Hiệu Quả Thiết Thực
Trong những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) xã Cát Minh (huyện Phù Cát) đã không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp hội viên nông dân (HVND), đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi và đã đạt được kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Trường Lâm, Chủ tịch HND xã Cát Minh, cho biết: Toàn xã hiện có 3.149 HV, sinh hoạt ở 7 chi hội. Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, HND xã đã tuyên truyền, vận động cán bộ, HV tăng cường đoàn kết, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng gia đình, dám nghĩ, dám làm, có phương án SXKD phù hợp để vươn lên làm giàu chính đáng, được HVND trong xã tích cực hưởng ứng, tham gia.
Để phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực, ngoài việc tổ chức tập huấn quy trình canh tác các loại cây trồng chính như lúa, đậu phụng qua mỗi mùa vụ, HND xã đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trên nhiều ngành nghề khác nhau, để chuyển giao tiến bộ KHKT các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho HVND. Hội cũng đã vận động nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao để tăng thu nhập...
Nhờ thực hiện gieo sạ bảo đảm đúng cơ cấu giống, mùa vụ, đầu tư thâm canh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nông dân Cát Minh đã giành thắng lợi liên tục các vụ sản xuất trong vòng 5 năm trở lại đây. Toàn xã có diện tích sản xuất lúa mỗi năm gần 1.600 ha, gần 200 ha sản xuất cây trồng cạn, năng suất bình quân năm sau cao hơn năm trước.
Các mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, vỗ béo bò thịt, nuôi vịt lấy trứng, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học... đã đem lại hiệu quả thiết thực. Toàn xã hiện có đàn gia súc hơn 10.600 con, trong đó đàn trâu bò trên 2.600 con với 75% là bò lai, gần 8.000 con heo, trên 70.000 con gia cầm.
Hội đã vận động ngư dân đầu tư vốn nâng cấp tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị hiện đại, vươn khơi bám biển khai thác đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Toàn xã hiện có trên 260 tàu thuyền, với trên 40 tàu công suất 90 CV trở lên, mỗi năm khai thác xấp xỉ 3.000 tấn hải sản các loại.
Địa phương cũng chú trọng phát triển nuôi trồng trên diện tích gần 100 ha mặt nước, nuôi ba ba kết hợp nuôi cá điêu hồng, nuôi cá mú, hàu... Tiềm năng kinh tế biển được khai thác có hiệu quả đã kéo theo dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, các nghề: sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, kinh doanh xăng dầu, thu mua, chế biến hải sản, làm nước mắm... đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập đáng kể cho người lao động.
Ngoài ra, các ngành nghề truyền thống như: sản xuất muối, đan đát, mộc, nề, sản xuất gạch ngói… đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đem lại nguồn thu nhập mỗi năm gần 70 tỉ đồng, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Đi đôi với phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất có thu nhập cao, HND xã Cát Minh còn tín chấp cho hội viên vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đã có 1.193 lượt hộ vay với tổng dư nợ 21,4 tỉ đồng, để đầu tư SXKD, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, nhiều hộ làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo, một số hộ vươn lên khá, giàu.
Từ phong trào, xuất hiện nhiều điển hình SXKD giỏi, như hộ anh Phan Tiến Dũng, ở thôn Gia Lạc, từ trang trại chăn nuôi vịt đẻ trứng, mua bán thức ăn gia cầm, mở lò ấp trứng và làm dịch vụ vận tải hàng hóa, năm 2013 anh thu lãi gần 500 triệu đồng. Hộ anh Lê Kim Đông, ở thôn Đức Phổ I, sản xuất muối trải bạt và nuôi trồng thủy sản, lãi gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Đến cuối năm 2013, Cát Minh có 920 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi, trong đó có 12 hộ cấp tỉnh, 131 hộ cấp huyện, 777 hộ cấp xã; có 45 hộ vươn lên thoát nghèo. Nhờ phát triển kinh tế có hiệu quả, đời sống của nông dân trong xã ngày càng được nâng cao, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2010, hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước. Khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ này, bà con ven hồ xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là tín hiệu tốt để nhân dân ven hồ, bao gồm bà con các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phát huy lợi thế 214 km2 mặt nước hồ thủy điện Sơn La để phát triển kinh tế gia đình.
Vừa qua, một số ao nuôi tôm sú tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) xuất hiện tôm chết (khoảng 2 triệu con). Sau khi biết tin, các cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng Chi cục Thú y tỉnh đã xuống các đồng nuôi kiểm tra, lấy mẫu đi phân tích.
So với cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn…thì trồng su su đạt hiệu quả gấp 6,7 lần. Đó là nhận định của bà con nông dân tại xóm Biệng, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Ngày 8/5, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra ở các xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh; xã Triệu An và Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, với diện tích nhiễm bệnh hơn 16 ha.
Năm qua, Bến Tre đã triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (TĐBHNN) tại 24 xã của 6 huyện, trong đó bảo hiểm đối với tôm biển 15 xã và bảo hiểm đối với cá tra 9 xã (Ba Tri 5 xã, Bình Đại 5 xã, Thạnh Phú 5 xã, Chợ Lách 3 xã, Giồng Trôm 3 xã, Châu Thành 3 xã).