Hiệu quả bước đầu từ mô hình hợp tác nuôi thỏ
Tổ được thành lập vào tháng 4/2015 với 4 thành viên tham gia. Tổ trưởng là anh Trương Thành Đông - Bí thư Chi đoàn ấp An Thái. Ban đầu, với suy nghĩ tìm giống nuôi phù hợp với địa phương và kinh tế gia đình, anh Đông nuôi thử 10 con thỏ nái. Sau 2 tháng nuôi, đàn thỏ sinh sản được 70 con thỏ con. Năm 2014, anh nghiên cứu pha trộn thành công các nguyên liệu như: men, trấu và mạc cưa để làm đệm lót sinh học, sử dụng chăn nuôi thỏ khá hiệu quả, nhờ tác dụng sát khuẩn, xử lý mùi hôi, giảm mầm bệnh. Sau 2 năm, đàn thỏ nhà anh đã tăng lên hơn 100 con, trong đó 50 con thỏ nái, mỗi tháng anh cung cấp cho thương lái từ 50 - 60 con thỏ thịt, với mức giá ổn định 55.000 - 60.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 40.000 đồng/kg.
Từ thực tiễn, anh Đông đúc kết đây là mô hình có nhiều ưu điểm do tận dụng được tối đa nguồn thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại tại địa phương, thỏ là vật nuôi ít bị dịch bệnh, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho chăn nuôi thỏ không quá tốn kém, chỉ khoảng 500.000 đồng. Chuồng trại chăn nuôi thỏ khá đơn giản, có thể tận dụng tre, gỗ... để làm. Thị trường thỏ giống, thỏ thương phẩm hiện nay khá lớn, “cung không đủ cầu” là một trong những ưu thế lớn của nghề nuôi thỏ.
Theo kinh nghiệm của anh Đông, sau thời gian thử chăn nuôi, anh chọn giống thỏ newzealand để nhân rộng vì giống thỏ này có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, dễ bán. Thông thường thỏ hay bị bệnh ghẻ và tiêu chảy, nên sau khi thỏ sinh sản được 1 tháng, bắt đầu tách bầy là anh thực hiện tiêm phòng bệnh. Đối với thỏ mẹ, sau khi sinh sản khoảng 2,5 tháng thì tiêm kháng sinh. Sau khi sinh, nuôi khoảng 3,5 tháng là thỏ bắt đầu phối giống.
Ngoài hộ anh Đông, 3 thành viên còn lại của Tổ hợp tác nuôi thỏ ấp An Thái là Nguyễn Văn Tâm, Huỳnh Hữu Văn và Dương Quốc Khánh ở ấp An Thái đều có thu nhập khá từ việc nuôi thỏ. Theo kinh nghiệm của những hộ chăn nuôi này, đối với giống thỏ cỏ, nếu cho ăn thức ăn công nghiệp, thông thường nuôi từ 3 - 3,5 tháng xuất chuồng, trọng lượng thỏ đạt từ 2,2 - 2,3kg/con, nhưng nếu tăng cường rau, cỏ xanh sẽ giảm bớt chi phí thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi, trọng lượng vẫn đảm bảo.
Đánh giá về hiệu quả mô hình hợp tác nuôi thỏ ở ấp An Thái, đồng chí Dương Thị Ngọc Thắm - Bí thư Xã đoàn Mỹ An Hưng A nhấn mạnh: “Đây không chỉ là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho thanh niên mà còn là sợi dây gắn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức, sinh hoạt Đoàn ở tuyến cơ sở, nên Xã đoàn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi tập huấn chăn nuôi, cách phòng trị bệnh trên thỏ. Song song đó tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn để mở rộng chăn nuôi. Thời gian tới, Xã đoàn sẽ tiếp tục tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm; tăng cường mở rộng thị trường để giúp các thành viên trong tổ tăng đàn và tiếp tục nhân rộng mô hình”.
“Tổ sẽ định hướng cho các thành viên tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào chăn nuôi, nhân rộng mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, đồng thời kết hợp nuôi gà và nuôi trăn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng lợi nhuận”. Anh Trương Thành Đông chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên, kỹ thuật nuôi gà trên nền đệm lót sinh học (ĐLSH) đã được ứng dụng tại huyện Vĩnh Thạnh, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đầu tư. Ông Nguyễn Kim Anh, ở thôn Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thịnh, là một trong 2 hộ được chọn tham gia mô hình. Khu chuồng trại có quy mô 50 m2 ĐLSH với 400 con gà thuộc giống gà ta. Kết quả, sau thời gian 85 ngày nuôi, gà sống đạt tỉ lệ 93,6%, trọng lượng bình quân 1,8 kg/con. Với giá bán 77.000 đồng/kg hơi, mô hình cho lãi ròng hơn 14 triệu đồng.
Từ chăn nuôi theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, hiện nay, nhiều trang trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trong chăn nuôi trên địa bàn huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã hình thành, cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Ngày 15-7, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh Bình Phước cho biết đơn vị này phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, Công an huyện Hớn Quản và các cơ quan chức năng liên quan điều tra, xử lý vụ việc một công ty vứt hàng trăm xác heo chết ra môi trường.