Hành Tím Được Mùa, Được Giá Ở Nhơn Hải (Ninh Thuận)

Thu hoạch vụ hành tím năm nay, 950 hộ ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) rất khấn khởi vì được mùa, được giá. Nhơn Hải có diện tích đất nông nghiệp 2.482 ha, trong đó diện tích cây hành 45 ha.
Về thôn Mỹ Tường 1, vào một ngày cuối tháng 8, tiếp chúng tôi, nông dân Phạm Hải (43 tuổi), có thâm niên trong nghề trồng hành hơn 20 năm nay vui vẻ cho biết: “Do áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hành từ cán bộ nông nghiệp tỉnh chuyển giao, vụ hè - thu năm nay, gia đình trồng được 3 sào hành tím đạt năng suất cao.
Nếu cùng thời điểm những năm trước đây, 1 sào hành chỉ cho thu hoạch được 1,2 tấn, thì vụ này năng suất đã lên 1,5 tấn. Giá hành 25.000 đồng/kg, như vậy với 3 sào hành trong vụ này, trừ mọi chi phí còn thu lãi được 38 triệu đồng”. Trước đây, anh Hải và bà con trong thôn chỉ biết làm theo kinh nghiệm bảo quản giống bằng cách dùng thuốc ĐT trộn với tro than để rải lên củ hành giống dễ gây độc hại cho người.
Nhưng sau khi được tập huấn, anh biết cách dùng thuốc sinh học hay thuốc bảo vệ thực vật để xử lý giống trước lúc đưa vào kho cất giữ nên hành giống ít bị hư hao. Theo anh Hải, nếu làm đúng kỹ thuật như đã được tập huấn để bảo quản giống hành tím khi đem ra trồng, độ nảy mầm, sức tăng trưởng của cây con rất tốt.
Anh Nguyễn Văn Minh, ở thôn Mỹ Tường 2 không kém niềm vui như anh Hải vì hành được mùa. Anh đã áp dụng được kỹ thuật dùng phân chuồng ủ với nấm Trecoderme giúp phân nhanh hoai, khi đem bón cây hành dễ hấp thụ được phân nên phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Anh cho biết: “Với kỹ thuật này, đất sẽ tơi xốp hơn, giúp cây hành sinh trưởng tốt và có sức đề kháng cao hơn.
Khi cây hành tiếp nhận được lượng phân này sẽ tạo ra những con vi sinh có lợi để diệt những vi khuẩn có hại”. Do anh Minh tận dụng được lượng phân chuồng từ đàn gia súc để ủ theo cách nói trên đã hạn chế việc dùng phân hóa học, tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư. Với 4 sào hành, vụ hè - thu năm nay khi thu hoạch trừ mọi chi phí, gia đình anh Minh lãi được 47 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hữu Huyền Nhân, cán bộ Nông nghiệp xã Nhơn Hải cho biết: “Khi người dân đã nắm được kỹ thuật trồng hành, “đầu ra” cũng ổn định thì việc mở rộng diện tích loại cây trồng này là việc không khó. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn nước tưới”.
Được biết, thông qua Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển giao khoa học công nghệ trong bảo quản giống và chăm sóc cây hành tím cho nông dân, vì vậy đã góp phần tăng năng suất cây trồng. Như vậy, với 45 ha cây hành tím ở xã Nhơn Hải, trong vụ hè - thu năm nay nông dân đã thu lãi khoảng 16 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Bộ NNPTNT vừa đề nghị UBND thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long ổn định sản xuất cá tra sau phán quyết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

Bồ câu có nhiều loại, mỗi loại đều có ưu điểm và giá trị thương phẩm khác nhau, nhưng hiện nay đa phần người nuôi bán công nghiệp thường chọn bồ câu Pháp để lấy thịt và sản xuất con giống. Ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Cần, ở ấp Long Thạnh, xã Đông Hiệp, huyện Thới Lai, đã bước đầu thành công với mô hình nuôi bồ câu này.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Bến Tre), toàn huyện hiện có 373 bè nuôi cá; tập trung nhiều nhất ở xã Tân Thạch với hơn 30 hộ nuôi, tổng số trên 120 bè và tổng thể tích nuôi gần 15.000m3.

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn xã Lương Hòa (Giồng Trôm) thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1962, ở ấp Phong Điền, thí điểm thành công mô hình trồng dưa gang, đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng gần 100 hộ dân tham gia HTX Sản xuất và kinh doanh rau an toàn ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) vẫn kiên trì theo đuổi và từng bước khẳng định được thương hiệu rau an toàn của địa phương mình.