Hiệu Quả Từ Chăn Nuôi Gà Thịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Huyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đầu tư vốn ít, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, phù hợp cho những hộ nuôi với quy mô lớn và cả những hộ nuôi quy mô nhỏ, lẻ, nông dân tiếp thu được khoa học kỹ thuật mới về chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tránh ô nhiễm môi trường, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.
Toàn huyện Tiên Lữ hiện nay có hơn 1 triệu con gà, tập trung chăn nuôi nhiều ở các xã Thụy Lôi, Cương Chính, Minh Phượng, Lệ Xá, Đức Thắng… chủ yếu nuôi giống gà lai Đông Tảo, gà ta, gà Lương Phượng, gà Từ Hồ. Trong đó những hộ nuôi có quy mô từ 100-200 con trở lên chiếm gần 70%. Trước đây, nông dân trong huyện chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì vậy, thu nhập từ chăn nuôi gà không cao, thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế trên, để giúp người chăn nuôi nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh, phòng dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, năm 2011 cơ quan khuyến nông khuyến ngư tỉnh và huyện đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm nuôi gà theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn xã Lệ Xá (Tiên Lữ) cho 3 hộ với 1000 con gà.
Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật; thực hiện đúng những điều đã cam kết như: bảo đảm yêu cầu về thức ăn, nước uống, nhiệt độ; bảo đảm công tác vệ sinh thú y, quy trình phòng bệnh... Nhờ đó, tỷ lệ gà sống khá cao, đạt trên 96%.
Ông Nguyễn Bá Thành- Thôn Giai Lệ- Lệ Xá (Tiên Lữ) cho biết: Gia đình ông thường xuyên nuôi từ 1800-2000 con gà, chủ yếu là giống gà lai Từ Hồ, lai Đông Tảo. Năm 2011 gia đình ông thực hiện mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học với 300 con gà lai Đông Tảo do Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh hỗ trợ.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật như: kỹ thuật úm gà con, phun thuốc sát trùng, tiêm chủng ngừa các loại bệnh cho gà, chăm sóc gà theo kỹ thuật đã được tập huấn… nên đàn gà của gia đình ông đạt tỷ lệ sống 96%.
Gà lai Đông Tảo có sức đề kháng cao nên ít bị dịch bệnh, tiêu tốn ít thức ăn, thịt gà có chất lượng cao phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, nuôi khoảng hơn 4 tháng gà có khối lượng đạt từ 2,5- 3 kg/con, trừ tất cả chi phí cho lãi 30% giá trị con gà. Từ kết quả đó gia đình ông tiếp tục thực hiện chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đối với toàn bộ đàn gà. Trung bình mỗi năm từ nuôi gà gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Từ kết quả khả quan đó mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh, trên 70% số hộ nuôi áp dụng theo hướng nuôi này. Trong năm 2013 huyện và một số cơ quan, ban ngành như Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… hỗ trợ cho 30 hộ dân ở các xã Thụy Lôi, Lệ Xá, Hưng Đạo… thực hiện chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học với giống gà lai Đông Tảo, Lương Phượng, tổng số hơn 1 vạn con, trị giá gần 300 triệu đồng.
Bà Lưu Thị Tới (thôn Lệ Chi, Thụy Lôi) cho biết: "Gia đình tôi chăn nuôi gà đã được 5 năm nay, tháng 5.2013 gia đình tôi được chọn tham gia thí điểm mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học với 700 con gà giống Lương phượng. Trước kia gia đình tôi chăn nuôi hay bị mắc dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt cao luôn từ 15-20%. Từ khi tham gia mô hình nuôi gà này, tôi đã hiểu thêm nhiều kiến thức, cách chăm sóc theo từng giai đoạn để gà lớn nhanh; cách phòng trừ các bệnh gà thường mắc phải để tránh dịch bệnh".
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi như úm gà con, phun thuốc sát trùng, tiêm vắc-xin phòng ngừa đầy đủ các loại bệnh dịch nên tỷ lệ sống của đàn gà nhà bà Tới đạt 98%, khối lượng trung bình 2,6 - 2,8 kg/con sau 4,5 tháng nuôi. Với giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, cho lãi 30 triệu đồng.
Mô hình nuôi gà thịt áp dụng theo hướng an toàn sinh học được nông dân huyện Tiên Lữ nuôi, đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây là mô hình đang được huyện quảng bá, tuyên truyền nhân rộng nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), vụ thu hoạch năm nay, năng suất mía tại cánh đồng lớn dự kiến đạt từ 90 - 100 tấn/hécta, tăng khoảng 40 tấn/hécta so với năng suất cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả các loại lên gần 3.000 ha trong đó chủ lực là cây dừa với diện tích khoảng 2.400 ha, còn lại là các loại cấy ăn quả có giá trị khác như: thanh long, cây có múi…
Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông Mang Thít (Vĩnh Long) đã chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thực hiện khoảng 8ha mô hình luân canh dưa hấu trên nền đất lúa, lợi nhuận cao hơn từ 2 - 3 lần trồng lúa.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh đốm nâu trên thanh long, thời gian qua các địa phương đã tiếp tục triển khai công tác phòng, chống bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2015, giá dừa khô bình quân từ 60.000 - 65.000 đồng/chục (12 trái), nhưng đến tháng 7, 8 và 9 giảm chỉ còn 40.000 đồng/chục; thời điểm tháng 9/2015, chỉ còn 35.000 đồng chục.