Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trại Bò Giống Lai Chất Lượng Cao
Qua 3 năm khởi nghiệp, nhờ cần cù, chịu khó, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, đến nay, anh Vương Minh Quốc (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã gầy dựng được đàn bò giống lai chất lượng cao với tổng số 17 con, bao gồm: Bò Cọp (Mỹ), Siêu Xám (Pháp) và Limosine (Anh); trong đó bò cái giống (đã gác nọc) có giá trên 55 triệu đồng/con, bò đực nuôi trong 8 tháng có thể đạt trọng lượng trên 200 kg, giá bán khoảng 25 triệu đồng/con...
Nhận thấy địa bàn xã Bình Tân đất rộng, nhà thưa, ruộng lúa mênh mông… rất thuận lợi để phát triển đàn bò, năm 2012, anh quyết định đầu tư chuồng trại, mua 5 con bò giống (bò ta) về nuôi. Qua thời gian nuôi, nhận thấy hiệu quả mang lại từ giống bò này không cao do chúng vừa nhỏ con, chậm lớn, thời gian phối giống lại kéo dài (17 - 18 tháng tuổi)… anh đành chấp nhận bán chịu lỗ.
Sau đó, qua sự giới thiệu của người quen, anh tìm đến huyện Chợ Gạo mua 2 con bò cái giống lai Siêu Xám với giá 15 triệu đồng/con và sang Bến Tre mua 2 con bò cái lai Limosine với giá 20 triệu đồng/con về nuôi thử…
Qua gần 3 năm gầy dựng, đến nay anh đã mở rộng chuồng trại, phát triển đàn bò giống lai lên tổng số 17 con (trị giá trên 700 triệu đồng), bao gồm: 11 con nái giống (trong đó có 5 con đang mang thai, gồm bò Cọp: lông màu đỏ sậm có sọc đen; bò Siêu Xám: màu xám trắng và bò Limosine: màu đỏ sậm) và 6 con bê con, con nào cũng to tròn, bắp thịt cuồn cuộn.
Theo anh Quốc, so với bò ta, giống bò lai này có nhiều điểm nổi trội hơn như: tạp ăn, uống nước nhiều, mau lớn, thời gian phối giống ngắn hơn bò ta (bò cái nuôi đến 12 tháng tuổi là có thể phối giống), sinh sản rất đúng ngày…
Bò đực nuôi đến 24 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng trên 1 tấn/con; lượng thịt nạc nhiều hơn khoảng 20% so với giống bò ta có cùng trọng lượng. Về giá, bò cái giống 6 tháng tuổi giá bán 20 - 30 triệu đồng/con, trong khi giống bò ta giá bán chỉ khoảng 15 triệu đồng/con.
Trong quá trình nuôi, được tham dự các lớp tập huấn do ngành khuyến nông tổ chức cũng như qua học hỏi những người đi trước, anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng giống bò này như sau:
Về thức ăn, buổi sáng anh cho bò ăn cỏ tươi (cỏ voi, cỏ sả và cỏ tây lông) sau đó cho tắm nắng khoảng 3 giờ. Buổi trưa cho bò uống nước cám pha muối (mỗi con cần 5 gram muối mỗi ngày), buổi chiều cho ăn rơm khô (đối với bò mẹ đang cho con bú, cho ăn thêm cỏ và thức ăn vào buổi tối); mỗi ngăn chuồng có treo đá cho bò liếm để bổ sung chất khoáng.
Giống bò này đòi hỏi chuồng trại phải luôn sạch sẽ, thoáng mát nên mỗi ngày anh vệ sinh chuồng, tắm bò 2 lần (khi trời mát hoặc có mưa, mỗi ngày tắm một lần). Cỏ cho bò ăn phải đảm bảo khô ráo (nên cắt vào 8 giờ sáng trở đi hoặc từ buổi chiều hôm trước) giúp dễ tiêu hóa, tránh cho bò bị sình hơi hoặc lỡ mồm do sương muối hay côn trùng còn lẫn trong cỏ...
Theo anh Quốc, giống bò này rất khỏe, ít bệnh; khi chọn giống nhất là con cái giống, chú ý chọn những con có móng ngắn, thẳng, chân sau thẳng đứng để đảm bảo đủ sức nâng đỡ cơ thể khi mang thai. Về chuồng trại, nên xây tường bao quanh cao khoảng 1 mét kết hợp giăng mùng để vừa đuổi muỗi, vừa giúp giữ ấm cho bò vào ban đêm hay mùa lạnh; thường xuyên sát trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh…
Khác với giống bò lai Sind (Ấn Độ) trước đây đòi hỏi bộ móng, mỏ, dậu, lưỡi đều phải có màu đen, giống bò này yêu cầu móng, mỏ, dậu có màu đỏ hoặc trắng hồng đến trắng là tốt. Việc phối giống được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo nhằm hạn chế sự lây lan mầm bệnh từ những con đực giống.
Qua nhẫm tính, anh Quốc cho biết, với quy mô chăn nuôi đàn bò hiện có, sau khi trừ các khoản chi phí như: thức ăn, điện, nước, chi phí nhân công… mỗi năm anh thu lãi 150 triệu đồng (chưa kể nguồn thu từ tiền bán phân bò từ 7 - 8 triệu đồng/năm).
“Hiện nhiều thương lái và hộ chăn nuôi trong, ngoài tỉnh như: Bến Tre, Vĩnh Long… đến hỏi mua giống bò này về nuôi, trong đó có 2 nái giống Siêu Xám và Limosine đang mang thai 8 tháng được thương lái ngã giá 60 triệu đồng/con nhưng tôi chưa bán vì đang có ý định mở rộng diện tích chuồng trại để gia tăng số lượng đàn bò trong thời gian tới” - anh Quốc phấn khởi cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Tôm hùm bông (Panulirus ornatus) là 1 trong 7 loài tôm hùm phân bố ở vùng biển Việt Nam. Với những ưu điểm nổi trội như tăng trưởng nhanh, kích thước lớn, chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao so với các loài khác, tôm hùm bông là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả cao cho nhiều người dân khu vực ven biển miền trung. Cho đến nay, công nghệ nuôi tôm hùm lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao chỉ có ở Việt Nam, mà ở đó con giống được khai thác từ tự nhiên.
Do nghề nuôi cá tra xuất khẩu gặp khó khăn, được sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của chính quyền, ngành chuyên môn, nhiều hộ ở Vĩnh Long đã chuyển đổi đối tượng và mô hình nuôi, quay sang nuôi thủy đặc sản và nuôi thủy sản nội địa.
Tại hội thảo “Phát triển tôm hùm bền vững khu vực miền Trung” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Nha Trang mới đây, nhiều đại biểu cho rằng nếu không giải quyết được những tồn tại hiện nay để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị và thương hiệu tôm hùm nước ta sẽ bị thu hẹp dần.
Trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Châu phi đã đạt 525.896 tấn gạo, chiếm 15,93% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt nam ra Thế giới, tăng 52,03% so với năm 2014.
Anh Sa Lê (người dân tộc Chăm ở xóm Chăm Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) là người đầu tiên ở An Giang thành công với mô hình nuôi le le.