Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hấp Dẫn Mô Hình Thanh Long Ruột Đỏ

Hấp Dẫn Mô Hình Thanh Long Ruột Đỏ
Publish date: Monday. October 8th, 2012

Thanh Long ruột đỏ có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm nay nhưng mới bắt đầu trồng quy mô ở các tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh và một số ít ở TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, vùng Bảy Núi tỉnh An Giang… bước đầu đã mang lại hiệu quả rất khích lệ. Giống cây ăn trái nầy còn có tên là thanh long Nữ Hoàng, tên khoa học là Hylocereus.

 
Ông Võ Văn Thạch (Tư Thạch) quê ở xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là người đầu tiên đưa thanh long ruột đỏ, giống H.14 về trồng trên đất Vĩnh Long từ tháng 8 - 2010, diện tích 3 ha. Ông cho biết sau 24 tháng chăm sóc, toàn bộ cây đã ra hoa kết trái, năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha. 
Thanh long ruột đỏ có đặc tính vỏ dầy và cứng, màu đỏ tươi trông rất đẹp mắt. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết thanh long ruột đỏ có thành phần dinh dưỡng cao hơn thanh long ruột trắng, nhất là hàm lượng Vitamin nên được nhiều người ưa thích vì có lợi cho sức khỏe. Loại nầy ngoài ăn tươi còn có thể ướp lạnh hoặc ép lấy nước uống rất mát. 
Hôm đến tham quan, ông Tư Thạch chia sẻ với chúng tôi: "Trước đây tôi là giám đốc công ty TNHH Tư Thạch, chuyên sản xuất gạch ngói, gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Đến năm 1982, chuyển sang chăn nuôi và bây giờ thì vẫn chăn nuôi kết hợp với trồng thanh long. Qua hai năm thử nghiệm tôi có thể khẳng định trồng thanh long ruột đỏ có nhiều cái lợi. Một là dễ chăm sóc, năng suất cao lại ra trái quanh năm, bền vững. Hai là thị trường tiêu thụ mạnh, dễ xuất khẩu, giá cả ổn định và cao gấp 4 – 5 lần thanh long ruột trắng…". 
Theo kinh nghiệm của ông Tư Thạch và ông Năm Hiếu ở TP Cần Thơ thì thanh long là một trong những loại cây có khả năng thích ứng với sự biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, thanh long ruột đỏ còn thích hợp với nhiều loại đất, cát ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng muốn cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhất là giống, phân, nước và quá trình chăm sóc. Thanh long thuộc loại cây ưa nắng, thích sáng, rễ cạn nên đất trồng phải xốp và thông thoáng, không bị ngập úng và nước không bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn. Hầu hết cây đều phát triển tốt, trái to nặng bình quân từ 0,7 - 1 kg/trái, ruột đỏ son, chất lượng thơm, ngon và ngọt đậm nên được nhiều người ưa thích. 
Về thời vụ, thanh long có thể xuống hom bất cứ lúc nào trong năm, nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa nhánh, tạo tán và phòng trừ sâu bệnh cho cây ra nhiều trái. Thanh long ruột đỏ ra trái nhiều nhất từ tháng tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Nếu muốn cho ra trái mùa nghịch cần phải sử dụng quang kỳ tính, tức dùng đèn điện thắp sáng vào ban đêm. 
Nếu trồng đúng quy cách, đủ phân, đủ nước, sau 8 - 10 tháng tuổi cây thanh long ruột đỏ có thể ra bông và mỗi năm thu hoạch từ 7 – 8 lần. Ông Tư Thạch cho biết sau 24 tháng kể từ ngày xuống giống, ông đã đầu tư 850 triệu đồng cho 3 ha thanh long và thu về được 1,5 tỉ đồng. Ước tính năm thứ ba, sản lượng sẽ cao hơn, bình quân từ 30 - 40 tấn/ha/năm. Nếu tính theo thời điểm hiện nay, giá thị trường dao động từ 15.000 – 35.000 đồng/kg (tùy theo mùa vụ và chất lượng), mỗi héc-ta có thể thu được 600 triệu đồng, trừ hết các chi phí còn lời 400 triệu đồng. 
Ông Phạm Văn Hiếu, một nông dân kỳ cựu ở khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết ông đã trồng thanh long ruột đỏ với trên 130 trụ đã cho trái. Hầu hết cây đều phát triển tốt, chất lượng thơm, ngon và ngọt đậm nên rất dễ tiêu thụ. Giá bán lại cao gấp 3 - 4 lần thanh long ruột trắng. Ông khẳng định người trồng thanh long ruột đỏ sẽ đầu tư ít vốn nhờ hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, nhất là công chăm sóc cũng nhẹ hơn so với các loại cây ăn trái khác. 
Ông Tư Thạch cho biết vườn thanh long của ông sử dụng toàn phân hữu cơ (hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật). Ưu thế lớn nhất của ông là từ tháng 6 – 2011, ông đã kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ sản xuất thành công loại phân vi sinh từ nguồn nguyên liệu do chính cơ sở chăn nuôi của ông cung cấp như: phân gà, phân heo, bùn từ đáy ao cá tra, tro trấu, lục bình... Từ ngày nhà máy phân bón hoạt động đến nay, ông không những tạo được một nguồn phân bón dồi dào dùng cho sản xuất mà còn bán ra thị trường với số lượng lớn, mang thương hiệu "Phân bón Tư Thạch". Hiện nay, mỗi lứa ông thả nuôi 4.000 con heo thịt và 150.000 gà thịt. Bình quân thu được 350 tấn phân gà/3 tháng và 300 tấn phân heo/6 tháng. Đó là nguồn nguyên liệu cơ bản để chế ra phân vi sinh. 
Ngoài bán thanh long trái, ông Tư Thạch còn bán cả cây giống với giá 10.000 đồng/hom. Đặc biệt, ông sẵn sàng hỗ trợ và trực tiếp tư vấn kỹ thuật cho người trồng. Ông tin chắc rằng cây thanh long ruột đỏ là cây có tiềm năng kinh tế bền vững. Người có đất ít thì trồng ít, đất nhiều trồng nhiều, không sợ dội hàng ế chợ như thanh long ruột trắng. Ông mong muốn ĐBSCL có thêm nhiều người sản xuất thanh long ruột đỏ để tiến tới thành lập Hợp tác xã, tạo nguồn hàng ổn định, hướng tới thành lập thương hiệu và xuất khẩu trong tương lai.


