúng quy trình “1 phải, 5 giảm” nên lúa sinh trưởng đồng đều, sâu bệnh được khống chế. Nhờ đó năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 18,5%”.

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai xây dựng cánh đồng lớn luôn được sự quan tâm của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Lăng. Việc xây dựng mô hình nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Chính quyền địa phương, Ban quản lý HTX và nông dân hưởng ứng tích cực việc áp dụng tiến bộ KHKT. Trong quá trình sản xuất lúa tập trung, việc thực hiện tốt các khâu trong qui trình kỹ thuật và lịch thời vụ chi phí đầu tư giảm, đồng nghĩa với năng suất tăng lên, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, UBND huyện Hải Lăng tiếp tục chỉ đạo các HTX quy hoạch lựa chọn vùng đất thích hợp để nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng lớn. Các đơn vị xã, HTX vận động nông dân áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” trên đồng ruộng, nhằm thu được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày càng lên cao. Để mở rộng quy mô vùng sản xuất tập trung, chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ kinh phí, giống và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Các HTX nông nghiệp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc mở rộng diện tích cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất tập trung để áp dụng cơ giới vào sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Lăng.


Có thể bạn quan tâm

Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến “Bậc Cao” Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến “Bậc Cao”

Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.

29/06/2013
Xây Dựng 11 Mô Hình Nhân Giống Lúa Chất Lượng Cao Xây Dựng 11 Mô Hình Nhân Giống Lúa Chất Lượng Cao

Qua 2 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) đã xây dựng 11 mô hình sản xuất nhân giống lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản; thành lập 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với 398 lao động tham gia.

08/06/2013
Mua Bán Phân Bò, Nguy Cơ Lây Lan Dịch Bệnh Mua Bán Phân Bò, Nguy Cơ Lây Lan Dịch Bệnh

Phú Yên đang có dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc ở một số xã. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các ngành chức năng đã cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên lại rất khó kiểm soát phân bò khi nó đang là mặt hàng được mua bán khá rộ.

29/06/2013
Trồng Màu Trên Bờ Bao Vuông Tôm Nhiều Hộ Dân Tăng Thu Nhập Trồng Màu Trên Bờ Bao Vuông Tôm Nhiều Hộ Dân Tăng Thu Nhập

Những năm gần đây, nông dân các xã Phước Long, thị trấn Phước Long, Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) mở rộng diện tích trồng màu và phát triển mô hình đa canh trên đất bờ bao vuông tôm. Việc làm này vừa hạn chế cỏ mọc xung quanh bờ bao, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

08/06/2013
Con Bò “Cứu” Cây Lúa Con Bò “Cứu” Cây Lúa

Để giảm thiểu tác động xấu do tình trạng nhiễm mặn gây thất thu cho nghề trồng lúa, nông dân xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chuyển sang nuôi bò, bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan.

29/06/2013