Hiệu Quả Trồng Xen Cây Có Múi Trong Vườn Dừa
Hiện Bến Tre có hơn 56.000ha vườn dừa, trong đó có nhiều diện tích dừa có điều kiện tự nhiên tương tự như vùng dừa xen cây có múi ở Giồng Trôm, nên có khả năng mở rộng mô hình trồng xen tương tự. Tuy nhiên, việc trồng cây có múi chỉ mang lại hiệu quả mong muốn khi có sự đầu tư, quan tâm đúng mức, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về chất lượng giống, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Nếu Mỏ Cày Nam khai thác thế mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới vườn dừa thì Giồng Trôm lại khai thác thế mạnh của mình bằng cách trồng xen cây có múi dưới tán dừa. Thật vậy, nếu có dịp ghé thăm Giồng Trôm, từ xa, các bạn sẽ nhìn thấy màu xanh ngút ngàn của dừa, bởi toàn huyện có hơn 14.400ha dừa.
Nhưng khi vào các vườn dừa của các xã Lương Hòa, Lương Quới, Lương Phú, thị trấn Giồng Trôm và một số xã lân cận, chúng ta càng ngạc nhiên hơn bởi tấm thảm xanh dưới tán dừa với chanh giấy, quýt đường, cam, bưởi da xanh mà hầu như vườn nào cũng có.
Tổng diện tích cây có múi quy ra chuyên canh là 2.787ha; trong đó, hơn 2.000ha đang cho thu hoạch với sản lượng là 22.792 tấn (năm 2012).
Đứng trong vườn dừa mát rượi bởi muôn vàn cành lá cây có múi dưới tán dừa, bạn sẽ cảm nhận được không khí trong lành của một miền quê xứ Dừa yên bình và thân thiện. Người dân nơi đây bận bịu với mảnh vườn của mình, với việc chăm sóc, thu hoạch cả dừa lẫn cây có múi hầu như quanh năm. Diện tích bình quân trong vùng khoảng 0,5ha/hộ. Có nhiều hộ diện tích vườn trên 1ha.
Trong vài năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng một số mô hình như thâm canh vườn dừa xen cam quýt theo hướng GAP với diện tích 10ha ở xã Lương Phú năm 2010; liên kết sản xuất bưởi da xanh theo hướng chất lượng an toàn với diện tích 4ha ở xã Lương Hòa năm 2010; thâm canh tổng hợp bưởi da xanh bằng biện pháp hữu cơ sinh học với diện tích 5ha năm 2012 ở thị trấn Giồng Trôm; xây dựng vườn dừa xen cây có múi kiểu mẫu năm 2013 với diện tích 3ha ở xã Lương Hòa nhằm giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật đến bà con nông dân nơi đây.
Qua các mô hình này, bà con nông dân ngày càng hoàn chỉnh hơn quy trình canh tác theo hướng an toàn, bền vững, đi đôi với gia tăng hiệu quả canh tác cho cả dừa lẫn cây có múi. Nhìn chung, năng suất dừa trong các mô hình đạt khoảng 8.000 trái, cây có múi đạt từ 10-12 tấn trái/ha/năm.
Thực lãi bình quân khoảng 150-200 triệu đồng/ha/năm tùy theo mô hình trồng xen. Vùng sản xuất dừa xen cây có múi nơi đây làm nên một chợ chanh Lương Quới nổi tiếng khắp vùng, bởi những trái chanh giấy mọng nước thơm lừng, hiện diện trong từng gia đình, góp thêm hương vị của mỗi bữa ăn ngon; hay làm nên những ly chanh đá giải khát hiệu quả trong những ngày hè oi bức.
Quýt đường, cam, bưởi da xanh nơi đây cũng được thị trường đánh giá cao về chất lượng, bởi ngoài việc sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, còn từ đặc điểm đất được hình thành bởi phù sa sông biển bồi tụ, tạo nên hương vị đặc sắc của trái cây miền sông nước Cửu Long.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nông dân Giồng Trôm đã có những phát kiến quan trọng như trồng dừa nước dọc các bờ mương, vừa chống lở bờ liếp dọc theo các sông rạch và mương sâu, vừa làm cây che bóng linh hoạt, vừa cung cấp lá đậy liếp giữ ẩm trong mùa nắng, vừa tăng cường bóng che để xử lý ra hoa nghịch vụ.
Có thể tóm tắt quy trình xử lý như sau: Vào khoảng tháng 8 dương lịch kết hợp với đợt hạn bà chằn giữa mùa mưa, nhà vườn sẽ bón thúc phân xử lý ra hoa, sau khi tưới nước cho phân tan thấm vào đất sẽ ngưng tưới nước để cây phân hóa hoa.
Sau 3-4 tuần, khi mưa trở lại, bà con sẽ đốn dừa nước, chỉ chừa lại một lá vừa nở cho mỗi bụi; lá và bụp dừa được trải đều trên liếp trồng để giữ ẩm, chống xói mòn và bổ sung chất hữu cơ cho đất. Sau khi đốn trống, ánh sáng tăng mạnh, bà con bắt đầu bón thêm phân đạm và tưới nước trở lại, cây sẽ bật mầm ra tược và hoa đồng loạt. Cây có múi ra hoa vào lúc này sẽ chín trong mùa nắng, bán được giá hơn mùa mưa.
Theo thời gian, dừa nước ra thêm lá che bớt nắng cho cây có múi trong mùa nắng, nơi nào bóng che nhiều, bà con sẽ tỉa bớt các tàu lá già; đến giữa mùa mưa năm sau, khi dừa nước ra thêm được khoảng 2-3 tàu thì chu kỳ sản xuất mới lại bắt đầu. Đây là một phương pháp xử lý ra hoa độc đáo vì nó đơn giản, an toàn, ít tốn kém nhờ vận dụng điều kiện canh tác tự nhiên tại chỗ.
Có thể bạn quan tâm
Con số mà ông Hương cập nhật đến hết tháng 5/2014 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước trong 5 tháng đã đạt 472 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2013. Với con số này, rau quả Việt Nam tiếp tục giữ vững uy tín và vị thế tại những thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore…
Diện tích thu hoạch mỗi vụ trong năm từ 90-120ha/máy, nếu tính trung bình khoảng 100ha/máy ở 2 vụ chính là Đông xuân và Hè thu, thì với giá thu hoạch lúa bằng máy khoảng 300.000 đồng/công, sẽ cho nguồn thu mỗi máy/vụ là 300 triệu đồng.
Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP áp dụng trên các loại nông thủy sản Việt Nam. Ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng từng bước triển khai áp dụng cho người nông dân thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để tiến đến tiêu chuẩn GlobalGAP và một số tiêu chuẩn bắt buộc khác của các nhà nhập khẩu.
Tuy cây tam thất có giá trị kinh tế cao, điều kiện thổ nhưỡng ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) phù hợp, nhưng người dân nơi đây cần phải thận trọng khi mở rộng diện tích trồng loài cây này bởi sản phẩm chưa có đầu ra ổn định.
Trưa 16/7, bão Rammasun đã đi vào Biển Đông. Theo dự báo, đây là cơn bão mạnh, sẽ gây mưa lớn 200-300 mm cho các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Khả năng gây ngập úng cho lúa mới cấy là rất cao, nhất là với vùng thung lũng miền núi phía bắc, vùng thấp trũng Đồng bằng sông Hồng.