Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Bước Đầu Từ Nuôi Hươu Sao Lấy Nhung

Hiệu Quả Bước Đầu Từ Nuôi Hươu Sao Lấy Nhung
Ngày đăng: 11/04/2014

Nhung của hươu sao được coi là dược liệu quý và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt được tâm lý đó, gia đình ông Vũ Trí Long, xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư nuôi loại động vật này.

Trước đây, gia đình ông đã từng nuôi khoảng 20 con bò lai Sind, nhưng trong quá trình nuôi, đàn bò hay bị mắc bệnh, cộng với giá cả bấp bênh nên thua lỗ. Năm 2011, qua tìm hiểu thông tin loài hươu sao từ người em ở Bắc Ninh, ông đã mạnh dạn vay tiền của anh em, bà con hàng xóm, đầu tư 60 triệu đồng vào Thanh Hóa mua 2 con hươu sao cái và 1 con hươu sao đực về nuôi.

Ở Đồng Hỷ, vào thời điểm năm 2011, hươu sao là vật nuôi còn khá mới mẻ, chưa có gia đình nào chăn nuôi. Trước khi quyết định nuôi hươu sao, ông đã tham gia học một lớp sơ cấp thú y, đồng thời tìm hiểu về đất đai và nguồn thức ăn ở quê mình thấy thích hợp để nuôi hươu sao.

Ông đến Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... thăm quan mô hình chăn nuôi hươu thành công để đúc rút kinh nghiệm nuôi hươu cho mình. Sau 3 tháng chăn nuôi, lần cắt nhung đầu tiên ông thu về hơn 10 triệu đồng, 2 tháng tiếp theo, thu thêm 4 triệu đồng. Từ đó, ông càng có thêm động lực để tiếp tục phát triển đàn hươu của gia đình.

Hươu sao là loài nhút nhát, khi con người đến gần rất dễ hoảng loạn, chạy nhảy dẫn đến trượt ngã, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của hươu. Do đó, ông đã dùng lưới sắt B40 làm hàng rào bao quanh khu đồi rộng 1.000m2, tạo thành khu vực nuôi thả tự nhiên.

Bên cạnh chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho hươu luôn được ông tính toán khoa học. Ông Long chia sẻ: “Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thuật nuôi hươu, tôi áp dụng cho hươu ăn 6-7 kg thức ăn xanh/ngày. Tôi thường cho hươu ăn các loại lá như lá sung, ngái, xoan, mít. Thời kỳ thúc lấy nhung cho ăn thêm bắp ngô, chuối, cà rốt, gạo nếp...

Ngoài ra, tôi còn trồng thêm cỏ voi để chủ động thức ăn cho hươu trong những ngày mưa gió”. Ngoài kiến thức đã có, ông Long còn tích cực học hỏi qua người quen, tự tích lũy kinh nghiệm chăm sóc phòng bệnh qua sách, báo nên đàn hươu của gia đình luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Hiện nay, đàn hươu đã phát triển lên 5 con, trong đó có 3 con hươu đực đang cho khai thác nhung.

Nhung hươu được xem là một trong những bài thuốc quý, với nhiều công dụng như dưỡng cốt, an thai... Một lạng nhung hươu có giá bán dao động từ 1,8- 2 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, một con hươu có thể cho 2 lần cắt nhung, với trọng lượng hơn 1 kg/năm.

Năm nay, gia đình ông dự tính thu lãi khoảng 40 triệu đồng từ nhung hươu. Hầu hết, khách hàng trong tỉnh đều đến gia đình ông đặt hàng trước, có thời điểm nhung hươu không đủ bán. Xét về hiệu quả kinh tế, ông Long cho rằng: Đến thời đểm này, tôi nhận thấy hướng đi mới từ việc nuôi hươu sao của gia đình mình là hoàn toàn đúng đắn, vì các sản phẩm từ hươu đang được bán với giá cao, thị trường luôn khan hiếm. Trong đó, tuổi thọ của hươu sao khoảng 30 năm và sinh lợi khoảng 20-25 năm.

