Hiệu quả kỹ thuật gieo tinh nhân tạo cho Bò sữa bằng tinh phân biệt giới tính
Trong đó phương pháp tăng sinh học đang chiếm ưu thế, tức là phương pháp gieo tinh nhân tạo bằng tinh phân biệt giới tính dựa trên đàn bò nền địa phương đã chứng tỏ được hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế nông hộ trong tỉnh.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra tinh giới tính
Để phát triển đàn bò sữa, lâu nay các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa thường nhập con giống từ nước ngoài về cung ứng cho nông dân (tức là tăng đàn bằng phương pháp cơ học). Nhưng hiện nay giá bò sữa giống nhập có mức rất cao, vượt quá khả năng đầu tư của nông dân. Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò đã được
Nhà nước đầu tư thực hiện thông qua các chương trình dự án phát triển chăn nuôi nhưng kết quả không cao, do bê con sinh ra chỉ có 50% là bê cái. Hơn nữa do nhiều nguyên nhân, chất lượng đàn bò sữa đang ngày bị giảm sút.
Vì vậy, để tăng nhanh số lượng bê cái, từ đó tăng tổng đàn bò sữa và nâng cao số lượng và chất lượng sữa bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sử dụng tinh phân biệt giới tính đang tạo ra bước ngoặt mới trong ngành chăn nuôi Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung, thạc sĩ Nguyễn Hữu Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Phó Giám đốc Dự án Bò sữa tỉnh Sóc Trăng cho biết:
“Trước đòi hỏi của quá trình sản xuất giống của hộ nuôi, trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu để tạo ra tinh giới tính cách đây khoảng 20 năm, được đưa vào thương mại hóa năm 2005. Tuy nhiên chỉ được sử dụng phổ biến từ năm 2010 ở các nước phát triển.
Ở Việt Nam, tinh giới tính Bò sữa được thực hiện từ năm 2012. Khi phối cho Bò sữa tỉ lệ sinh 90% là bê cái, chỉ có 10% là bê đực, do đó tinh giới tính có ưu thế vượt trội so với tinh thường, giúp tăng đàn nhanh, cải tạo chất lượng giống”.
Tuy chi phí mỗi lần gieo tinh phân biệt giới tính cao hơn so với gieo tinh thông thường, nhưng bê sinh ra đảm bảo trên 90% là bê cái, người chăn nuôi có cơ hội tăng đàn và tăng thu nhập nhanh chóng. Mặt khác việc tạo con đực giống để sản xuất tinh phân biệt giới tính cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, tuyển lựa con có khả năng di truyền tốt, cho năng suất cao đề từ đó di truyền cho đời sau, do đó chất lượng bê con sinh ra sẽ phát triển tốt, cho năng suất sữa cao.
Hộ anh Lâm Cươi ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề vừa có thêm hai con bê cái nhờ phương pháp này. Hiện với tổng đàn bò 8 con, kinh tế gia đình anh khá ổn định và bền vững. Anh cho biết, có nhiều bê cái, người chăn nuôi sẽ rất có lợi vì mau tăng đàn, giúp tăng sản lượng sữa và tăng thu nhập. Còn nếu hộ nào không có điều kiện nuôi tiếp, giá bán bê cái so bê đực cùng ngày tuổi cũng cao hơn gấp nhiều lần.
Để đảm bảo chất lượng tinh, nguồn tinh đông lạnh sau khi được sản xuất phải được bảo quản trong nitơ lỏng có nhiệt độ -196 °C, dụng cụ để bảo quản cấp phát phải đầy đủ và đạt chuẩn, đồng thời kỹ thuật viên phải có tay nghề cao.
Hiện tại ở Sóc Trăng, HTX nông nghiệp Evergrowth là nơi có đầy đủ điều kiện để cung cấp nguồn tinh phân biệt giới tính cho các xã viên và hộ nuôi bò sữa trong tỉnh.
