Hiệu quả trồng xen dưa hấu giữa 2 vụ lúa
Ngồi không cũng… có tiền
Nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân 2014 – 2015, nhưng nhiều nông dân canh tác lúa dọc theo các tuyến kênh Mới, kênh 3, kênh 4, kênh Võ Văn Kiệt (T5), T6, Vĩnh Tế, Tám Ngàn… trên địa bàn huyện Tri Tôn đã thu hoạch từ trước Tết. Ngoài những diện tích tổ chức xuống giống sớm vụ hè thu 2015, nhiều người cho mướn đất trồng dưa hấu trong 2 tháng để chờ xuống giống theo lịch thời vụ.
Chọn trái dưa hấu tốt trên mỗi dây chừa lại để phát triển
Trước khi thu hoạch 6 héc-ta lúa đông xuân sớm cặp tuyến kênh Mới (bờ thuộc ấp Cà Na, xã Lương An Trà, Tri Tôn) để kịp đón Tết, anh Huỳnh Văn Tiền đã thỏa thuận xong việc cho thuê đất trồng dưa hấu. Vụ đông xuân này, nhờ thời tiết thuận lợi, giống lúa IR50404 đạt năng suất hơn 1 tấn/công tầm cắt (gần 1.300m2). Tuy chỉ bán được 4.200 đồng/kg (lúa tươi), lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/công nhưng bù lại, anh cũng cho thuê trồng dưa hấu được 1 triệu đồng/công. Tính ra, trong 2 tháng “ngồi không”, anh cũng thu được khoản tiền gần bằng… 3 tháng ròng làm lúa.
“Thấy mùa lũ 2014 vừa xuống thấp, tôi tranh thủ rút nước xuống giống vụ đông xuân sớm, thu hoạch trước Tết. Sau khi cho thuê đất trồng dưa hấu, tôi vẫn kịp xuống giống vụ hè thu rồi xả lũ tự nhiên. Qua nhiều năm canh tác cho thấy, việc trồng dưa hấu xen giữa 2 vụ lúa giúp cắt đứt mầm bệnh, cải tạo đất, giảm được lượng phân, thuốc vụ hè thu. Đối với vụ đông xuân tiếp theo, nhờ vẫn xả lũ tự nhiên nên đất được rửa chất độc hữu cơ, tích tụ phù sa lại, lượng phân thuốc xài cũng ít hơn những vùng canh tác liên tục 3 vụ lúa” – anh Tiền đúc kết.
Dọc theo tuyến kênh Mới và kênh Lò Gạch, chủ yếu phía bờ thuộc xã An Tức và Lương An Trà (Tri Tôn), hàng ngàn công dưa hấu phủ xanh một vùng rộng lớn. Đa phần đều trong giai đoạn ra trái hoặc sắp thu hoạch.
Lợi nhuận cao hơn trồng lúa
Do không có đất ruộng nên nhiều năm nay, gia đình anh Huỳnh Văn Bé Năm (ấp Tân Thạnh, xã An Tức) trở thành hộ đi thuê đất trồng dưa hấu chuyên nghiệp. Anh Bé Năm cho biết, so với các vụ dưa hấu khác trong năm, vụ dưa xen giữa vụ lúa đông xuân sớm và hè thu cho năng suất cao nhất và ít khi rớt giá. “Tôi xuống giống từ giữa tháng giêng, đến giữa tháng 3 âm lịch là thu hoạch. Giai đoạn này không có mưa, tuy cực tưới nước nhưng dưa hấu phát triển tốt hơn trồng vào mùa mưa” – anh Bé Năm phân tích.
Năm nay, anh Bé Năm thuê đến 26 công tầm cắt giá 1 triệu đồng/công để trồng dưa hấu. Ruộng dưa của anh đang phát triển tốt, bước vào giai đoạn chiết bớt trái non, chừa mỗi dây 1 trái ngọn để tập trung chăm sóc. “Vụ dưa hấu năm trước, dưa hấu đạt gần 4 tấn/công, tôi bán mão cho thương lái giá 11 triệu đồng/công. Sau khi trừ chi phí đầu tư 4 triệu đồng/công và tiền thuê đất, tính ra tiền lời cao hơn tiền vốn. Tình hình vụ dưa hấu năm nay chắc năng suất không thua năm trước” – anh Năm phấn khởi.
So với trồng lúa, canh tác dưa hấu vất vả hơn do phải luôn theo sát. Đối với ruộng dưa của anh Bé Năm, phải dùng máy dầu bơm nước vào mương ruộng, rồi cứ cách 1 ngày phải dùng máy xăng bơm nước tưới trực tiếp lên gốc. Ngoài ra, còn phải theo dõi tình hình sâu bệnh, thuê người rải phân bón và theo quét phân ra khỏi lá để không bị thối lá. Đến ngày thu hoạch, lại phải thuê người cắt cuống trái dưa hấu giá 100.000 đồng/ngày, thuê gánh dưa ra bờ kênh giá 700.000 đồng/công. Nói chung, chi phí canh tác cao hơn và công chăm sóc cũng cực hơn lúa.
Tuy nhiên, bù lại, thời gian canh tác chỉ có 2 tháng (lúa 3 tháng), lợi nhuận trồng dưa hấu cũng cao hơn lúa 3 – 4 lần. “Quan trọng hơn, dưa hấu phù hợp trồng xen giữa 2 vụ lúa. Sau vụ đông xuân là mướn máy xới vét đường nước lên, cấy bầu dưa hấu đã ươm vào luống liền. Mình thu hoạch dưa hấu xong trả đất lại, người ta cũng vừa kịp xuống giống vụ hè thu” – anh Bé Năm phân tích.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, do địa hình canh tác của huyện theo kiểu trải dốc từ núi xuống đồng bằng nên nhiều năm nay, các xã xuống giống không đảm bảo lịch thời vụ của tỉnh. Đối với diện tích thu hoạch lúa đông xuân sớm trong vùng đê bao, nông dân xuống giống sớm vụ hè thu và vụ thu đông tiếp theo.
Đối với diện tích chưa có đê bao, nông dân có thể xen vụ màu ngắn ngày (chủ yếu là dưa hấu) trước khi xuống giống vụ hè thu. Cả 2 cách làm này đều giúp xả lũ tự nhiên một phần diện tích, giảm áp lực chống lũ ở các vùng đê bao còn lại.
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Ngọc Quyết (1984) mát tay với nghề nuôi rắn. Quyết đang sở hữu trang trại nuôi rắn hổ trâu "khủng" với thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.
Với nỗ lực các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương, nhiều năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ giảm, đời sống người dân được nâng lên
Hiện nay, diện tích khoai lang Nhật của anh Bình bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năng suất ruộng khoai được đánh giá đạt bình quân 18 tấn củ/ha
Mỗi ngày gia đình anh Phùng Văn Phương đưa ra thị trường 30kg rau mầm, thu về trên 1 triệu đồng, trừ chi phí anh bỏ túi trên 12 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Thắng đã quyết định mạo hiểm, khẳng định tài chăn nuôi của mình khi thành công với mô hình nuôi rắn hổ, rắn trâu thu về hàng trăm triệu mỗi năm