Hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn
Được sự chỉ đạo của UBND huyện, từ tháng 12/2014, UBND các xã và HTX được chọn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất tập trung; tổ chức họp các hộ dân để phân tích, bàn và công khai các nguồn hỗ trợ của UBND huyện. UBMT, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nên nhân dân hưởng ứng triển khai xây dựng cánh đồng lớn tập trung bước đầu quy hoạch trong vụ đông xuân 2014-2015 là 123 ha gồm các xã: Hải Tân, Hải Sơn, Hải Lâm, Hải Quế. Giống lúa được thử nghiệm là Thiên Ưu 8, NA2 và Bồ Đề 688-X2. Các HTX đã triển khai xây dựng 30 ha cánh đồng lớn và chọn giống Thiên Ưu 8 đưa vào sản xuất. Khi đưa mô hình cánh đồng lớn vào sản xuất đã khắc phục được tình trạng gieo cấy nhiều loại giống trên cùng một cánh đồng, xóa dần kiểu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Các khâu bón phân, thời vụ gieo sạ đều thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.
Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật của huyện, xã, HTX cùng đi thăm đồng, kiểm tra và ghi nhật ký, cùng thảo luận với các hộ nông dân đưa ra các biện pháp điều chỉnh về tưới nước, bón phân phù hợp để cây lúa phát triển tốt. Thực hiện cánh đồng lớn giảm chi phí sản xuất cho người nông dân khoảng 800.000 đồng/ ha, trong khi đó năng suất, chất lượng đều tăng, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Qua theo dõi sinh trưởng và phát triển của các loại giống mới đến thời kỳ thu hoạch, giống Thiên Ưu 8 được đánh giá nổi trội so với các giống còn lại, năng suất ước đạt 70,6 tạ/ha, cao hơn so với ngoài vùng (so với giống HT1 cùng thời gian sinh trưởng) là 11 tạ/ha, chịu được hạn, ngập, rét, phèn, mặn..., khả năng chống đổ khá.
Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: “Thực hiện cánh đồng lớn góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Việc sản xuất theo quy trình kỹ thuật của cánh đồng lớn thực hiện theo phương châm “1 phải, 5 giảm ”, trong đó “5 giảm” là giảm giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước tưới và giảm thất thoát trong và sau thu hoạch giúp tạo ra những nông sản an toàn, chất lượng. Sử dụng công cụ sạ hàng sẽ giảm được lượng giống gieo, đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm chi phí đầu tư. Sạ hàng làm cho ruộng lúa thông thoáng, đẻ nhánh thuận lợi, nhánh hữu hiệu nhiều, cây cứng, bông dài, hạt chắc, tiền đề cho năng suất cao và chất lượng tốt. Việc sử dụng “3 cùng” (cùng giống, cùng cánh đồng, cùng thời gian) nên việc điều tiết nước và chăm sóc được thuận lợi hơn nhiều so với trước, lúa chín tập trung nên có thể ứng dụng cơ giới trong thu hoạch, làm giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả. Các khâu kỹ thuật được người dân áp dụng đúng quy trình “1 phải, 5 giảm” nên lúa sinh trưởng đồng đều, sâu bệnh được khống chế. Nhờ đó năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 18,5%”.
Thực tế cho thấy, quá trình triển khai xây dựng cánh đồng lớn luôn được sự quan tâm của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Lăng. Việc xây dựng mô hình nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Chính quyền địa phương, Ban quản lý HTX và nông dân hưởng ứng tích cực việc áp dụng tiến bộ KHKT. Trong quá trình sản xuất lúa tập trung, việc thực hiện tốt các khâu trong qui trình kỹ thuật và lịch thời vụ chi phí đầu tư giảm, đồng nghĩa với năng suất tăng lên, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, UBND huyện Hải Lăng tiếp tục chỉ đạo các HTX quy hoạch lựa chọn vùng đất thích hợp để nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng lớn. Các đơn vị xã, HTX vận động nông dân áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” trên đồng ruộng, nhằm thu được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày càng lên cao. Để mở rộng quy mô vùng sản xuất tập trung, chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ kinh phí, giống và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Các HTX nông nghiệp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc mở rộng diện tích cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất tập trung để áp dụng cơ giới vào sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Lăng.
Related news
Vừa qua, tại phường Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp lần 2 năm 2014 với chủ đề giao lưu, trao đổi về thị trường hoa Tết.
Trong vụ Đông năm 2014, cây ngô được trồng trên diện tích lớn và được coi là cây trồng chính; ngoài cây ngô và rau, đậu các loại còn được chính quyền và người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) quan tâm, chú trọng cả đến cây cải Xa-lát, loại cây trồng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Hơn 8 năm nay, 60ha đất sản xuất nông nghiệp ở các cánh đồng Tam Ván, Tân Đức, xã Bình Châu (Bình Sơn) không sản xuất được khiến đời sống 800 hộ nông dân ở các thôn Châu Thuận Nông, Phú Quý, Tân Đức gặp khó khăn.
Không chỉ riêng trường hợp bà Ráng, nhiều hộ nông dân ở đây cũng gặp tình cảnh tương tự khi Xí nghiệp đường Cà Mau (thuộc Công ty cổ phần mía đường Tây Nam ở ấp I, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) thông báo không thu mua mía nguyên liệu trong vùng và hàng trăm hộ dân ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Bà Nguyễn Thị Lướt có vườn nhãn ở số 2/1 Tỉnh lộ 329, ấp Nhơn Hòa, xã Xuyên Mộc cho biết: Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi do khô hạn, thiếu nước tưới nên năng suất các vườn nhãn thấp hơn; nhưng nhờ giá ổn định ở mức 12.000đ/kg nên nhà vườn thu lãi tốt từ vụ thu hoạch chính trong năm.