Hạn Đến Sớm

Thời điểm này chưa phải là đỉnh điểm hạn hán, song nhiều diện tích lúa, ngô, rẫy mía ở miền núi Khánh Hòa đang bị khô cháy vì thiếu nước.
Thời điểm này chưa phải là đỉnh điểm hạn hán, song nhiều diện tích lúa, ngô, rẫy mía của nông dân miền núi huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đang bị khô cháy vì thiếu nước.
Nông dân Hoàng Văn Nền, thôn A Xây, xã Khánh Nam mấy ngày qua như ngồi trên đống lửa vì ruộng mía nhà mình đến thời kỳ thu hoạch đang bị cái nắng gay gắt đốt cháy khô hết lá, thân cây quắt lại trong khi lịch đốn mía của nhà máy đường phải tới nửa tháng nữa. Sợ “bà hoả” viếng thăm, hàng ngày hai vợ chồng ông phải thay phiên nhau canh rẫy mía.
Gặp chúng tôi, ông Nền than vãn: “Hơn 3 tháng nay nơi đây không có một hạt mưa mà nắng cứ như thiêu đốt, 4 ha mía nhà tôi đã bị khô trong khi phải chờ lịch chặt mía, vì vậy chắc chắn giảm năng suất, chữ đường”.
Ông Lê Văn Hoàng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy ở các vùng mía đang chờ thu hoạch và đề nghị các nhà máy đường trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía để tránh thiệt hại cho bà con.
Thu nhập chủ yếu của gia đình ông Nền đều trông chờ vào cây mía. Nhờ mía mà vươn lên thoát nghèo. Thời điểm năm ngoái 1 ha mía, sau khi thu hoạch, trừ tất cả chi phí ông lãi từ 7 - 8 triệu đồng. Còn năm nay do tiền cày, phân bón, công… đều tăng cao, 4 ha mía đã ngốn vốn ông mất gần 70 triệu đồng.
Vậy mà, năm nay gặp hạn hán sớm, ruộng mía bị còi cọc, phát triển không đều nên ông chẳng biết khi thu hoạch có gỡ gạc được vốn không, chứ kiếm chút lãi thì rất khó, bởi giá mía hiện tại thấp, chỉ 900.000 đ/tấn (chữ đường 10 CCS).
Hộ gần bên, gia đình bà Lục Thị Hè ở cùng thôn cũng trong tình trạng tương tự. Do nắng hạn kéo dài làm hơn 2 ha mía của bà chưa thu hoạch bị khô cháy từng ngày. Nhìn ruộng mía, bà Hè rầu rĩ: “Vụ này gia đình tôi đầu tư 1 ha mía tơ mất khoảng 45 triệu đồng. Hiện mía đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa tới lượt, nếu cứ để kéo dài thì sẽ bị giảm năng suất và chữ đường. Năm nay giá mía thấp, công thu hoạch tăng cao không biết có thu nổi tiền đầu tư?”.
Ông Đàm Văn Bằng, trưởng thôn A Xây cho biết, nắng hạn kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến SX nông nghiệp, mà còn khiến người dân trong thôn thiếu nước sinh hoạt. Hiện các giếng nước, ao, suối đang dần càng kiệt. Bà con trong thôn đang sử dụng nước tiết kiệm tối đa, hạn chế việc giặt giũ, tắm gội. Tại thôn Hòn Dù, do hệ thống nước tự chảy dẫn về làng không còn nước để chảy nên ít nhất 50 hộ phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Ông Trần Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho biết: Toàn xã có trên 500 ha mía. Tính đến thời điểm này đã có khoảng 20% diện tích mía bị khô cháy nhưng chưa được nhà máy đường thu hoạch kịp thời.
Bà con đang làm đơn lên xã để chính quyền làm việc đề nghị nhà máy đường cho đốn mía sớm. Nếu thời gian tới, thời tiết nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, nguy cơ hạn hán trên diện rộng và vụ mùa trắng tay lại đến với nông dân là điều khó tránh khỏi.
Dọc theo tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt, qua các xã phía Tây huyện từ xã Cầu Bà đến xã Sơn Thái, chúng tôi bắt gặp những rẫy bắp, rẫy lúa dọc 2 bên đường bị cháy vàng vì khô hạn. Ông Cao Văn Buôn, thôn Bàu Sang, xã Liên Sang thở dài: “Do khô hạn kéo dài nên rẫy bắp 1,2 ha của nhà tôi thiếu nước, trổ cờ, ra trái rất nhỏ nên năng suất thấp, chỉ hơn 1 tấn nên thua lỗ”.
Trao đổi với NNVN, ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Vĩnh cho biết: "Tính đến thời điểm này toàn huyện còn khoảng 750 ha mía và 270 ha lúa đang thời kỳ làm đòng, trỗ bông chưa thu hoạch, trong khi nắng nóng khô hanh vẫn còn kéo dài nên nguy cơ cháy mía và thiếu nước tưới ở thời điểm cuối vụ là rất cao.
Để giảm thiệt hại do thời tiết khô hạn bất thường, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tăng cường nạo vét kênh mương, thành lập các tổ điều tiết nước, mua máy bơm để tưới cho đồng ruộng. Đồng thời khuyến cáo, đối với những chân ruộng ít nước chuyển sang trồng hoa màu, phát triển giống cây trồng ngắn ngày để hạn chế thiệt hại vào cuối vụ".
Có thể bạn quan tâm

Đến thời điểm này, vụ vải thiều năm 2014 đã kết thúc. Theo tổng hợp của ngành chức năng, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 191 nghìn tấn, tăng hơn 60 nghìn tấn so với năm 2013.

Một trong những hộ nuôi ong mật thành công trên địa bàn huyện là là anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Tân Tiến. Hiện anh Thanh đang sở hữu khoảng 1.000 thùng ong với 6 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật và anh là thành viên của hội nuôi ong tại địa phương.

Với đặc điểm của một xã vùng cao có diện tích đất nông nghiệp hạn chế cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến việc trồng trọt ở Sủng Là gặp nhiều khó khăn, chỉ đủ ăn. Việc trồng cỏ và nuôi bò được xem là một hướng đi chính có nhiều triển vọng giúp người dân ở đây xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của tỉnh.

Mới chớm mùa Đông, nhiều nơi trên địa bàn huyện Quản Bạ có nhiệt độ lạnh về đêm, thường xuyên có sương muối dày đặc vào buổi sáng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; trong đo, việc bảo vệ đàn trâu, bò luôn là mối quan tâm của đồng bào nơi đây. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc và vật nuôi.

Cụ thể, đa phần cá ngừ đại dương tại các cảng cá ở các tỉnh Nam Trung Bộ bán ra với mức giá chỉ bằng 1/3 so với giá cá bán sang Nhật do không đủ tiêu chuẩn xuất tươi nguyên con. Mỗi năm, sản lượng cá ngừ đại dương khai thác của ngư dân Nam Trung Bộ không dưới 15.000 tấn nhưng chỉ có 20% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.