Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hậu Giang Tiếp Tục Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Người Nuôi Cá Tra

Hậu Giang Tiếp Tục Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Người Nuôi Cá Tra
Ngày đăng: 22/05/2014

Toàn tỉnh Hậu Giang có 43 trường hợp khách hàng vay vốn nuôi cá tra được gia hạn nợ vay. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Hồ La Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hậu Giang, về vấn đề thực hiện xử lý lại các khoản nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay vốn.

Thưa ông, dư nợ và các khoản nợ quá hạn của khách hàng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn như thế nào ?

- Trên địa bàn Hậu Giang, hiện nay chưa có khách hàng vay nuôi tôm, chỉ có khách hàng vay vốn để nuôi cá tra. Tính đến hết tháng 3-2014, tổng dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản trên toàn địa bàn là 2.098 tỉ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ cho vay, trong đó chủ yếu cho vay nuôi cá tra, với dư nợ 1.025 tỉ đồng.

Tổng số khách hàng vay vốn là 884 khách hàng, bao gồm 25 doanh nghiệp và 859 hộ gia đình, trong đó nợ xấu là 147 tỉ đồng, chiếm 7% dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản.

Việc thực hiện xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ được cơ cấu ra sao, thưa ông ?

- Toàn tỉnh có 28,5% dư nợ cho vay thủy sản gặp khó khăn, chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được cơ cấu, gia hạn nợ. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thực hiện chính sách gia hạn nợ cho khách hàng theo Công văn 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách cấp bách hỗ trợ chăn nuôi và thủy sản.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 540/TTg-TTCP ngày 16/4/2014 về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Đây là tín hiệu vui cho người nuôi tôm, cá tra nói chung và cho người nuôi cá tra Hậu Giang nói riêng.

Theo quyết định này, các ngân hàng (NH) được phép cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, không thu lãi quá hạn, lãi phạt đối với các khoản nợ được cơ cấu đồng thời ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau với các khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong việc trả nợ.

Trường hợp khách hàng đã trả xong nợ gốc, chưa trả hết nợ lãi thì ngân hàng làm việc với khách hàng để có kế hoạch thu dần hàng năm tiếp theo, miễn, giảm lãi vay theo quy định.

Về xử lý các khoản nợ quá hạn của khách hàng không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, quyết định này quy định các NH trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã để xác định thực tế nhằm khoanh nợ trong thời hạn 3 năm đối với khách hàng. Trong thời gian khoanh nợ, NH tính lãi nhưng không thu của khách hàng.

Nếu sau 3 năm khách hàng trả được đầy đủ gốc thì xóa lãi cho khách hàng. Trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc thì NH xử lý theo quy định.

Với chính sách tín dụng mới này sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho khách hàng, giảm bớt áp lực nợ vay trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Hậu Giang đang chờ hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai sớm cho khách hàng trên địa bàn. Theo đó, cơ cấu nợ, gia hạn nợ cho 27 hộ gia đình và 16 doanh nghiệp do gặp khó khăn chưa trả nợ được ngân hàng, với tổng dư nợ gia hạn 597 tỉ đồng.

Những trường hợp đã cơ cấu nợ, gia hạn nợ, có được tiếp tục vay mới hay không, thưa ông?

- Đối với những trường hợp khách hàng đã được cơ cấu nợ, gia hạn nợ, nếu có phương án kinh doanh khả thi, kế hoạch đầu ra hiệu quả và chứng minh được khoản vay mới không phụ thuộc vào khoản nợ đã gia hạn nợ, xử lý theo Quyết định 540/TTg-TTCP, thì các tổ chức tín dụng được tiếp tục xem xét cho khách hàng vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, giải pháp trước tiên để nuôi cá tra mang lại hiệu quả thì người nuôi cần thiết giảm tối đa mọi chi phí đầu vào.

Xin cảm ơn ông !


Có thể bạn quan tâm

Công Bố Nhãn Hiệu Tập Thể “Cam Đường Kim An” Công Bố Nhãn Hiệu Tập Thể “Cam Đường Kim An”

Năm nay, sản lượng cam của xã ước đạt trên 900 tấn, cho hiệu quả kinh tế hơn 50 tỷ đồng. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ", cấp Bằng công nhận tập thể "Cam đường Kim An", giá trị hàng hóa của sản phẩm cam Kim An sẽ tiếp tục được nâng cao, tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho nông dân.

31/12/2014
Mô Hình Trồng Táo Xuân 21 Cho Thu Lãi Trên 15 Triệu Đồng/sào Mô Hình Trồng Táo Xuân 21 Cho Thu Lãi Trên 15 Triệu Đồng/sào

Nhận thấy thế mạnh từ loại cây ăn quả này, xã Đồng Liên đang từng bước tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích trồng cây, đồng thời đề nghị với Sở Khoa học - Công nghệ giúp đỡ phát triển thương hiệu táo Xuân 21 trên địa bàn. Trước mắt, cây táo Xuân 21 sẽ là một trong những thế mạnh để xã Đồng Liên thực hiện Đề án phát triển sản xuất theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.

31/12/2014
Rủ Nhau Làm Bưởi Sạch Rủ Nhau Làm Bưởi Sạch

Về xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) dịp này, ngoài gạo sạch còn nghe người dân bàn chuyện làm bưởi sạch. Làm bưởi sạch có 4 điểm lợi cùng lúc: giảm được nhiều chi phí mua thuốc trừ sâu, giảm công phun xịt, bớt ô nhiễm môi trường và người tiêu dùng yên tâm.

31/12/2014
Lo Lắng Việc Trái Cây Chín Nhờ Hóa Chất Lo Lắng Việc Trái Cây Chín Nhờ Hóa Chất

Chúng tôi đến 3 cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại phường 3, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) hỏi mua thuốc ngâm cho trái cây mau chín thì có 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và quả quyết trái sống, non cỡ nào mang đi ngâm thuốc thì 1 - 2 ngày sau trái cũng sẽ chín.

31/12/2014
Ngọc Lương (Hòa Bình) Nhân Rộng Mô Hình Trồng Bưởi Diễn Ngọc Lương (Hòa Bình) Nhân Rộng Mô Hình Trồng Bưởi Diễn

Cây bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao từ 250 - 300 triệu đồng/ha. Do đó, từ những hộ dân trồng manh mún ban đầu, đến nay, xóm Đại Đồng (xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã có khoảng 60 hộ trồng bưởi Diễn với tổng diện tích trên 30 ha.

31/12/2014