Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Nuôi Tôm Quản Lý Cộng Đồng

Hiệu Quả Nuôi Tôm Quản Lý Cộng Đồng
Ngày đăng: 30/06/2012

Mô hình nuôi tôm quản lý cộng đồng do Trung tâm KN-KN Kiên Giang triển khai tại hai huyện An Minh và Vĩnh Thuận trong hai năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Người nuôi có sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau, giúp giảm chi phí đầu tư, ít ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra, năng suất cao hơn hẳn so với bình quân chung của tỉnh.

Toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 65.000 ha nuôi tôm sú quảng canh cải tiến luân canh với trồng lúa (mô hình tôm-lúa), tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển vùng U Minh Thượng. Qua hơn 10 năm chuyển đổi SX theo mô hình này, thu nhập của người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên, giải pháp kỹ thuật chưa được thống nhất, SX nhỏ lẻ, manh mún, nông dân làm theo kinh nghiệm là chính nên năng suất tôm nuôi còn rất thấp và chưa ổn định (dao động từ 180-230 kg/ha/vụ).

Đặc biệt là việc xử lý chất thải trong quá trình nuôi chưa tốt, sử dụng thuốc và hóa chất thiếu hợp lý gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và nguy cơ xảy ra dịch bệnh ngày càng nhiều. Năm 2010, từ nguồn kinh phí do Bộ KH-CN cấp, Trung tâm KN-KN Kiên Giang đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác ổn định 1 vụ tôm sú - 1 vụ lúa ở vùng U Minh Thượng” trên diện tích 50 ha với 22 hộ nông dân tham gia. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất lúa tăng từ 4,32 tấn lên 4,62 tấn/ha, năng suất tôm tăng từ 200 kg lên trên 300 kg/ha.

Chúng tôi tìm đến ấp Tám Biển 2, xã Thuận Hòa, An Minh đúng vào thời điểm nông dân trong vùng dự án đang thu hoạch vụ tôm năm 2012 với năng suất đạt trên 300 kg/ha, cá biệt có hộ đạt 400 kg/ha. Ông Ba Đông (Trương Văn Đông) có 4,5 ha tham gia dự án phấn khởi cho biết: “Vụ tôm năm nay gia đình tui thu hoạch được hơn 1,5 tấn tôm (360 kg/ha), tôm đạt cỡ 34 con/kg. Tuy giá tôm năm nay thấp nhưng cũng bỏ túi được gần 100 triệu đồng”.

Theo ông Ba Đông, trước đây khi chưa tham gia dự án nông dân ở đây mạnh ai lấy làm, có người thả nuôi trước lịch thời vụ khuyến cáo cả tháng. Trong khi đó, cả ấp chỉ có một con sông duy nhất vừa là nơi lấy nước vào nuôi vừa là nơi xả thải. Vì vậy, nếu những hộ “xé rào” thả nuôi trước bị dịch bệnh rồi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường thì những hộ lấy nước vào nuôi sau coi như lãnh đủ. Tham gia dự án nuôi tôm quản lý cộng đồng, nông dân được tập huấn kỹ về kỹ thuật, từ cách xây dựng ao nuôi, đến khâu cải tạo môi trường, chọn con giống, chăm sóc…, đặc biệt là có sự tương trợ lẫn nhau, không còn tình trạng mạnh ai lấy làm.

Tương tự, hộ bà Trương Thị Phệt, có 2 ha tham gia dự án cũng vừa thu hoạch được hơn 700 kg tôm cho biết: “Trước đây gia đình tui đã từng đầu tư nuôi tôm công nghiệp nhưng bị thất bại, cuối cùng đành phải phá bỏ để làm theo mô hình tôm-lúa. Nhờ có dự án này mà 2 năm nay gia đình tui điều trúng tôm, mỗi vụ cũng thu hoạch được khoảng 350 kg tôm/ha. Giá tôm năm nay giảm khoảng 60 ngàn đồng/kg so với năm ngoái, làm thu nhập của nông dân giảm nhưng gia đình tui vẫn còn lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập khá trong bối cảnh tôm nuôi bị dịch bệnh hoành hành như hiện nay”.

Ông Huỳnh Tấn Tịnh, Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho biết, các hộ tham gia mô hình phải có quy mô diện tích từ 1-2 ha trở lên, lên đê bao rộng từ 3-4 m, diện tích đường mương chiếm 25-30% và phải có ao lắng và ao vèo con giống riêng (chiếm khoảng 30% tổng diện tích thả nuôi).
 
Ao nuôi phải được xử lý kỹ như trục mặt ruộng, bón vôi đáy ao, diệt tạp, diệt khuẩn trước khi thả nuôi. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc có chứa thành phần Cypermethrine, Deltamethrine để diệt giáp xác, cải tạo môi trường. Con giống mua ở các cơ sở có uy tín, kích cỡ đạt post 15 và phải được xét nghiệm đối với các bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi… trước khi nuôi. Thời gian thả nuôi phải thống nhất và đúng khung thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn. Nhờ đó đã góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân.

TS. Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, Chủ nhiệm dự án cho biết, mục tiêu của dự án nhằm nâng cao sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau trong quá trình nuôi tôm, giảm chi phí đầu tư trong SX, hạn chế những tác động về môi trường cũng như rủi ro dịch bệnh trong vùng nuôi.

Đồng thời nâng cao trình độ chăm sóc, quản lý trong nuôi tôm, từ đó làm tăng năng suất tôm, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Qua dự án, sẽ xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật cho mô hình luân canh tôm-lúa để khuyến cáo nông dân áp dụng, nhân rộng ra toàn vùng.

Có thể bạn quan tâm

Nguy Cơ Dịch Cúm Gia Cầm Cút Và Yến Ngoài Vòng Kiểm Soát Nguy Cơ Dịch Cúm Gia Cầm Cút Và Yến Ngoài Vòng Kiểm Soát

Việc phát hiện đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận dương tính với cúm A/H5N1 khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, không chỉ chim yến, chim cút tại Đồng Nai cũng nằm “ngoài vòng kiểm soát” của dịch bệnh.

17/04/2013
Một Số Giống Lúa Có Thể Sử Dụng Trong Vụ Đông - Xuân 2013 - 2014 Một Số Giống Lúa Có Thể Sử Dụng Trong Vụ Đông - Xuân 2013 - 2014

Theo Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre, để sản xuất vụ lúa Đông - Xuân thành công, bà con nông dân có thể sử dụng một số giống lúa dưới đây

31/10/2013
Sản Xuất Xoài GlobalGAP Lãi 100 Đến 200 Triệu Đồng Sản Xuất Xoài GlobalGAP Lãi 100 Đến 200 Triệu Đồng

Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới, bình quân mỗi ha trồng xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng/ha.

17/04/2013
Nỗi Lo Chất Lượng Tàu Cá Nỗi Lo Chất Lượng Tàu Cá

Chỉ 799 tàu cá công suất từ 20 CV trở lên, trong đó 221 chiếc đánh bắt xa bờ, thế nhưng hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Đà Nẵng năm nào cũng xảy ra sự cố, không ít người phải nằm lại với biển. Làm gì để tàu cá và ngư dân an toàn?

01/11/2013
Không Để Dịch Tai Xanh Lây Lan Rộng Không Để Dịch Tai Xanh Lây Lan Rộng

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong 2 tuần qua, dịch tai xanh đã xuất hiện tại 6 tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh.

18/04/2013