Hiệu Quả Từ Chăn Nuôi Gà Thịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Huyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đầu tư vốn ít, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, phù hợp cho những hộ nuôi với quy mô lớn và cả những hộ nuôi quy mô nhỏ, lẻ, nông dân tiếp thu được khoa học kỹ thuật mới về chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tránh ô nhiễm môi trường, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.
Toàn huyện Tiên Lữ hiện nay có hơn 1 triệu con gà, tập trung chăn nuôi nhiều ở các xã Thụy Lôi, Cương Chính, Minh Phượng, Lệ Xá, Đức Thắng… chủ yếu nuôi giống gà lai Đông Tảo, gà ta, gà Lương Phượng, gà Từ Hồ. Trong đó những hộ nuôi có quy mô từ 100-200 con trở lên chiếm gần 70%. Trước đây, nông dân trong huyện chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì vậy, thu nhập từ chăn nuôi gà không cao, thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế trên, để giúp người chăn nuôi nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh, phòng dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, năm 2011 cơ quan khuyến nông khuyến ngư tỉnh và huyện đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm nuôi gà theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn xã Lệ Xá (Tiên Lữ) cho 3 hộ với 1000 con gà.
Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật; thực hiện đúng những điều đã cam kết như: bảo đảm yêu cầu về thức ăn, nước uống, nhiệt độ; bảo đảm công tác vệ sinh thú y, quy trình phòng bệnh... Nhờ đó, tỷ lệ gà sống khá cao, đạt trên 96%.
Ông Nguyễn Bá Thành- Thôn Giai Lệ- Lệ Xá (Tiên Lữ) cho biết: Gia đình ông thường xuyên nuôi từ 1800-2000 con gà, chủ yếu là giống gà lai Từ Hồ, lai Đông Tảo. Năm 2011 gia đình ông thực hiện mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học với 300 con gà lai Đông Tảo do Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh hỗ trợ.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật như: kỹ thuật úm gà con, phun thuốc sát trùng, tiêm chủng ngừa các loại bệnh cho gà, chăm sóc gà theo kỹ thuật đã được tập huấn… nên đàn gà của gia đình ông đạt tỷ lệ sống 96%.
Gà lai Đông Tảo có sức đề kháng cao nên ít bị dịch bệnh, tiêu tốn ít thức ăn, thịt gà có chất lượng cao phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, nuôi khoảng hơn 4 tháng gà có khối lượng đạt từ 2,5- 3 kg/con, trừ tất cả chi phí cho lãi 30% giá trị con gà. Từ kết quả đó gia đình ông tiếp tục thực hiện chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đối với toàn bộ đàn gà. Trung bình mỗi năm từ nuôi gà gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Từ kết quả khả quan đó mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh, trên 70% số hộ nuôi áp dụng theo hướng nuôi này. Trong năm 2013 huyện và một số cơ quan, ban ngành như Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… hỗ trợ cho 30 hộ dân ở các xã Thụy Lôi, Lệ Xá, Hưng Đạo… thực hiện chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học với giống gà lai Đông Tảo, Lương Phượng, tổng số hơn 1 vạn con, trị giá gần 300 triệu đồng.
Bà Lưu Thị Tới (thôn Lệ Chi, Thụy Lôi) cho biết: "Gia đình tôi chăn nuôi gà đã được 5 năm nay, tháng 5.2013 gia đình tôi được chọn tham gia thí điểm mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học với 700 con gà giống Lương phượng. Trước kia gia đình tôi chăn nuôi hay bị mắc dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt cao luôn từ 15-20%. Từ khi tham gia mô hình nuôi gà này, tôi đã hiểu thêm nhiều kiến thức, cách chăm sóc theo từng giai đoạn để gà lớn nhanh; cách phòng trừ các bệnh gà thường mắc phải để tránh dịch bệnh".
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi như úm gà con, phun thuốc sát trùng, tiêm vắc-xin phòng ngừa đầy đủ các loại bệnh dịch nên tỷ lệ sống của đàn gà nhà bà Tới đạt 98%, khối lượng trung bình 2,6 - 2,8 kg/con sau 4,5 tháng nuôi. Với giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, cho lãi 30 triệu đồng.
Mô hình nuôi gà thịt áp dụng theo hướng an toàn sinh học được nông dân huyện Tiên Lữ nuôi, đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây là mô hình đang được huyện quảng bá, tuyên truyền nhân rộng nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.
Related news

Từ vụ lúa Hè thu năm 2011, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) ở địa bàn các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú và Cầu Ngang, với tổng diện tích hơn 2.700 hec-ta (ha); trong đó, diện tích mỗi mô hình từ 300 - 500ha. Qua các vụ sản xuất cho thấy, để CĐML ngày càng được mở rộng thì vấn đề đặt ra là giữa các “nhà” cần tạo dựng niềm tin lẫn nhau thì mô hình mới thật sự bền vững và lan rộng.

Ngày 21.6, tại xã Hoài Thanh Tây, Ban quản lý Dự án sinh kế nông thôn bền vững tỉnh phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thâm canh, phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.

Với hơn 30 công ruộng, nhà lại ít người làm, nên hầu như vụ nào, gia đình ông Trần Din ở ấp Trà ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng phải tốn rất nhiều chi phí mướn nhân công, từ khâu gieo sạ, cấy dặm, bón phân đến phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa.

Với diện tích trên 21.000 ha, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 400.000 tấn, Bình Thuận là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu thanh long. Hiện nay, bằng phương pháp chong đèn kích thích ra hoa rải vụ nên người dân đã chủ động được thời gian thu hoạch, cung cấp cho thị trường quanh năm.

Lấy quy luật giá trị để điều chỉnh sản xuất là một cách nghĩ khôn ngoan. Sản xuất ngô tại miền Bắc đang vấp phải thực trạng là vùng đồng bằng diện tích giảm sâu còn vùng núi diện tích lại tăng nóng.