Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hai mặt của ngành chăn nuôi

Hai mặt của ngành chăn nuôi
Ngày đăng: 20/05/2015

Chi phí đầu vào giảm, giá bán ra gần như không đổi

Những tháng gần đây, giá nguyên liệu đầu vào TACN liên tục giảm. Từ tháng 5-2014 đến nay, theo ước tính của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu TACN, giá bắp, khô đậu nành, sắn lát... đều giảm khoảng 30%.

Tín hiệu trên đã khiến nhiều hộ nông dân chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản khấp khởi vui mừng vì nghĩ sẽ được mua TACN giá rẻ, giảm giá thành sản phẩm. Nhưng thực tế không như vậy.

Cầm quyển sổ ghi chép trong tay, ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nơi nuôi tới hơn 4.000 con heo các loại và tiêu thụ mỗi tháng 100 tấn TACN cho hay, nếu như đầu tháng 1-2014, loại cám 1052, dùng cho heo nái đẻ là 279.000 đồng/bao thì đến tháng 12-2014 là 272.000/bao, (tức giảm 7.000 đồng/bao) nhưng đến nay lại tăng lên 280.0000 đồng/bao.

“Dẫn chứng như vậy là để thấy giá TACN chúng tôi mua của Cargill (công ty sản xuất TACN của Mỹ) không hề giảm mà thậm chí còn tăng nhẹ”, ông Long nói. Đó là giá ông mua từ nhà máy, chưa có công vận chuyển và không hề qua bất kỳ cấp đại lý nào cả.

Trong khi giá TACN không giảm thì giá thịt lại giảm sâu kể từ Tết Nguyên đán tới nay, hiện chỉ còn từ 35.000 - 40.000 đồng/ki lô gam trong khi vào cuối năm ngoái giá là 52.000 đồng/ki lô gam. “Với mức giá này, nông dân nuôi không khéo chỉ có lỗ”, ông Long nói.

Ngành thủy sản cũng không sáng sủa hơn. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho hay từ năm ngoái tới nay, giá thức ăn thủy sản giảm không nhiều, từ 12.700 đồng/ki lô gam xuống còn 12.000 đồng/ki lô gam. “Mức giảm này thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của chúng tôi”, ông Hải nói.

Trong khi giá TACN giảm mang tính hình thức thì nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lại đang phải chống chọi với sự suy giảm mạnh của ngành thủy sản. “Xuất khẩu khó khăn khiến giá cá tra nguyên liệu và tôm giảm thê thảm, bên cạnh đó, dịch bệnh đốm trắng trên tôm đang khiến gần 70% hộ dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long treo ao. Nông dân khổ vô cùng”, ông Hải than.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay hiện nay đa phần các đơn vị sản xuất thức ăn thủy sản là các doanh nghiệp FDI. Đối với sản xuất thức ăn cho tôm thì gần như là doanh nghiệp FDI. Đợt vừa rồi, mặc dù đầu vào giảm nhưng xu hướng giảm giá thức ăn thủy sản là không nhiều.

Doanh nghiệp FDI trong ngành TACN sống khỏe

Trái ngược với cảnh lên xuống thất thường của giá sản phẩm chăn nuôi và thủy sản thì các doanh nghiệp FDI trong ngành TACN vẫn... sống khỏe. Phó tổng giám đốc một công ty sản xuất TACN của Úc cho hay, ông cảm thấy rất thoải mái với điều kiện kinh doanh tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù không phải là công ty quá lớn trong ngành này nhưng năm 2014, công ty cũng đạt 1.560 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 30% so với năm ngoái. Năm nay, công ty đã tăng công suất lên khoảng 20% để đáp ứng nhu cầu TACN trong nước.

Thực tế, trong vòng khoảng 15 năm qua, đã có rất nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tham gia ngành này như các doanh nghiệp FDI đến từ Thái Lan (Công ty CP), Đài Loan (Grobest, Uni President, Dinh dưỡng Á Châu...), Trung Quốc (Thăng Long, Tongwei, Hoa Chen...), Hàn Quốc (CJ Master...), Pháp (Tomboy...), Mỹ (Cargill...). Các doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Riêng đối với thức ăn chăn nuôi cho tôm, ba doanh nghiệp FDI đang chiếm tới 80% thị phần là là Grobest, Uni President, CP.

Ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thức ăn thủy sản Tomking, một trong những doanh nghiệp Việt Nam hiếm hoi còn lại trong ngành này cho hay, sở dĩ chỉ trong thời gian ngắn mà doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường TACN, gạt các doanh nghiệp sản xuất trong nước sang một bên là vì họ có kinh nghiệm và thương hiệu trong lĩnh vực này trên 40 năm. Với sản lượng lớn, họ còn có mối quan hệ và nguồn nguyên liệu đầu vào rất tốt, đặc biệt với hai nguồn nguyên liệu chính là bột cá (nguồn gốc từ Pêru, Chi Lê...), đậu nành (Mỹ).

Nhưng yếu tố quan trọng nhất, theo ông Huy, là do vốn của của các doanh nghiệp này rất dồi dào, với chi phí lãi vay thấp từ các ngân hàng nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam không đủ vốn đầu tư cho đại lý và người dân nên không phát triển được thị phần, không thể tăng giá khi có biến động chi phí đầu vào.

Theo các doanh nghiệp, TACN chiếm tới 70% tổng chi phí cho mỗi chu kỳ nuôi tôm. Trong khi đó, cứ đến lúc tôm tăng trưởng mạnh là các doanh nghiệp FDI lại đồng loạt tăng giá, nông dân vẫn phải chấp nhận mua dẫn đến giá thành sản xuất tăng. Nếu thuận mùa, giá bán cao thì mới có lãi còn nghịch mùa, giá thấp thì cầm chắc lỗ, trong khi các doanh nghiệp FDI đã lấy lợi nhuận trước nên không bao giờ lỗ cả. Theo tính toán hiện nay, giá TACN của Việt Nam đã cao hơn Ấn Độ 2 đô la Mỹ/ki lô gam.

Quản lý có quá lỏng lẻo?

Theo ông Dũng, doanh nghiệp FDI làm mưa làm gió trên thị trường TACN thời gian qua là do công tác quản lý nhà nước quá lỏng lẻo. Ví dụ như TACN chiếm tới 70% giá trị cá tra nhưng trong Nghị định 36 về quản lý cá tra lại không có một chữ nào về TACN.

Còn ông Huy cho rằng, hiện các doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi về thuê đất đai, đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nên khi hết thời gian ưu đãi thuế thì họ lại lập công ty mới để không phải nộp thuế.

Ở một khía cạnh khác, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ nhận xét: trước kia chúng ta quan niệm thu hút FDI để sản xuất hàng thay thế cho nhập khẩu hoặc hàng xuất khẩu ra nước ngoài nên có những chính sách để thu hút nhưng sau thời gian dài phát triển, các doanh nghiệp FDI lại khai thác thị trường nội địa, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.

Theo các chuyên gia, việc chống chuyển giá của chúng ta không thành công. Doanh nghiệp FDI có thể mua hàng ở nước ngoài giá rẻ nhưng kê khai cao hơn để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi các doanh nghiệp trong nước thường bị phạt vì những lỗi nhỏ thì các doanh nghiệp FDI rất ít bị kiểm tra, kiểm soát do sự e dè của cơ quan quản lý trước sự hùng mạnh của các doanh nghiệp này.

Vì vậy, theo ông Dũng, việc cần làm ngay là tăng tính minh bạch của doanh nghiệp FDI, tăng cường kiểm tra việc trốn thuế, chuyển giá. “Chỉ riêng việc đó cũng giảm được bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, cần giảm mặt bằng lãi suất xuống thêm nữa. Hiện nay lạm phát chỉ 2 - 3% trong khi mặt bằng lãi suất tới 7 - 8%, có khi tới 10% là một gánh nặng lớn với doanh nghiệp.

“Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ chắc tôi cũng bán nhà máy cho doanh nghiệp FDI vì một mình tôi không thể đơn độc cạnh tranh với 99% doanh nghiệp FDI còn lại”.

Ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thức ăn thủy sản Tomking


Có thể bạn quan tâm

Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba

Trong mười năm qua, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam luôn đồng hành với người chăn nuôi vượt qua khó khăn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch cúm, các chính sách khuyến khích chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh gia cầm, góp phần khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

16/11/2013
Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Sản xuất rau là nghề truyền thống ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Những năm qua, việc canh tác rau của huyện giải quyết được phần lớn nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

16/11/2013
Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê

Năm 2013, các đơn vị gồm Công ty Hồng Huế, Công ty Hoàng Vinh cùng tọa lạc ở TP.HCM và Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu thực hiện bao tiêu sản lượng 74ha đậu bắp với giá 7.000 đồng/kg (loại 1) và 25ha dưa lê với giá 9.500 đồng/kg của nông dân xã Tân Hòa (gần 14ha dưa lê của nông dân ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, Đồng Tháp).

16/11/2013
240 Lượt Người Được Chuyển Giao Kỹ Năng “Bác Sĩ Cây Trồng” 240 Lượt Người Được Chuyển Giao Kỹ Năng “Bác Sĩ Cây Trồng”

Thành lập vào năm 2007, tới nay Bệnh viện cây trồng đã mở 6 lớp đào tạo kỹ năng “Bác sĩ cây trồng” với 240 lượt người tham gia.

16/11/2013
Áp Dụng Hiệu Quả Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm Áp Dụng Hiệu Quả Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm

Hiện nay, toàn xã đã có 81 hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, với diện tích khoảng 16,8 ha. Ông Nguyễn Khắc Phòng (thôn Thái An), hướng dẫn chúng tôi ra thăm vườn nho của gia đình - một trong những hộ đầu tiên sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, cho biết: Với 1 ha nho, bình thường phải mất nhiều ngày để tưới, nhưng với hệ thống tưới nước tiết kiệm chỉ cần gần 2 tiếng đồng hồ, vườn nho đã được tưới đầy đủ. Vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, vừa giúp cây nho phát triển tốt và cho năng suất cao hơn.

16/11/2013