Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Tại Hòa Mỹ Tây (Phú Yên)

Nhận thấy cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Phú Yên triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại 4 hộ với quy mô 0,3ha tại xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa).
Các hộ tham gia mô hình thả nuôi 30.000 con cá, mật độ 10 con/m2, được hỗ trợ 100% cá giống và 30% thức ăn, với tổng kinh phí thực hiện hơn 60 triệu đồng.
Để mô hình được triển khai thuận lợi và đạt hiệu quả cao, các hộ tham gia mô hình phải thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật đề ra, như: thực hiện đúng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, nâng cao giá trị sản xuất…
Ngoài ra, Ban quản trị HTX Hòa Mỹ Tây đứng ra làm đại diện cho nhóm hộ tham gia thực hiện mô hình và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh ký hợp đồng lao động với 1 cán bộ kỹ thuật để theo dõi và hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình.
Trong suốt quá trình nuôi, cá không xảy ra dịch bệnh, tỉ lệ cá sống đạt 77%, cao hơn mục tiêu đề ra 7%. Sau 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 8 đến 9 con/kg, năng suất ước đạt 8,1 tấn/ha, cao hơn mục tiêu đề ra 1,1 tấn/ha.
Giá bán cá thương phẩm ngay tại hộ nuôi 50.000 đồng/kg, còn bán để làm cá giống thì từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Kim Trung tham gia mô hình nuôi cá rô đầu vuông tại xã Hòa Mỹ Tây cho biết: Tôi nuôi 10.000 con cá rô đầu vuông trên diện tích 1.000m2.
Lúc mới tham gia mô hình này, nhiều người cho rằng tôi sẽ không thu được kết quả gì. Tuy nhiên, nhờ được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và huyện tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cá trong suốt thời gian nuôi, kết quả thu lãi gần 20 triệu đồng. Bây giờ tôi rất tự tin khi triển trai mô hình này.
Còn ông Trần Phước Sanh cũng tham gia mô hình này cho hay, mặc dù cá rô đầu vuông thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng việc cải tạo ao nuôi cũng phải hết sức cẩn thận. Ao phải chắc chắn, bờ ao phải thông thoáng, xung quanh ao nên rào lưới hoặc lát bê tông để ngăn không cho cá thoát ra ngoài. “Hình dáng cá rô đầu vuông giống như cá rô đồng nhưng khi cá có kích cỡ lớn, đầu cá có hình hơi vuông, thân dài có hai chấm đen ở gần đuôi và mang cá.
Cá có đặc tính sinh học tương tự như cá rô đồng, nguồn thức ăn của cá khá đa dạng và phong phú, cá có thể ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, thức ăn tươi sống như cá tạp, tôm tép, ốc và các loại phế phẩm nông nghiệp như bột bắp, bột cám”, ông Sanh chia sẻ.
Ông Trần Văn Thái, Phó chủ nhiệm HTX Hòa Mỹ Tây nhận xét: Cá rô đầu vuông thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương, sinh trưởng nhanh, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, sẽ là điều kiện quan trọng để nhân rộng mô hình này, góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Nguyễn Khắc Tân, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, tổng chi phí triển khai mô hình này gần 60 triệu đồng, khi thu hoạch, cá bán được 120 triệu đồng. Đây là đối tượng nuôi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của nông dân địa phương. Việc tiêu thụ cá trên thị trường cũng khá thuận lợi nên hiện có nhiều nông dân muốn tham gia.
Có thể bạn quan tâm

Đây là địa phương có truyền thống sản xuất rau, củ, quả quanh năm với diện tích và quy mô lớn. Với kinh nghiệm trồng rau hàng hóa, nông dân Hoằng Hợp đã đạt hệ số quay vòng đất bình quân 3,5 lứa/năm, nhiều gia đình đã gieo trồng tới 4 đến 6 lứa rau/năm. Theo tính toán, một năm, mỗi ha đất vùng chuyên canh rau cho tổng thu nhập bình quân từ 150 đến 160 triệu đồng.

Dự án có quy mô 450 m3 bể nuôi với 2.000 con giống, thả làm 2 đợt. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng (gồm mua con giống, thức ăn, thiết bị máy móc, hỗ trợ công nghệ). Dự kiến sau thời gian 1 đến 2 năm nuôi sẽ bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt từ 1,5 đến 2 kg/con.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung ngành điện tử - tin học thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thay vì trước đây chỉ có 5 ngành là dệt may; da giày; sản xuất lắp ráp ôtô; cơ khí chế tạo; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Ngày 21/11, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cho biết, việc xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đài Loan, Trung Quốc vẫn không bị ảnh hưởng nhiều sau tin đồn thất thiệt chè Việt Nam nhiễm dioxin.

Ngoài ra, ông Tuyến còn nuôi thêm cá thát lát cườm, cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp. Hiện, cá thát lát cườm thương phẩm giá từ 59.000 - 62.000 đ/kg, cá sặc rằn loại 6 con/kg giá 65.000 đ/kg, mỗi đợt thu hoạch ông bán ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm.