Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Ở Phú Thọ
Nằm trong dự án phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay, xã Hùng Lô được UBND thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đầu tư dự án nuôi thí điểm gà ri lai thả đồi, vườn. 35 hộ trải đều ở 10 khu dân cư trong xã được lựa chọn mô hình nuôi gà thí điểm, đó là những hộ có diện tích đồi, vườn phù hợp, có nhân công lao động, nhiệt huyết chăn nuôi, kinh tế ổn định. Với tổng đàn 7000 con gà 1 ngày tuổi, bình quân 200 con/hộ, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trong thời gian 4 tháng khi gà đảm bảo thời gian xuất bán.
Tới khu dân cư số 1 để tìm hiểu về mô hình này, tôi được ông Nguyễn Văn Mão, Trưởng ban khuyến nông xã cho biết: Đây là mô hình chia nhỏ lẻ cho nhiều hộ để bước đầu nuôi thí điểm gà ri lai thương phẩm, nếu mô hình có hiệu quả và được thành phố đầu tư chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng. Không chỉ nuôi gà, chúng tôi có thể thực hiện những mô hình chăn nuôi khác nằm trong dự án.
Trước khi giao gà về các hộ chăn nuôi, các chủ hộ đã được tập huấn kỹ thuật chăm sóc gà Ri lai để đảm bảo chăn nuôi hiệu quả. Ông Mão khẳng định: Mô hình nuôi gà ri lai ở Hùng Lô là mô hình chăn nuôi hiệu quả, gà con giao cho các hộ vào cuối tháng 11 – 2012 đến cuối tháng 3 – 2013 gà mái đạt trọng lượng 1,5 kg; gà trống đạt từ 1,8 – 2 kg/con. Tại thời điểm này các hộ đều bán được trên 50% số gà được cấp và đã thu được gần hết số tiền phải chi phí. Gà ri lai thả đồi, vườn là giống gà dễ nuôi, nhanh được thu hoạch, cho chất lượng thịt thơm ngon phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở các vùng nông thôn.
Ở các khu dân cư khác, các hộ nuôi thả gà của dự án cũng đều cho kết quả tốt. Đàn gà nhà ông Nguyễn Tiến Thuật ở khu 7, ông Nguyễn Văn Dậu ở khu 4 con nào con nấy đều nhau chằn chặn, trọng lượng đạt từ 1,8 – 2kg/con. Do áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn nên đàn gà sinh trưởng và phát triển nhanh, tỷ lệ con sống đạt trên 80%. Chủ các hộ chăn nuôi cho biết: C
ái khó khăn nhất của mô hình là khi cung ứng gà con vào lúc thời tiết giá lạnh, các hộ chăn nuôi phải dùng điện giữ ấm, dùng cót, bao tải để quây kín gió, dùng trấu khô, sạch trải đều trong quây, tuân thủ theo đúng kỹ thuật úm gà. Tính bình quân chung số gà trong mô hình bị chết là trên 20%, chủ yếu là chết ở tuần đầu tiên do thời tiết khắc nghiệt, giá rét. Toàn xã có 1 hộ ở khu 2 do chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi dẫn đến số gà con bị chết tới 80%. Nếu dự tính cung ứng gà con vào lúc thời tiết ấm áp và lúc gà xuất bán trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hoặc vào dịp tết nguyên đán thì mô hình nuôi gà ri lai sẽ có hiệu quả cao.
Gia đình ông Bền ở khu 9 do có diện tích rộng, nhà ở trên 1 khu đồi thấp nên đàn gà nhà ông vừa đảm bảo về trọng lượng lại có hình dáng rắn chắc như gà rừng. Gia đình ông đã triệt để tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà ri lai, từ cách úm gà đến giai đoạn thả gà ra đồi, cách sử dụng thức ăn, nước uống, thuốc bổ, cách tiêm phòng và định kì phun thuốc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi.
Qua việc tham quan các gia đình thực hiện mô hình cho thấy, tuy chỉ là bước đầu song gia đình nào cũng phấn khởi vì mô hình chăn nuôi có lãi. Hiện tại Ban khuyến nông của xã chưa tổng kết, rút kinh nghiệm về mô hình nuôi gà ri lai, các gia đình cũng chưa xuất bán hết số gà còn lại nhưng đầu ra cho đàn gà được ổn định bởi chất lượng của giống gà này. Hơn nữa, tính bình quân mỗi gia đình đã bán được trên 50% số gà trong tổng đàn, nhưng số tiền phải chi phí cho thức ăn, chăn nuôi, thuốc thú y, tiền điện đã được người dân thu gần tương ứng với số gà đã bán.
Như vậy số gà hiện còn lại trong mỗi hộ gia đình sẽ là số lãi mà họ được hưởng. Chủ các hộ chăn nuôi còn cho biết: Nếu được thực hiện lại mô hình họ sẽ tiếp tục xin đăng ký thực hiện. Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà ri lai thả đồi, vườn ở Hùng Lô tuy không phải là mô hình lớn nhưng dự án đã giúp cho nhiều hộ nông dân được cải thiện cuộc sống, cần nhân mô hình ra diện rộng để nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho người nông dân, nhất là ở các huyện miền núi.
Có thể bạn quan tâm
Hơn các cây trồng khác, cây quế là cây trồng khi đến tuổi khai thác có thể tận thu cả vỏ, thân, lá, cành và có giá trị kinh tế cao. Từ những năm 2000, cây quế đã giúp nhiều hộ dân của xã Đại Sảo (Chợ Đồn - Bắc Kạn) có cuộc sống ấm no, sung túc hơn và đã thật sự là cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương này.
Một số hộ tuy đã từng bước chuyển đổi sang hình thức nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp nhưng diện tích còn khiêm tốn (khoảng 20 ha) và chỉ quan tâm đến qui trình nuôi tôm bằng sử dụng hoá chất, kháng sinh.
Để tổ chức tốt và phát triển thương hiệu quýt hồng ngày một bền vững, tại UBND xã Long Hậu, UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) vừa tổ chức Hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) Quýt hồng Lai Vung.
Hiện Bộ NNPTNT đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi các quy định tiêu chuẩn VietGAP theo hướng đơn giản các thủ tục để nông dân dễ tham gia hơn.
Từ hai bàn tay trắng, với quyết tâm và bản lĩnh, anh Thái Bá Khang ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã thành công với mô hình nuôi ngao Bến Tre trên bãi biển quê nhà, thu nhập mỗi năm hơn chục tỷ đồng.