Nguồn vốn đầu tư ban đầu nuôi hươu có thể lớn hơn các loại vật nuôi khác, nhưng về lâu dài mang lại lợi nhuận cao hơn và nguồn thu nhập ổn định, thị trường giá cả ít biến động. Nghề nuôi hươu cũng phù hợp với những gia đình có ít nhân lực bởi nuôi hươu không tốn nhiều công lao động, nguồn thức ăn dễ kiếm.

Tuy nhiên, để nuôi hươu sao đạt hiệu quả kinh tế cao, cần phải vệ sinh khu vực chăn nuôi thường xuyên, phun thuốc tiêu độc, khử trùng theo định kỳ và giữ chuồng trại luôn thoáng mát, hợp vệ sinh. Trong thời gian tới, ông Long dự định sẽ mua thêm 3 con hươu sao đực để lấy nhung và mở rộng khu nuôi hươu khoảng 5.000m2.

Với mô hình kinh tế mới và hiệu quả này, năm 2013, ông Long vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Phạm Gia Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cho rằng: Hiện nay, nuôi hươu sao là một trong những hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.

Để nhân rộng mô hình này, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tăng cường tuyên truyền, giới thiệu mô hình hiệu quả này để bà con học tập.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Gà Thả Vườn Mô Hình Nuôi Gà Thả Vườn

Năm 2004 anh Nguyễn Văn Nhân ở ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam đã tiếp nhận chương trình nuôi gà an toàn sinh học đưa vào nuôi thí nghiệm. Bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng anh Nhân luôn tin chắc rằng ở những lần nuôi tiếp theo anh sẽ có nhiều thuận lợi hơn, qua nhiều năm phát triển mô hình nuôi gà thả vườn gia đình anh đã khá hẳn lên.

24/12/2011
Thông Tin Thêm Bài Viết Thông Tin Thêm Bài Viết "Quy Trình Sinh Sản Nhân Tạo Tôm Rằn"

Quy trình sinh sản nhân tạo tôm Rằn đã được công bố trên các tạp chí thủy sản: số 11 năm 2004; Số tháng 2 năm 2005. TS.Tôn Thất Chất - Trường Đại Học Nông Lâm - Đại Học Huế là chủ nhiệm đề tài sinh sản nhân tạo tôm Rằn cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2004 - 2006

27/06/2011
Nuôi Cá Bống Bớp (Cá Thòi Lòi) Kết Hợp Với Rong Biển Nuôi Cá Bống Bớp (Cá Thòi Lòi) Kết Hợp Với Rong Biển

Do hiệu quả vượt trội, mô hình chống rét này hiện đã được nhân rộng tại các vùng nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và trên cả tỉnh Nam Định. Ghi nhận của các chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản, mô hình này có thể áp dụng với nhiều loài cá nuôi đặc sản nước mặn, lợ khác có khả năng chịu rét kém như vược, song, giò.

29/06/2011
Mở Rộng Diện Tích Trồng Cacao Xen Trong Vườn Dừa Mở Rộng Diện Tích Trồng Cacao Xen Trong Vườn Dừa

Phong trào trồng cacao xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái khác đang phát triển mạnh ở hầu hết đất vườn Bến Tre. Cùng với 52.000 ha diện tích dừa, 43.000 ha diện tích cây ăn trái, khoảng 9.500 ha cacao đang phát triển khá tốt và có chiều hướng gia tăng.

28/12/2011
Áp Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Nuôi Trồng Thuỷ Sản Áp Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Trong những năm qua, khai thác lợi thế, nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh. Phong trào nuôi ngọt phát triển khắp nơi, từ vùng rừng núi xa xôi đến đồng bằng rộng lớn, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, nơi giao thông còn gặp nhiều khó khăn

29/12/2011