Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Giống Mới

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Giống Mới
Ngày đăng: 08/12/2014

Những năm gần đây, ngành thủy sản Vĩnh Phúc phát triển ổn định về diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng dần về năng suất và sản lượng.

Các hộ nuôi thủy sản bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh với nhiều giống mới, có giá trị kinh tế và cho năng suất cao, điển hình như: Mô hình nuôi cá Rô phi đơn tính dòng Đường nghiệp và cá chép lai 3 máu. Sự thành công của mô hình là cơ sở để nhân rộng và khai thác tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh ngày càng ổn định và bền vững.

Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi sang các mô hình mới, hiệu quả cao. Với diện tích mặt nước gần 7.000 ha và hàng ngàn ha vùng trũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh đó, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế đầu tư, hỗ trợ phát triển giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, trong đó có Mô hình nuôi cá Rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp và cá Chép lai 3 máu.

Sau 3 năm triển khai, đến nay mô hình đã khẳng định được hiệu quả; sản phẩm dễ tiêu thụ và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã và đang mạnh dạn đầu tư trên quy mô lớn, theo hướng thâm canh.

Năm 2014, mô hình nuôi cá giống mới được triển khai tại 50 hộ trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 40 ha ở 9/9 huyện, thành, thị (mỗi hộ tham gia có diện tích ao từ 0,3 – 2,0 ha), thời gian nuôi từ tháng 4 đến tháng 11. Theo đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống.

Theo anh Vũ Duy Cương, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản, hai giống cá mới này có những ưu điểm vượt trội như: Tiêu tốn thức ăn thấp, cá lớn nhanh, trọng lượng xuất bán cao, giá thành sản xuất thấp, ít bị dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu cũng như môi trường nước tại tỉnh ta; đồng thời, thịt thơm ngon, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Được biết, tham gia mô hình, các hộ còn được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá do Chi cục Thủy sản tổ chức và có cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi chỉ đạo sát sao, điều chỉnh thức ăn, thay nước, kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá và phát hiện bệnh để có biện pháp phòng, trị bệnh kịp thời.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các hộ đã làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn cá nuôi từ khâu thả cá giống cho đến chăm sóc, quản lý ao nuôi, nên ít xảy ra dịch bệnh.

Với mật độ thả là 3,1 con/m2, thời gian nuôi 5 tháng cá bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng trung bình đạt từ 0, 8 – 1 kg/con, năng suất bình quân đạt 13,9 tấn/ha. Nhiều hộ nuôi chỉ sau 3,5 - 4 tháng, cá đã đạt kích cỡ thương phẩm và cho thu hoạch, điển hình như các hộ: Ông Nguyễn Xuân Trường (Ngọc Mỹ - Lập Thạch), bà Lê Thị Nga (Đôn Nhân - Sông Lô), ông Nguyễn Văn Nhắc (Thanh Vân - Tam Dương)....

Đây là tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp nói chung bởi hiện nay, nếu như chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn chịu rủi ro vì giá cả bấp bênh, dịch bệnh và chi phí thức ăn tăng cao thì người nuôi trồng thủy sản lại phấn khởi với một mùa cá bội thu, thu lãi hàng trăm triệu đồng/ năm, làm giàu cho gia đình và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có mặt tại hộ gia đình anh Hà Hồng Hải (thôn Ngọc Liễn, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch) tháng 11/2014, chứng kiến không khí phấn khởi của gia đình anh khi thu hoạch những mẻ lưới đầy, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người nuôi cá. Cá đánh lên đến đâu, thương lái thu mua đến đó, thậm chí có tiểu thương đợi sẵn từ sáng sớm để nhập hàng mang ra chợ bán. Là hộ lần đầu tham gia mô hình, anh Hải cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi các giống cá truyền thống như: Trôi, Trắm, Mè…hiệu quả rất thấp.

Năm 2014, qua một người bạn, tôi được biết đến mô hình nuôi cá giống mới của tỉnh. Lần đầu tiên nuôi giống cá mới, kỹ thuật chăm sóc còn nhiều lạ lẫm, vốn đầu tư lại khá lớn, tôi cũng rất băn khoăn lo lắng, bởi riêng chi phí đầu tư cũng mất gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau gần 5 tháng triển khai, đến nay, giống cá mới sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là cá Rô phi đơn tính, tỷ lệ con đạt trọng lượng trên 1kg/con khá lớn”.

Tham gia mô hình, gia đình anh Hải được hỗ trợ 30.000 con cá Rô phi đơn tính, 1.000 con cá Chép lai cùng một phần chi phí thức ăn và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá, cách chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải vui vẻ cho biết, gia đình mới bắt đầu thu hoạch vào giữa tháng 10 vừa qua, trung bình mỗi ngày thu hoạch 1 tạ cá, cung cấp cho các thương lái trong huyện.

So với mọi năm, năm nay, cá Rô phi dòng Đường Nghiệp bán được giá. Theo các thương lái, cá Rô phi Đường nghiệp được thị trường khá ưa chuộng, với giá bán buôn là 33 ngàn đồng/kg, giá bán lẻ là 40 ngàn đồng/kg, đặc biệt từ đầu năm đến nay, giá cá luôn ổn định.