Related news

Đắk Nông Đã Khống Chế Được Dịch Cúm, Lở Mồm Long Móng Trên Vật Nuôi Đắk Nông Đã Khống Chế Được Dịch Cúm, Lở Mồm Long Móng Trên Vật Nuôi

Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì nhờ tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nên từ ngày 26 - 31/12, toàn tỉnh Đắk Nông không còn trâu, bò, gia cầm mới mắc bệnh. Về cơ bản, ngành chức năng và các địa phương đã khống chế được các loại dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Wednesday. January 14th, 2015
Nuôi Gà Thả Vườn Nuôi Gà Thả Vườn "Làm Chơi Ăn Thật"

Chỉ vào đàn gà gần 500 con hơn 2 tháng tuổi đang phát triển tốt, anh Tân cười tươi nói: “Đàn gà này nếu phát triển bình thường thì hơn 1 tháng nữa là có thể bán được, con lớn cũng trên 2kg. Thời điểm đó, cận Tết Nguyên đán nên nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, gà hút hàng, giá sẽ tăng mạnh. Năm nào cũng vậy, tôi canh ngay đợt Tết để xuất chuồng, bán được giá cao”.

Wednesday. January 14th, 2015
Lợi Kép Từ Nuôi Thỏ Công Nghiệp Lợi Kép Từ Nuôi Thỏ Công Nghiệp

Nuôi thỏ quy mô công nghiệp vừa mang lại giá trị kinh tế mà còn tiết kiệm thời gian. Gần đây, một số hộ ở xã Tân Tiến (Đồng Phú - Bình Phước) đã thí điểm công nghệ không mùi trong chăn nuôi thỏ. Gia đình chị Đỗ Thị Thanh Hương (27 tuổi) ở ấp An Hòa là một điển hình.

Wednesday. January 14th, 2015
Nuôi Vịt Trời - Nghề Mới Ở Phương Nam (Quảng Ninh) Nuôi Vịt Trời - Nghề Mới Ở Phương Nam (Quảng Ninh)

Khi bé, tôi rất ấn tượng với câu chuyện kể về một anh chồng ngốc học đòi buôn bán, bỏ tiền ra buôn vịt trời để rồi mất tiền oan. Trong suy nghĩ của tôi vịt trời là của trời. Bởi vậy nên tôi rất ngạc nhiên khi đồng chí Bùi Hải Trường - Bí thư Đảng uỷ phường Phương Nam (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) giới thiệu với tôi về “tương lai sáng” của nghề nuôi vịt trời trên địa bàn phường.

Wednesday. January 14th, 2015
Kiểm Soát Chặt Dịch Bệnh Đàn Bò Dự Án Kiểm Soát Chặt Dịch Bệnh Đàn Bò Dự Án

Tại cuộc họp giao ban Bộ NN&PTNT sáng 5/1, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết: Cục Thú y sẽ phối hợp với các tập đoàn và đơn vị thực hiện dự án theo chương trình xóa đói giảm nghèo, kiểm soát tốt đàn bò cấp cho các hộ dân nghèo, không chỉ chất lượng mà cả dịch bệnh.

Wednesday. January 14th, 2015