Hiệu Quả Cao Từ Các Mô Hình Thâm Canh Lúa Cải Tiến
Vụ Hè Thu năm nay, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh lúa cải tiến tại các địa phương trong tỉnh, kết quả rất khả quan.
Thông qua Dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi, giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng trong sản xuất lúa gạo bền vững” do Tổ chức SNV hỗ trợ, trong vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh đã thực hiện 7 mô hình thâm canh lúa cải tiến với tổng diện tích 507 ha tại các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, có 3.072 hộ nông dân tham gia.
Việc xây dựng các mô hình này nhằm giúp nông dân được “mắt thấy, tai nghe” về các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong thâm canh lúa.
Qua đó, giúp bà con từng bước thoát khỏi tập quán canh tác truyền thống lâu nay như gieo sạ mật độ dày, thường xuyên giữ nước trong ruộng lúa, đốt rơm rạ sau thu hoạch, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách…
Vừa qua, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh lúa tại xã Phước Sơn (Tuy Phước). Với diện tích 75 ha được gieo sạ bằng giống lúa thuần VTNA2, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Qua thực tế cho thấy, trong điều kiện bị thiếu nước tưới nhưng năng suất lúa đạt đến 80 tạ/ha; khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít đổ ngã; thích ứng trên nhiều chân đất; chất lượng gạo thơm, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Hồ Thiện, Phó Chủ nhiệm HTXNN 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết: Nhờ áp dụng đúng quy trình thâm canh sản xuất lúa nên trong vụ Hè Thu, xã viên HTX đã giảm được lượng giống thông qua công cụ sạ hàng; giảm phân bón (chủ yếu là phân đạm) nhờ cách bón đúng liều lượng, đúng thời điểm.
Ngoài ra, khi gieo sạ với mật độ thưa và bón phân cân đối, cây lúa ít bị sâu bệnh gây hại, nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, quy trình thâm canh lúa cải tiến đã tiết kiệm nguồn nước tưới đáng kể nhờ phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ. Mô hình sản xuất tại địa phương cho năng suất đạt gần 80 tạ/ha, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận mang lại hơn 43 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng gần 18 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi nhờ đơn vị cung ứng giống lúa bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn lúa thường từ 25-35% nên nông dân có lãi khá.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Năng suất lúa tại 7 mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp thâm canh cải tiến trong vụ Hè Thu đều đạt từ 75 - 80 tạ/ha. So sánh giữa sản xuất bằng phương pháp canh tác lúa cải tiến với mô hình đối chứng thì phương pháp mới đã giảm đáng kể các chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động.
Trung bình lượng giống giảm từ 50-60%, phân đạm giảm từ 18-20%, tiết kiệm 30% nước tưới... Từ kết quả khả quan của các mô hình, trong các vụ sản xuất tiếp theo, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hướng dẫn bà con nông dân nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 15-8-2013, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 27 qui định về cơ chế, chính sách hỗ trợ cây giống, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, với Phương pháp xác định mức độ thiệt hại như sau:
Mô hình nuôi cá trê vàng lai phát triển gần 2 năm ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã giúp không ít hộ dân thoát nghèo và làm giàu. Mô hình này hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân trong huyện. Toàn xã Tân Phú có 6 hộ nuôi với diện tích gần 10.000m2, tập trung nhiều ở ấp Tân Thuận B và ấp Tân Thuận.
Theo Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC), hơn 20 thẩm định viên đã được đào tạo để đánh giá trại nuôi theo tiêu chuẩn ASC dành cho cá tra trong đợt Đào tạo Thẩm định viên Cá tra lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam
Trong mấy năm gần đây, nhất là 6 tháng đầu năm nay ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá đầu vào liên tục tăng còn đầu ra thì bấp bênh, giá giảm...
Đến thời điểm này, nông dân trong huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã thu hoạch được gần 12.500ha lúa Thu đông, năng suất trung bình đạt 4,5 tấn/ha.