Cần Phát Huy Thế Mạnh Con Tôm Càng Xanh
Từ nhiều năm nay, con tôm càng xanh (TCX) đã và đang được nông dân nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đầu tư thả nuôi trên ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Giá trị kinh tế từ con TCX ngày càng được khẳng định, do đó TCX không chỉ bó hẹp ở một vài địa phương mà đang phát triển với qui mô ngày càng lớn ở nhiều vùng đất trồng lúa của huyện Tam Nông, Cao Lãnh, Lấp Vò, TX.Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và cả ở vùng đất trũng xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười.
Vụ nuôi TCX năm 2012 toàn tỉnh Đồng Tháp đã thả nuôi trên 1.291ha, tuy chỉ đạt 58,7% kế hoạch (lũ nhỏ không thích hợp cho nuôi thả) nhưng đây cũng là diện tích khá lớn do người dân đã xác định được hiệu quả của con tôm, mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi tôm trên ruộng lúa thay vì sản xuất lúa vụ đông xuân, và huyện Tam Nông đã trở thành “thủ phủ” của mô hình nuôi TCX trên ruộng lúa mùa nước nổi với diện tích trên 700ha, kế đến là huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, TX.Hồng Ngự...
Năm 2005, huyện Tam Nông có 7 hộ nông dân ở xã Phú Thành B mạnh dạn vay vốn Ngân hàng cải tạo đất nuôi 23ha TCX trên ruộng lúa đạt lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/ha.
Đến năm 2008, tổng diện tích mặt nước nuôi tôm ở Tam Nông đã tăng lên trên 600ha với 100 hộ nuôi, sản lượng đạt trên 1.100 tấn. Từ đó đến nay, mỗi năm, nông dân Tam Nông đều thả nuôi trên dưới 700ha với sản lượng từ 1.200 - 1.300 tấn tôm thương phẩm.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Tam Nông, nuôi tôm trên ruộng lúa đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, bình quân thu lợi nhuận trên dưới 60 triệu đồng/ha. Hiện nay, việc nuôi TCX trên ruộng lúa không còn gọi là mô hình mà đã trở thành thế mạnh, là thương hiệu, là ngành nghề bền vững để phát triển nông nghiệp ở Tam Nông. Huyện đang phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu phát triển diện tích nuôi TCX trên ruộng lúa lên 3.000ha.
Ở huyện Cao Lãnh, những năm qua diện tích và sản lượng vùng nuôi TCX không ngừng gia tăng. Các hộ nuôi tôm đã được đầu tư theo hướng thâm canh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận. Mặc dù giá cả của con tôm có lúc không ổn định, nhưng người nuôi vẫn có thu nhập khá cao. Năm 2013, toàn huyện hiện thả nuôi 124ha tôm, sản lượng thu hoạch 234 tấn, năng suất bình quân 1,8 tấn/ha. Riêng xã Nhị Mỹ có tổng điện tích 118ha, sản xuất 2 năm 3 vụ.
Được sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn, vụ tôm vừa qua năng suất đạt khoảng 1,8 tấn/ha, lợi nhuận gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa, với mức bình quân từ 80 - 100 triệu đồng/ha/vụ, đặc biệt có hộ lợi nhuận từ 120 - 140 triệu đồng/ha/vụ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lãnh, nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật và quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng... nên năng suất và lợi nhuận tương đối cao. Đặc biệt, huyện Cao Lãnh xác định đây là vùng dự án nuôi TCX chuyên canh trên đất lúa, con TCX hiện đang khẳng định hiệu quả kinh tế, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để liên minh sản xuất, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, ổn định đầu ra thì mới phát triển bền vững.
Dọc hai bên bờ kinh Rạch Xộp - ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ sẽ nhìn thấy đất trồng lúa trước đây đã trở thành những ao nuôi tôm liên hoàn.
Qua nhiều năm chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi TCX, hầu hết các hộ nuôi đều khá và giàu lên, nhà cửa xây cất khang trang, có hộ xây nhà lên đến 1 - 2 tỷ đồng. Gia đình ông Nguyễn Thanh Cao ở ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ là một minh chứng: từ 1,5ha đất trồng lúa, năm 2008 ông chuyển sang nuôi tôm, sau 3 năm ông mua thêm 1,5ha đất kế cận từ lợi nhuận nuôi tôm và tiếp tục nuôi cho đến nay.
Năm 2011, ông đã xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá gần 400 triệu đồng ngay bên cạnh ao nuôi tôm và mới đây, con trai ông Cao cũng vừa cất mới ngôi nhà trị giá hơn 600 triệu đồng cũng từ nuôi tôm.
