Giá Cá Tra Tăng Đều

Những ngày qua, giá cá tra ở ĐBSCL tăng liên tục. Nhờ vậy, nông dân nuôi cá tra ở khu vực này đã bắt đầu có lãi khá.
Ông Út Anh, một người nuôi cá có tiếng ở Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), vừa cho biết, giá ca tra kích cỡ 800-900 gam/con, do thương lái thu mua ngay tại ao ở khu vực này, hiện đã vào khoảng 24.200-24.300 đ/kg. Nếu so với hồi tháng 2, giá cá tra đã tăng khá, bởi cách đây một tháng, giá cá tra ở Cần Thơ chỉ khoảng trên dưới 23.000 đ/kg. Còn ở Vĩnh Long, trong tháng 2, giá cá tra nằm ở mức 22.500-23.000 đ/kg.
Theo ông Út Anh, với giá thua mua như trên, người nuôi cá tra đã bắt đầu có lãi sau nhiều tháng chỉ hòa hoặc lỗ. Bởi hiện nay, với mỗi ao nuôi có diện tích 6.000 m2, để nuôi được 200 tấn cá, chi phí bình quân trên mỗi kg cá đến thời điểm xuất bán là 22.000 đ/kg. Tính ra, những hộ nào bán cá trong thời điểm này, đều có được khoản lợi nhuận trên 2.000 đ/kg.
Giá cá tra liên tục tăng, trước hết là do nguồn cá nguyên liệu trong dân hiện nay không có nhiều. Ông Út Anh cho hay, trong một thời gian dài, do giá cá tra nguyên liệu xuất bán tại ao chỉ ở mức 21.000-22.000 đ/kg hoặc thấp hơn, khiến nhiều hộ bị thua lỗ.
Vì thế, ở Vĩnh Thạnh, nhiều hộ trước đây nuôi 5-6 ao, nay giảm xuống còn 1-2 ao. Chi phí nuôi cá ở mỗi ao cũng được nông dân điều chỉnh giảm xuống cho đỡ lỗ, thành ra năng suất từ mức 200 tấn/ao (6.000 m2) cũng giảm xuống chỉ còn 100-150 tấn/ao. Số hộ nuôi vốn đã giảm nhiều, đã thế mỗi hộ lại giảm số ao, giảm sản lượng ở từng ao như trên, thì việc thiếu hụt cá tra nguyên liệu là khó tránh khỏi.
Số liệu thống kê từ một số địa phương cũng cho thấy, diện tích nuôi cá tra đang giảm ở hầu hết các vùng nuôi. Trong tháng 2 vừa rồi, diện tích cá tra ở Vĩnh Long giảm tới 10%, chỉ còn 277 ha. Ở Cần Thơ, diện tích cá tra trong tháng trước là 480 ha, giảm 8,57%. Ở Đồng Tháp, diện tích cá tra cũng giảm 4,7%, còn gần 1.000 ha … Do diện tích cá tra giảm mạnh, nên theo VASEP, trong tháng 3 này, sản lượng cá tra ở ĐBSCL giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy giá cá tra tăng nhưng theo nhận định của VASEP, nhiều khả năng trong cả năm nay, sản lượng cá tra sẽ giảm mạnh so với năm ngoái do người nuôi chưa thể phục hồi diện tích nuôi cá tra trong thời gian ngắn. Và do đó, nhiều khả năng trong thời gian tới, giá cá tra nguyên liệu sẽ còn tăng lên nữa.
Trong khi đó, đầu ra cho con cá tra hiện đang tương đối thuận lợi. Nhu cầu NK cá tra của các khách hàng Mỹ đang tăng lên khi vùng phía Đông nước này bị giảm mạnh sản lượng cá da trơn do thời tiết xấu. Bởi thế, vừa qua, trong thời gian diễn ra Hội chợ thủy sản quốc tế ở Boston (16-17/3), với sự tham gia của nhiều DN cá tra Việt Nam, giá cá tra trên thị trường Mỹ đã tăng 10%.
Đây là một điều lạ trong ngành hàng cá tra, bởi với “truyền thống” đua nhau chào giá thấp hơn tại các hội chợ nhằm chèo kéo nhà NK, nên trước đây, mỗi khi các DN cá tra Việt Nam cùng nhau tham dự một hội chợ thủy sản quốc tế nào đó, giá cá tra XK lại bị giảm xuống. Còn theo phản ánh của một số DN, ngoài thị trường Mỹ, nhu cầu NK cá tra của một số khách hàng châu Âu cũng đang tăng lên.
Tuy người nuôi cá tra hiện đã có lãi nhờ giá cá tra tăng liên tục, nhưng theo nhận định của nhiều hộ nuôi, sẽ không có khả năng nông dân lại đổ xô nuôi cá tra như trước đây. Bởi với thời gian nuôi kéo dài tới 6 tháng, không ai có thể khẳng định được nếu thả nuôi vào thời điểm này, thì tới tháng 9 thu hoạch, giá cá còn tốt nữa hay không.
Mặt khác, phần lớn các hộ nuôi cá tra do thua lỗ trong thời gian dài nên đã không còn đủ vốn để gây nuôi quy mô lớn, người dân cũng không vay ngân hàng để tái nuôi cá tra ồ ạt như những lần giá tăng trước đây nữa. Thay vào đó, các hộ nuôi cá tra bây giờ có vốn tới đâu thì nuôi tới đó. Chỉ những hộ nào có liên kết, có đảm bảo đầu ra của các DN thì mới mạnh dạn thả nuôi cá tra so với những hộ khác.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013 Trung tâm Giống thủy sản An Giang có khả năng sản xuất đạt 1 triệu con lươn đồng giống. Hiện nay, diện tích bể nông dân sản xuất giống lươn đồng tăng dần theo từng năm: Nếu như năm 2011 chỉ có 240m2, năm 2012 tăng 1.000 m2 và năm 2013 ước khoảng 2.000 - 2.500m2. Năng suất sản xuất ổn định với 450 - 500 con lươn giống/m2.

Nông dân trên địa bàn huyện Núi Thành, Đại Lộc phập phồng nỗi lo mất mùa vì hàng loạt diện tích lúa và hoa màu bị khô hạn nặng do nhiều hồ chứa cạn kiệt nước... Để chống hạn cho cây lúa đang thời kỳ đứng cái, làm đòng, các địa phương đang xoay xở nhiều phương án ứng phó.

Tính đến hết tháng 6/2013, diện tích tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại khoảng 23.938 ha, chiếm 4,2% tổng diện tích thả nuôi, bằng 65% so với cùng kỳ.

Các hộ nuôi tôm ở vùng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) hiện đang phải đối mặt với tình trạng tôm nuôi bị chết trên diện rộng.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi và lãnh đạo các sở, ngành đã có đợt khảo sát thực tế vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm ở đây đều gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh và tình hình dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt.