Hàm Thuận Nam Nỗ Lực Thực Hiện Thanh Long VietGAP
Huyện Hàm Thuận Nam có diện tích thanh long dẫn đầu Bình Thuận. Trong những năm gần đây, người dân địa phương này đã quen dần thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với cây trồng chủ lực thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các nước trong khu vực…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam cho biết, đến nay diện tích thanh long trên địa bàn huyện trên 11.000 ha, có nhiều xã sản xuất tập trung trên 1.000 ha như Hàm Thạnh, Hàm Cường, Hàm Minh, Tân Thuận, thị trấn Thuận Nam.
Số thu hoạch chiếm hơn 90%. Trong tổng diện tích này, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được 4.200ha/188 tổ, nhóm, trang trại/3.819 hộ; chiếm hơn 38% diện tích toàn huyện. Xã Hàm Minh dẫn đầu thanh long sạch với 861 ha, Hàm Thạnh 612 ha...
Bên cạnh đông đảo nông dân tham gia tích cực chương trình sản xuất thanh long sạch, thông qua việc tái chứng nhận thanh long VietGAP hàng năm đều tăng so với cùng kỳ; thì vẫn còn không ít người chưa mặn mà lắm. Trong năm qua, cấp mới diện tích thanh long VietGAP được 643 ha/900 ha, chiếm 71,5% kế hoạch, giảm 105 ha so cùng kỳ. Tương tự, 8 tháng năm nay, cấp mới gần 260 ha/780 ha (gần 34% kế hoạch).
Nguyên nhân bởi người trồng thanh long chưa tích cực hưởng ứng tham gia chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi sản phẩm thanh long VietGAP đầu ra hạn chế, giá cả ngang thu mua ngang bằng thanh long sản xuất theo cách thường; chưa có chính sách ưu đãi đem lại lợi ích cho người sản xuất thanh long VietGAP, làm cho người trồng không mấy an tâm.
Trong khi đó, ban chỉ đạo VietGAP xã cũng không dành nhiều thời gian cho việc sản xuất thanh long VietGAP, một số xã chưa chủ động giúp dân hình thành các tổ, nhóm sản xuất VietGAP; ban điều hành các tổ, nhóm đã hình thành thì hoạt động cầm chừng, các thành viên trong tổ không viết nhật ký sản xuất. Cuối cùng là doanh nghiệp chưa quan tâm thu mua thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP…
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, hiện các thành viên ban chỉ đạo, tổ tư vấn VietGAP huyện đang phối hợp tích cực với 11 xã trong chương trình, hướng dẫn các tổ, nhóm đăng ký mới, đến hạn tái cấp, như: ghi chép nhật ký, thực hành trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để được chứng nhận trong năm 2014.
Gắn chương trình này một cách bền vững với quá trình xây dựng nông thôn mới. Song song đó, Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long duy trì tốt quy chế phối hợp, lấy các mẫu (đất, nước, trái) của các tổ, nhóm để giám sát, kiểm tra đạt kết quả tốt.
Cùng với đó, các thành viên ban chỉ đạo ở huyện, xã, ban điều hành tổ, nhóm trong thôn, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tham gia trồng thanh long đi đầu thực hiện chương trình này; đồng thời vận động người trồng thanh long, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng thực hiện thanh long an toàn bền vững, tự giác tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như thu mua sản phẩm đảm bảo chất lượng này.
Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam kiến nghị Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp sở, ngành tìm kiếm đối tác tiêu thụ thanh long của các tổ, nhóm thực hiện VietGAP, tăng cường hơn nữa các biện pháp tác động đến những cơ sở thu mua, chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh tuân thủ các tiêu chí VietGAP.
Bởi đây là yếu tố vững chắc, bền lâu cho khâu chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long ra nước ngoài. Khi hội nhập với thế giới, doanh nghiệp thu mua thanh long tại các nước trong khu vực, trên thế giới đều yêu cầu xuất xứ nơi sản xuất thanh long, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP…
“Với những giải pháp triển khai, Hàm Thuận Nam sẽ cấp mới 720 ha thanh long sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, đạt 90% kế hoạch vào cuối năm nay. Tương tự, năm 2015, huyện phấn đấu cấp mới 780 ha; nâng tổng diện tích thanh long VietGAP lên 5.700ha, chiếm hơn 50% diện tích thanh long toàn huyện”, ông Phúc nói.
Có thể bạn quan tâm
Vụ lúa xuân 2013-2014, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng xây dựng 6 mô hình sản xuất lúa VietGap và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 160 ha tại các xã: An Tiến (huyện An Lão), Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên), Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo), Tiên Hưng (huyện Tiên Lãng), Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo) và Đông Phương (huyện Kiến Thụy).
Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt cho rằng: Vì 2 năm trở lại đây giá Atiso tăng cao nên bà con quay lại trồng Atiso rất nhiều, diện tích Atiso tại phường 12 khoảng 45ha, tăng 5ha. Sản lượng Atiso cung cấp ra thị trường tăng nên giá giảm đi.
Với vẻ mặt đầy phấn khởi, anh Tuân cho biết: "Từ nay đến thời điểm thu hoạch rộ măng cụt, tôi còn thu được từ 900kg đến 1 tấn nữa và chỉ cần giá bán từ 15.000 tới 20.000 đồng/kg tôi sẽ có mức lãi 80 – 90 triệu đồng."
Khi màn sương còn giăng trên các sườn núi, ánh mặt trời còn khuất sau những mái lá thì nhiều nhà vườn đã tất bật chở những giỏ dâu chín mọng vừa hái xuống tận chân núi Cấm (Tịnh Biên - An Giang) để giao cho các chủ vựa. Đó là một ngày bận rộn của người dân nơi đây khi mùa dâu về trên xứ núi.
Đã 10 ngày nay, tại cửa khẩu Tân Thanh, không có lô hàng hoa quả nào nhập vào Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 7 cho biết.