Có thể khẳng định, việc phát triển nuôi TCX trên ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, ít rủi ro và có thể phát triển ở nhiều vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, ở huyện Lấp Vò đã xây dựng vùng dự án nuôi TCX ở xã Mỹ An Hưng B. Hằng năm, nông dân thả nuôi với diện tích 200ha tôm. Các vùng ngoài dự án, nông dân cũng đã bắt đầu chuyển dịch sang mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm.
Để đảm bảo nuôi tôm đạt hiệu quả, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp tập huấn kỹ thuật cho những hộ có diện tích nuôi tôm mới, đồng thời triển khai xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng như vùng dự án nuôi tôm ở xã Mỹ An Hưng B. Huyện Hồng Ngự và TX.Hồng Ngự, Tân Hồng... cũng từng bước thực hiện phát triển nuôi tôm trên ruộng lúa mùa nước nổi ở những vùng đất thích hợp với diện tích trên 200ha.
Đặc biệt, ở vùng đất trũng, nhiễm phèn nặng như xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười (giáp với tỉnh Long An), một số nông dân cũng bắt đầu chuyển một số diện tích đất trồng lúa sang nuôi TCX mùa nước nổi đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Hiệu quả thực tế từ mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa mùa nước nổi đã thấy rõ: Đa số những hộ nuôi tôm tuân thủ đúng theo kỹ thuật hướng dẫn của ngành chức năng đều đạt năng suất và lợi nhuận cao. Rất nhiều nông dân trở nên khá giàu, có người trở thành tỷ phú cũng nhờ nuôi TCX...
Tuy nhiên, vấn đề nông dân quan tâm và lo ngại nhất trong việc phát triển nuôi TCX ở tỉnh Đồng Tháp là chất lượng con giống và đầu ra tôm thương phẩm.
Do không đủ nguồn giống sản xuất tại địa phương khi vào vụ thả nuôi nên rất nhiều hộ mua tôm giống không rõ nguồn gốc, loại giống trôi nổi nầy phần lớn không phù hợp với khí hậu, môi trường tại các vùng nuôi, đạt tỷ lệ sống rất thấp, chậm lớn, kéo dài thời gian nuôi, giá bán rất thấp, lợi nhuận không cao, đôi khi còn thua lỗ. Đối với tôm thương phẩm đến kỳ thu hoạch gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Mặt khác, việc gia tăng diện tích nuôi tôm ngoài qui hoạch là rất đáng lo ngại khi khâu tiêu thụ chưa được tổ chức chặt chẽ, ổn định lâu dài. Đây là vấn đề đang rất cần được đặt ra đối với chính quyền địa phương, ngành chức năng và cả người nuôi tôm.
Từ khi UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển TCX đến năm 2020, lấy mô hình “1 vụ tôm - 1 vụ lúa” làm mô hình nhân rộng để khai thác tốt tiềm năng mùa nước nổi và giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn, lãnh đạo tỉnh đã xem TCX là một trong những mặt hàng chiến lược xuất khẩu rất tiềm năng trong tương lai sau con cá tra.
Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, bước đầu chỉ mới xây dựng chuỗi giá trị cho 5 ngành hàng chủ lực, nhưng lại không có con TCX. Thiết nghĩ, việc phát triển nuôi TCX và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nầy trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, bởi niềm tin về hiệu quả của con TCX đã và đang được nông dân kỳ vọng.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân và con TCX hiện đang khẳng định giá trị kinh tế của nó.
Có thể bạn quan tâm
Cơn bão số 11 khiến hàng trăm héc ta cao su đang ở giai đoạn thu hoạch đã bị đổ gãy. Bài học về quy hoạch vùng trồng cao su ở đâu cho hiệu quả vẫn gợi nhiều suy ngẫm cho các địa phương.
Trong những năm gần đây, cây mãng cầu Tây Ninh có thương hiệu mãng cầu Bà Đen đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương, giúp nhiều hộ dân ở đây vươn lên làm giàu.
Khó khăn lớn nhất của ngư dân trong nhiều năm liền là phải có nguồn vốn đối ứng ban đầu từ 30-40% giá trị con tàu, mới có thể được vay vốn để phục vụ đánh bắt xa bờ.
9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.
Một số trại nuôi nhím trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết, giá nhím giống hiện giảm xuống chỉ còn 1-1,5 triệu đồng/cặp, thấp hơn 1,5-2 triệu đồng/cặp so với giữa tháng 9-2013.