Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hết Dịch Trên Cạn, Lại Bùng Dịch Dưới Nước

Hết Dịch Trên Cạn, Lại Bùng Dịch Dưới Nước
Ngày đăng: 09/05/2014

Trong khi dịch bệnh gia súc, gia cầm vừa mới cơ bản được khống chế, thì nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản lại đang bùng lên hết sức phức tạp.

“Dịch trên cạn” cơ bản kiểm soát

Ngày 6/5, Cục Thú y đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản 4 tháng đầu năm 2014. Theo đó đến thời điểm này, hầu hết các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được kiểm soát.

Về dịch cúm gia cầm (CGC), Cục Thú y cho biết tính từ đầu năm 2014 đến nay, dịch đã xảy ra ở 155 xã, phường của 90 huyện, thị thuộc 33 tỉnh, thành trên cả nước với số gia cầm mắc bệnh hơn 200 nghìn con, trong đó hơn 100 nghìn con bị chết. So với 6 tháng đầu năm 2013, diện và mức độ dịch của 4 tháng đầu năm 2014 có dấu hiệu tăng mạnh (số xã có dịch tăng 4,6 lần, số gia cầm tiêu hủy tăng 3,4 lần).

Dịch rải rác từ Tết Nguyên đán và bùng phát mạnh từ giữa đến cuối tháng 2/2014, tuy nhiên đến cuối tháng 3/2014 đã được hoàn toàn khống chế. Như vậy, mặc dù các tháng đầu năm 2014, diễn biến dịch CGC có dấu hiệu phức tạp, tuy nhiên đến thời điểm này, đáng mừng là cả nước đã kiểm soát được tình hình.

Đối với vacxin phòng bệnh, điểm thuận lợi là ngoài vacxin H5N1 Re-6 của Trung Quốc, “vacxin nội” Vifluvac do Cty Navetco SX vẫn đang là hai loại vacxin có hiệu quả phòng bệnh rất tốt đối với các chủng virus CGC đang lưu hành tại Việt Nam.

Nhận định về tình hình dịch CGC, Cục Thú y cho biết với đặc điểm các ổ dịch CGC xuất hiện rải rác khắp các tỉnh trên cả nước, đặc biệt có xu hướng mạnh hơn tại các tỉnh phía Nam, từ nay đến cuối năm nguy cơ bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra nếu các địa phương lơ là trong công tác phòng chống.

Cùng với nỗ lực khống chế dịch CGC, dịch LMLM mặc dù hiện tại vẫn còn 3 tỉnh (gồm Hà Tĩnh, Yên Bái và Kon Tum) chưa qua 21 ngày, tuy nhiên Cục Thú y đánh giá về cơ bản đã và đang được kiểm soát.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, dịch LMLM đã xảy ra tại 10 tỉnh, thành trên cả nước khiến gần 2.400 con gia súc mắc bệnh. Việc vận chuyển trâu bò không rõ nguồn gốc qua biên giới vẫn đang là nguy cơ khiến việc kiểm soát dịch LMLM rất khó khăn, đặc biệt khi virus gây bệnh LMLM thời gian qua đang lưu hành cả hai typ A và typ O.

Đối với dịch tai xanh ở lợn, tính từ ngày 6/8/2013 đến nay (qua 9 tháng), toàn quốc chưa phát sinh ổ dịch nào. Đây được xem là giai đoạn hiếm hoi trong những năm gần đây, dịch tai xanh được khống chế liên tục trong thời gian rất dài.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá cao nỗ lực của ngành thú y và các địa phương trong thời gian qua khi đã cơ bản chuyển được từ việc đối phó với dịch bệnh theo tình huống sang thế chủ động kiểm soát. Ông Tám đề nghị Cục Thú y chủ trì xây dựng kế hoạch tăng cường tháng tiêu độc khử trùng trên cả nước mỗi năm lên 3 lần nhằm kiểm soát chủ động với dịch.

Bùng phát dịch bệnh trên tôm

Trong lúc dịch bệnh gia súc, gia cầm tạm thời yên ắng thì dịch bệnh thủy sản lại đang có dấu hiệu đáng lo.

Theo Cục Thú y, 4 tháng đầu năm 2014, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm đã nổ ra tại 83 xã của 18 huyện thuộc 8 tỉnh, thành (tập trung nhiều nhất tại ĐBSCL) với tổng diện tích nuôi tôm có bệnh lên tới gần 1.700 ha, trong đó hầu hết là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và cả tôm sú. So với 4 tháng cùng kỳ năm 2013, mặc dù số địa phương có dịch không tăng nhiều, tuy nhiên đáng lo ngại là diện tích tôm bị bệnh hoại tử gan tụy đã tăng gần gấp đôi.

Ngoài bệnh hoại tử gan tụy, dịch bệnh đốm trắng trên tôm cũng đang có diễn biến nghiêm trọng khi 4 tháng đầu năm, dịch đã xảy ra tại 129 xã của 40 huyện thuộc 16 tỉnh, thành phố trên cả nước khiến gần 5.500 ha tôm bị bệnh, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm hơn 3.600 ha và tôm sú hơn 1.600 ha. So với 4 tháng đầu năm 2013, diện tích tôm bị bệnh đốm trắng cao gấp 2,5 lần, còn so với năm 2012 cao gấp gần 6 lần.