Với diện tích 1,7 ha mặt nước, anh Hải cho biết, nếu như nuôi các giống cá truyền thống như trước đây, mỗi năm chỉ cho sản lượng trung bình từ 5 – 6 tấn cá/ha thì nay, với các giống mới này, năng suất có thể đạt tới trên 13 tấn/ ha/năm. Theo ước tính của anh Hải, trừ chi phí thức ăn, gia đình anh có thể thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng từ việc nuôi cá giống mới.

Có thể thấy, mô hình nuôi cá giống mới đạt năng suất, sản lượng cao gấp từ 3 - 4 lần so với nuôi các loài cá truyền thống; thời gian nuôi ngắn (5 tháng) cho thu hoạch nhanh, quay vòng vốn và có thể nuôi khép kín 2 vụ/năm, trên một diện tích ao nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Để phát triển bền vững mô hình nuôi cá Rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp theo hướng thâm canh tại Vĩnh Phúc, Chi cục Thủy sản đã triển khai nuôi 2 vụ/năm nhằm ổn định thị trường đầu ra và nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình.

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình nuôi cá giống mới vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số hộ nuôi các giống cá truyền thống vẫn còn khá nhiều, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Bên cạnh đó, do chưa chủ động được về nguồn nước, nhiều hộ còn khó khăn trong việc bổ sung hoặc thay nước khi cần thiết; tình trạng ô nhiễm môi trường ao nuôi ngày càng gia tăng tại nhiều địa phương, nguy cơ phát sinh dịch bệnh khá lớn.

Đặc biệt, số lượng cán bộ chuyên môn của Chi cục còn thiếu, địa bàn triển khai mô hình cách xa nhau nên khó khăn trong công tác chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật. Nhu cầu vốn cho người nuôi cá còn thiếu nên việc đầu tư thức ăn cho cá còn gặp khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất cá giống mới, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần sớm phê duyệt dự án mở rộng mô hình nuôi cá giống mới thâm canh, tạo điều kiện để quy hoạch và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Đồng thời, hỗ trợ các trang, thiết bị (máy sục khí, máy phun mưa) phục vụ cho dự án phát triển nghề nuôi cá thâm canh; hỗ trợ hóa chất, chế phẩm để xử lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ vốn để các hộ mở rộng sản xuất; chú trọng đưa các giống thủy sản chất lượng cao, sạch bệnh vào sản xuất; nâng cao thu nhập cho bà con và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Nguồn bài viết: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/17466/hieu-qua-mo-hinh-nuoi-ca-giong-moi.html


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Thâm Canh Giống Mì KM 2238 Và KM 140 Đạt Hiệu Quả Mô Hình Thâm Canh Giống Mì KM 2238 Và KM 140 Đạt Hiệu Quả

Được hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học năm 2012, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) đã triển khai mô hình thâm canh 2 giống mỳ mới KM 228 và KM 140 tại 2 hộ dân ở thôn Ma Trai và thôn Động Thông (xã Phước Chiến).

24/12/2013
Bất Ổn Thị Trường Nguyên Liệu Tôm Xuất Khẩu Bất Ổn Thị Trường Nguyên Liệu Tôm Xuất Khẩu

Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo sẽ cán đích trên 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm thẻ ở hầu hết các thị trường. Tuy nhiên, thành quả này có thể bị ảnh hưởng bởi thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến tôm xuất khẩu đang thiếu trầm trọng.

29/11/2013
Nông Dân Huyện Krông Pa Được Mùa Mì Năng Suất Cao Nông Dân Huyện Krông Pa Được Mùa Mì Năng Suất Cao

Những ngày này, nông dân tại các xã của huyện Krông Pa (Gia Lai) đang tập trung thuê lao động cho vụ thu hoạch mì, vui hơn khi mùa vụ năm nay năng suất cây mì cho sản lượng cao hơn, mỗi ha mì cho thu hoạch 22 tấn, cao hơn vụ trước 2 tấn/ha. Với diện tích gần 9.500 ha mì gieo trồng trong vụ Đông Xuân, Krông Pa là địa phương có diện tích và sản lượng mì lớn nhất tỉnh.

24/12/2013
Trồng Mía “Xương Gà” Thu Gần 190 Triệu Đồng/ha Trồng Mía “Xương Gà” Thu Gần 190 Triệu Đồng/ha

Theo tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương (Lào Cai), hiện toàn huyện có gần 75 ha mía “xương gà” trồng tập trung ở xã Thanh Bình, trung bình mỗi ha mía “xương gà” thu gần 190 triệu đồng/ha.

24/12/2013
Nuôi Dê Để Cải Thiện Cuộc Sống Nuôi Dê Để Cải Thiện Cuộc Sống

Nhiều hộ nông dân ở ấp 3, xã Tân Thành (Bù Đốp - Bình Phước) đang phất lên nhờ kết hợp trồng tiêu và nuôi dê. Với lợi thế vốn đầu tư ít, dê thương phẩm có thị trường tiêu thụ lớn nên mô hình này đang được nhân rộng.

29/11/2013