Do hiệu quả kinh tế của cách làm này quá rõ rệt, giúp người chăn nuôi chủ động trong việc cải tiến lai tạo giống và cho năng suất cao, việc áp dụng cũng đảm bảo tính tiện lợi, nên thời gian tới, Ban quản lý dự án bò sữa tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện để người chăn nuôi nhanh chóng tiếp cận với phương pháp tiến bộ này, thạc sĩ Nguyễn Hữu Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, PGĐ Dự án Bò sữa tỉnh Sóc Trăng cho biết:
“Để hỗ trợ cho hộ nuôi Bò sữa cải tạo chất lượng giống Bò, nâng cao năng suất sữa, tăng tính cạnh tranh cho ngành chăn nuôi Bò sữa của Tỉnh, giúp Bà con tăng thu nhập, đăc biệt là các hộ vùng nông thôn, hộ nghèo, hộ Khmer… thì Tỉnh đã quyết định đầu tư dự án phát triển chăn nuôi Bò sữa giai đoạn 2013 - 2020 với tổng vốn đầu tư trên 200 tỉ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ trên 40 tỉ đồng và dành ra trên 20 tỉ đồng để mua tinh giới tính hỗ trợ hộ chăn nuôi.
Dự kiến tháng 10 năm nay sẽ bắt đầu hỗ trợ gieo tinh giới tính cho đàn Bò sữa của tỉnh. Dự án này toàn bộ tinh, vật tư sẽ được miễn phí 100%, người chăn nuôi chỉ trả công gieo tinh”.
Tuy nhiên bên cạnh thế mạnh, hạn chế của tinh phân biệt giới tính là quá trình sản xuất làm giảm số lượng tương đối tế bào tinh trùng trong một liều thụ tinh nhân tạo. Số lượng tinh trùng sẵn có trong mỗi liều tinh trùng phân biệt giới tính thương phẩm thấp, đạt khoảng 2 - 4 triệu tinh trùng so với trên 10 triệu tinh trùng trong liều tinh thông thường, kết quả làm giảm tỉ lệ thụ thai 15 - 20% so với tinh trùng bình thường. Do đó người chăn nuôi cần chú ý:
- Chỉ phối tinh phân biệt giới tính cho những con bò sữa dễ đậu thai, tốt nhất là phối cho bê cái tơ, do bê tơ có tỉ lệ thụ thai cao hơn so với các bò mẹ đã đẻ lứa đầu và các lứa sau
- Cần phát hiện và theo dõi thời điểm động dục của bò để xác định chính xác thời điểm phối giống
- Sau khi phối giống cần theo dõi sự động dục của bò, nếu trong thời gian 19 – 21 ngày, bò có biểu hiện lên giống hay động dục hoặc trở lại trạng thái bình thường tức là phối giống thành công. Sau hơn 3 tháng đã phối giống, tiến hành khám thai cho bò và đảm bảo các điều kiện chăm sóc trong quá trình bò mang thai, đẻ con.
Có thể bạn quan tâm
Vào thời điểm này, người dân vùng nuôi tôm Bạc Liêu đang cải tạo ao đầm, sẵn sàng cho vụ nuôi mới. Theo đó, công tác quản lý chất lượng giống, thuốc thú y thủy sản được Chi cục Thú y tỉnh chú trọng nhằm không để con giống kém chất lượng và thuốc, hóa chất giả lưu hành trên địa bàn gây rủi ro, thiệt hại cho người nuôi.
Tình hình tiêu thụ tôm trong năm 2013 tương đối thuận lợi, người nuôi có lợi nhuận từ 70 - 200 triệu đồng/ha.
Thời điểm này không phải là mùa ghẹ, nhưng sau mỗi chuyến ra khơi, mỗi ngư dân có thu nhập từ 300.000 đến 400.000 đồng, nhờ giá ghẹ tăng cao và đánh bắt được nhiều.
Tuy vậy, trong cái rét căm của xứ biển, nhiều ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió vẫn tiếp tục vượt những con sóng lớn, hòa mình với những cơn mưa, hứng chịu những cơn gió lạnh thổi thẳng vào người, vững vàng tiến ra khơi xa để câu những mẻ cá lớn, để kết thúc những ngày cuối cùng của mùa câu.
Rà soát và đề xuất điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng phù hợp với từng địa phương và quản lý theo quy hoạch; quản lý chặt chẽ chất lượng các yếu tố đầu vào; xử lý nghiêm các trường hợp sử dựng tôm bố mẹ tự gia hóa cho sản xuất giống