Hiệu quả thâm canh nhãn VietGAP
Niên vụ sản xuất 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn trình diễn thành công nhiều mô hình thâm canh nhãn theo hướng VietGAP.
Nhãn VietGAP luôn được các thương lái săn đón tìm mua tại vườn.
Tổng diện tích đưa vào trình diễn gồm 130ha nhãn các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Nhật Tân (huyện Tiên Lữ), Vĩnh Xá (huyện Kim Động), Hàm Tử (huyện Khoái Châu), Minh Tân (huyện Phù Cừ) và Hồng Nam (thành phố Hưng Yên). Hiện các mô hình đã cho thu hoạch quả, sản lượng ước đạt 1.800 tấn, thời vụ thu hoạch sẽ kéo dài tới đầu tháng 10.
Thống kê sơ bộ tại các mô hình cho thấy: Năng suất trung bình của các trà nhãn đạt khoảng 14 tấn quả/ha, cao hơn đối chứng (ngoài mô hình) từ 4-6 tấn/ha, trong đó trà nhãn chín sớm đạt 8-8,5 tấn/ha, trà nhãn chín chính vụ và trà nhãn chín muộn đạt 17 tấn/ha.
Hiện trà nhãn chín sớm đã thu hoạch cơ bản, giá bán trung bình 48.000-50.000 đồng/kg tại vườn (cùng kỳ năm trước 30.000-35.000 đồng/kg), cá biệt trên giống nhãn đường phèn đã bán được 70.000-80.000 đồng/kg. Dự báo vào mùa thu quả rộ, giá nhãn xuất qua thương lái sẽ dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg (tùy địa phương).
Nhà vườn Nguyễn Văn Chiến (chủ hộ tham gia mô hình) hồ hởi khoe: "Trong khi khá nhiều vườn nhãn bên ngoài không ra quả hoặc ít quả, thì vườn nhãn của tôi vẫn khá sai quả, sản lượng ước đạt trên 24 tấn, trong đó phần diện tích nhãn sớm đã thu hoạch xong, sản lượng gần 2 tấn, trị giá ngót 100 triệu đồng, số nhãn chín chính vụ cũng đã được thương lái đặt cọc bao tiêu toàn bộ".
Anh Nguyễn Quang Quí ở thôn Cao Đoài, xã Nhật Tân (Tiên Lữ) cho biết, nhãn VietGAP không thể bán giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài chợ, vì người tiêu dùng rất khó phân biệt nhãn sạch và nhãn không sạch. Để bán được nhãn với giá cao hơn phải xuất khẩu hoặc đưa sản phẩm vào chuỗi các siêu thị nông sản sạch trong nước thông qua các HTX hoặc tổ hợp tác sản xuất.
“Tuy không bán được giá cao hơn sản phẩm cùng loại, nhưng nhãn VietGAP lại luôn được các thương lái săn đón tìm mua tại vườn. Theo đó chủ vườn sẽ đỡ công mang nhãn ra ngồi chợ mất ngày mất buổi, lại tránh được hao hụt do mất nước và cân lẻ”, anh Quí chia sẻ.
Được biết, trong quá trình triển khai xây dựng mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên còn kết hợp xúc tiến thành lập mới được 3 HTX và 7 tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả VietGAP, trong đó trọng tâm là cây nhãn. Nhờ vậy đã giúp các nhà vườn sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Một mô hình sản xuất nhãn VietGAP
Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc HTX nhãn Miền Thiết (xã Hàm Tử, Khoái Châu) cho hay: "Nhờ thành lập HTX, các nhà nông tham gia mô hình VietGAP trên cây nhãn, đã mua được phân bón trả chậm từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ, được nhà máy hỗ trợ tập huấn kỹ thuật bón phân hợp lý trên các đối tượng cây trồng nói chung, cây nhãn nói riêng. Mới đây HTX còn ký được biên bản ghi nhớ xuất khẩu nhãn chín muộn sang thị trường Trung Quốc".
Đến nay các loại nhãn quả sản xuất trong mô hình đều đã được Trung tâm Chất lượng NLTS vùng I Hải Phòng, cấp chứng nhận đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây không chỉ là tin vui giúp các nhà nông tiêu thụ nhãn quả tốt hơn, mà còn là dấu nét ghi nhận sự nỗ lực của những người làm khuyến nông trên cây nhãn suốt năm qua.
Đạt được các kết quả ấn tượng như trên là do, ngay sau kết thúc mùa thu hoạch nhãn năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã tiến hành qui hoạch mô hình, đánh giá chất lượng đất canh tác, chất lượng nguồn nước tưới, tuổi của cây trồng, sản lượng quả vừa lấy đi trên cây, kết hợp theo dõi sát mọi biến động của thời tiết, thủy văn khu vực... làm cơ sở để xây dựng công thức bón phân cân đối cho nhãn và điều khiển cho nhãn ra hoa đậu quả theo ý muốn. Đồng thời hướng dẫn các chủ hộ ghi nhật ký làm vườn và xây dựng qui chế giám sát nội bộ quá trình thực hành nông nghiệp tốt trên cây nhãn...
Bằng các giải pháp kỹ thuật và tổ chức thực hiện chi tiết cụ thể nói trên, mô hình VietGAP trên cây nhãn đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, góp phần cùng các địa phương ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
“Kế hoạch cho các năm tới, sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình VietGAP trên cây nhãn. Trình diễn GlobalGAP trên những cây ăn quả thế mạnh của tỉnh như nhãn và các cây có múi”, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh khảm lá sắn do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus, còn gọi là virus SLCMV gây ra.
Xây dựng mô hình giống mới và biện pháp canh tác sắn bền vững tại vùng trọng điểm của nhà máy chế biến
Hiện có trên 500 hộ nuôi ba ba gai, trong đó tập trung chủ yếu tại thị trấn nông trường Trần Phú với 252 hộ nuôi, xã Cát Thịnh 157 hộ nuôi...