Không chỉ xảy ra tại các vùng nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL, bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng cũng đang bắt đầu lan dần ra các tỉnh phía Bắc. Tại cuộc họp hôm qua, Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết ngày 27/4 vừa qua, bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại các đầm tôm thuộc vùng nuôi tôm tập trung xã Thạch Bàn (huyện Thạch Hà).

Trước đó, ngày 15/4, tỉnh này cũng đã phát hiện bệnh hoại tử gan tụy tại vùng nuôi tôm xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân) khiến hàng chục vạn con tôm nhiễm bệnh nặng. Tại Hải Phòng, trong 4 tháng đầu năm 2014, qua giám sát lấy mẫu phân tích, đã phát hiện rất nhiều mẫu tôm mắc các bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và tế bào biểu mô, bệnh đầu vàng và nhiều bệnh vi khuẩn khác...

Theo phân tích diễn biến của Cục Thú y, bệnh hoại tử gan tụy xảy ra ở hầu hết các tháng từ đầu năm 2014, tuy nhiên dịch có dấu hiệu bùng phát mạnh từ giữa tháng 3/2014, đầu tháng 4/2014 đến nay với độ tuổi tôm mắc bệnh trung bình sau khi thả khoảng 35 ngày.

Còn nhớ năm 2013, tôm thẻ chân trắng đã giúp cả ngành thủy sản đại thắng. Nhiều cảnh báo về sự mở rộng ồ ạt diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã được ngành thủy sản nhận định trong vụ nuôi năm 2014. Điều này đã thành hiện thực khi từ giữa tháng 3/2014 đến nay (thời điểm thả giống chính vụ), tôm thẻ chân trắng được mở rộng với diện tích áp đảo.

Theo thống kê của Cục Thú y, có tới gần 85% diện tích tôm bị bệnh hoại tử gan tụy tính tới thời điểm này là tôm thẻ chân trắng. Tỉ lệ này đối với bệnh đốm trắng cũng là xấp xỉ 70% đối với tôm thẻ chân trắng và chỉ có 30% diện tích là tôm sú bị bệnh.

Theo phản ánh của một số địa phương, đã có tình trạng nông dân nóng lòng xuống giống sớm hơn thời vụ, thực hiện xử lí ao nuôi vội vàng. Bên cạnh sự mở rộng diện tích tôm thẻ chân trắng ào ạt, thì đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm bùng lên dữ dội ngay đầu vụ nuôi năm nay.

Cục Thú y dự báo, dịch bệnh trên tôm sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa trong thời gian tới khi bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng.

Trong khi dịch bệnh thủy sản đang có dấu hiệu bùng phát, nhiều địa phương đang kêu trời khi hệ thống quản lí nhà nước về thú y thủy sản đang trống hoác.

Theo Chi cục Thú y TP Hải Phòng, nhiệm vụ thú y thủy sản đã được giao về cho Chi cục Thú y từ năm 2008 nhưng đến nay, cả chi cục này mới chỉ có 2 cán bộ biên chế tại Phòng Thú y thủy sản phải gánh trên vai tới gần 13.000 ha thủy sản rải khắp các huyện, thị.


Có thể bạn quan tâm

Thu Nhập Cao Từ Vườn Cây Ăn Quả Thu Nhập Cao Từ Vườn Cây Ăn Quả

Ông Nguyễn Xuân Định (khu Tân Mai, phường Đông Mai, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nổi tiếng ở thị xã với nguồn thu nhập cao từ vườn cây ăn trái. Nhiều năm trước, ông Định đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc cây trên cơ sở đặc tính của từng loại cây trồng từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất vườn đồi. Mô hình phát triển kinh tế của ông đã được nhiều gia đình học tập kinh nghiệm và làm theo.

10/12/2014
Được Mùa Ruốc Biển Được Mùa Ruốc Biển

Vừa trở về sau chuyến khai thác ruốc biển, ông Phan Cảo (thôn Thủy Đầm, phường Ninh Thủy) cho biết, khai thác ruốc không phải là nghề chính của ngư dân Ninh Thủy, nhưng năm nay ruốc xuất hiện dày nên nhiều tàu thuyền khai thác xa bờ ở Ninh Thủy đã tranh thủ ở lại bờ để khai thác.

11/12/2014
Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) Đa Dạng Hóa Các Mô Hình Nuôi Thủy Sản Nước Ngọt Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) Đa Dạng Hóa Các Mô Hình Nuôi Thủy Sản Nước Ngọt

Cùng với chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng những mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai, lao động và trình độ nông dân, huyện chú trọng khai thác hợp lý tiềm năng mặt nước, đa dạng hóa các mô hình nuôi và hình thức nuôi, tạo nguồn nông sản tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

11/12/2014
Người Nuôi Cá Sặc Bổi “Lao Đao” Người Nuôi Cá Sặc Bổi “Lao Đao”

Là loài cá đặc sản được ưa chuộng nhưng hiện nay, việc tìm đầu ra cho cá sặc bổi gặp khó khăn. Đến kỳ thu hoạch cá sặc bổi, nông dân liên hệ nhiều lần nhưng thương lái vẫn không thèm đến...

11/12/2014
Mô Hình Nuôi Ếch Và Cá Của Anh Lê Minh Sỹ Mô Hình Nuôi Ếch Và Cá Của Anh Lê Minh Sỹ

Sau nhiều năm bám ruộng độc canh cây lúa nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá, anh Lê Minh Sỹ (khóm 3, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) tự tìm tòi, áp dụng thành công mô hình nuôi ếch cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

11/12/2014