Vươn lên thoát nghèo từ nghề hái dừa thuê
Người thuê trả công cho ông 5 ngàn đồng/chục; gom hay lượm dừa thì trả 3 ngàn đồng/chục.
Năm 1995, gia đình ông Đờn ra riêng, được cha mẹ ruột cho 1,7 công đất để cất nhà và lập nghiệp. Sau thời gian dài ông đi làm và tích góp, ông mua thêm 1 công của người em ruột để trồng dừa. Đến nay, vườn dừa cho thu hoạch trên 100 trái/lứa.
Khi mới ra riêng lập nghiệp, ông thuộc diện hộ nghèo, làm thuê từ leo dừa, móc dừa, còn thời gian rảnh thì móc mương (bồi bùn). Ngoài ra ông còn làm thêm nghề thu mua dừa khô nên cuộc sống gia đình được cải thiện. Đến năm 2016, từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo và năm 2017, ông Đờn đăng ký thoát nghèo bền vững.
“Nhà có 2 cây dừa, tôi tập leo dần rồi thành quen. Mọi người thấy thế nên kêu tôi đi thu hoạch dừa cho họ. Lúc tôi leo dừa mướn có 2 ngàn đồng/chục và chuyển sang móc dừa 3 ngàn đồng/chục. Đôi khi dừa khô rụng xuống hướng rơi tùm lum và tác động nhiều đến bản thân, ảnh hưởng sức khỏe như: ngất xỉu, gãy một lóng tay hay nhức chân... Thế rồi, tôi cũng quen với nghề này”, ông Đờn bộc bạch.
Năm 20 tuổi, ông Đờn bắt đầu công việc leo dừa thuê. Rồi ông sắm sửa được dụng cụ, mới chuyển sang móc dừa mướn. Có chủ vườn chỉ kêu móc dừa, có chủ kêu móc và thu mua dừa. Năm 2017, ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc 40 triệu đồng để tạo nguồn vốn ban đầu khởi nghiệp mua dừa (đã hoàn tất nợ). Ông đến tận nhà thu mua trên 20 thiên (1 thiên = 1.200 trái dừa), ước chừng 700 trái/ngày. Hàng tháng, ông giao cho các cơ sở sản xuất dừa ở nhiều nơi (Thành An, Tân Phú Tây, Hòa Lộc).
“Với diện tích hơn 1ha, thu hoạch không xiết, nên khi đến lứa hái, tôi thường kêu ông Đờn đến móc dừa. Mỗi tháng thu hoạch một lần hơn 1 thiên dừa. Ông Đờn hiền lành, nhã nhặn trong cư xử với mọi người. Ông lao động siêng năng, hễ gọi là ông đến. Đôi lúc kẹt tiền chưa trả công thuê, ông vui vẻ cho để đó và nhận vào kỳ thu hoạch kế tiếp”, ông Phạm Văn Thanh (gần nhà ông Đờn) chia sẻ.
Năm 2009, cơn bão số 9 hoành hành, căn nhà lá của ông Đờn bị sập hoàn toàn. Địa phương hỗ trợ ông 5 triệu đồng để dựng lại với cột bê-tông, mái lợp tole, lót gạch tàu (chưa xây tường xung quanh). Chăm chỉ làm ăn, ông tích lũy được một số tiền, vừa hoàn tất ngôi nhà, vừa lo chi phí cho đứa con gái thứ 2 học xong cao đẳng ngành sư phạm và con trai út học lớp 9.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành An Võ Văn Bé Thanh cho biết: Hộ ông Lê Văn Đờn từng nghèo nhất ấp. Với sự cần cù lao động, ông đã vươn lên trong cuộc sống. Ông là một trong những người có thâm niên trong việc hái dừa thuê rồi chuyển sang mua dừa ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Trai sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao và tốc độ phủ ngọc nhanh là những tín hiệu mừng từ mô hình thí điểm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tạiThành phố Hà Tĩnh.
Chỉ với gần 100m2 đất, từ 3 cặp dúi ban đầu, đến nay đã phát triển đàn dúi lên hơn 100 con dúi sinh sản, 50 con dúi đực, gần 200 con dúi con và dúi thịt.
Chị Dương Kim Ngọc (sinh năm 1982) cùng chồng là anh Phan Văn Hòa (sinh năm 1974, ở ấp Thanh Tây, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc).