Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hai Mặt Của Con Dúi Tà Nung

Hai Mặt Của Con Dúi Tà Nung
Ngày đăng: 03/09/2014

Lần đầu tiên, từng hộ nông dân xã Tà Nung, Đà Lạt nuôi dúi (con nu) trong chuồng nhà đã nhân đàn sinh sản. Đây là giống vật nuôi đang có giá trị thực phẩm khá cao trên thương trường, nhưng vẫn chưa hết rủi ro với điều kiện sinh thái mới, nên người nông dân rất cần nhiều hơn nữa những giải pháp hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ, kịp thời, nhằm tránh những thiệt hại bất ngờ vẫn thường hay xảy ra.

Con dúi “lý thuyết”

Con dúi (nu) nuôi ở xã Tà Nung, Đà Lạt thuộc loài động vật hoang dã đã được thuần hóa từ các trại giống ở tỉnh Đồng Nai. Với Đề tài “Xây dựng mô hình nuôi dúi (nu) theo hướng an toàn dịch bệnh”; từ tháng 7/2013, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã hỗ trợ 250 triệu đồng cho 11 hộ nông dân xã Tà Nung, mỗi hộ mua 32 con dúi giống về nuôi.

Để được “thụ hưởng” nguồn vốn này, mỗi hộ nông dân phải trải qua bình chọn từ cộng đồng thôn (buôn) đến cấp xã và cấp thành phố với các tiêu chí về nguồn vốn đối ứng, kinh nghiệm tăng đàn vật nuôi, tích cực chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân khác trong vùng…

Trong đó, vốn đối ứng trung bình của mỗi hộ nông dân gồm hơn 10 triệu đồng tiền xây chuồng trại và hơn 20 mét vuông mặt bằng xây dựng. Toàn bộ kỹ thuật nuôi dúi của nông dân đều được “cầm tay chỉ việc” hàng tuần bởi 3 bác sĩ thú y và 2 kỹ sư chăn nuôi của Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt.

Nếu dựa theo “lý thuyết” từ các trại giống dúi trong nước, mỗi hộ gia đình với đàn dúi giống ban đầu 26 con cái và 6 con đực, nuôi thêm 2 tháng trở lên là con dúi cái bắt đầu sinh sản trung bình mỗi năm từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 3 - 4 con.

Nuôi đủ thức ăn an toàn, đảm bảo quy trình kỹ thuật đến 7 tháng sau, mỗi con dúi con sẽ tăng trọng từ 1,7kg - 2kg. Đến cuối tháng 8/2014, giá bán dúi giống hơn 1 triệu đồng/cặp và giá bán dúi thịt 450.000 đồng/kg, nhưng vốn đầu tư mua thức ăn chưa quá 100.000 đồng/con. Hạch toán thu - chi, sau 1 năm, một cặp dúi giống sẽ tích lũy khoản lời cho người chăn nuôi ước tính cả chục triệu đồng.

Con dúi thực nghiệm

Ông Nguyễn Minh Hùng ở thôn 6, xã Tà Nung, Đà Lạt được “xếp loại” là người nuôi dúi thực nghiệm đạt kết quả cao nhất ở địa phương, nhưng so sánh vẫn còn một khoảng cách khá xa so với con dúi lý thuyết.

Là một người có gần 15 năm kinh nghiệm nhân đàn nhiều giống vật nuôi như bò vàng, heo rừng, bồ câu Pháp, ong mật, vịt xiêm… nên ông Hùng đã tham gia rất tích cực việc xây dựng mô hình nuôi dúi giống và dúi thương phẩm ở địa phương. Tham quan chuồng trại nuôi dúi của ông Hùng mới thấy việc xây dựng bài bản với 21 ô gạch nằm trong diện tích gần 30 mét vuông.

Tuân thủ đúng trình tự chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, sau gần 2 tháng đầu tiên, đã có 1 con dúi cái trong đàn dúi giống của ông Hùng sinh ra 2 dúi con. Nhưng đáng tiếc, chưa đầy một tuần tuổi vừa qua, 1 con dúi con đã bị con dúi mẹ cắn chết.

Rồi từ đó đến giờ, tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, hậu quả làm chết tất cả 12 con dúi con khi chưa kịp mọc lông. “Tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao con dúi mẹ lại ăn thịt con dúi con một cách bất ngờ như vậy!” - ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, những tháng đầu nuôi nhốt, đàn nu giống 32 con của gia đình ông cũng đã bị chết đến 7 con vì nhiễm các bệnh đau mắt, thương hàn, ỉa chảy... do chưa kịp thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết, thức ăn của vùng đất mới Tà Nung. Những thiệt hại này đã rút ra bài học kinh nghiệm cho ông Hùng nói riêng, cho người chăn nuôi ở Tà Nung nói chung.

Đó là phải cho dúi uống thuốc, tiêm phòng đúng liều lượng, đúng lúc; đồng thời cho dúi ăn thức ăn như mía, bắp… phải khô giòn và sạch; hàng tuần quét dọn chuồng trại đảm bảo vệ sinh; cho dúi đực và dúi cái giao phối theo đúng thời gian định kỳ...

Nhờ đó, đàn dúi nhà ông Hùng về sau đã phát triển thêm 11 “thành viên mới” “trưởng thành” từng ngày, trong đó có cá thể đang bước sang lứa sinh sản thứ 2.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt thống kê bình quân tỷ lệ dúi giống chết ở xã Tà Nung khoảng 11%, một tỷ lệ vẫn đang ở mức cho phép đối với người nuôi ở vùng “đất lạ”. Trong khi phần lớn số dúi cái nuôi còn lại đều đã sinh sản thành công lứa đầu tiên.

“Đội ngũ bác sĩ thú y, kỹ sư chăn nuôi của Trung tâm chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi con dúi Tà Nung sinh sản đến lứa thứ 2, thứ 3 tới…” - ông Quang nói.


Có thể bạn quan tâm

Cá chết, người dân lao đao Cá chết, người dân lao đao

Cá nuôi sắp đến kỳ thu hoạch bỗng dưng bị chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân ở xã Phú An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) lâm vào cảnh lao đao.

06/10/2015
Chuyện con cá nước ngọt Chuyện con cá nước ngọt

Nông dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có xu hướng chuyển đất lúa kém năng suất sang nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống bởi có thể tận dụng thức ăn là cám, bã tại địa phương để tăng thêm thu nhập.

06/10/2015
Anh Huỳnh Thanh Lãm thành công thuần hoá cá chình giống Anh Huỳnh Thanh Lãm thành công thuần hoá cá chình giống

Cùng với nhiều nông dân khác ở TP Cà Mau, anh Huỳnh Thanh Lãm ở khóm 7, phường 6 thành công với nghề nuôi và bán cá chình giống, được nhiều người biết đến. Anh còn thành công với mô hình thuần hoá cá chình giống bằng ao đất, tỷ lệ nuôi hao hụt dường như bằng không.

06/10/2015
Sản lượng tôm sú nuôi theo công nghệ chế phẩm sinh học tăng 20% so với mô hình nuôi thông thường Sản lượng tôm sú nuôi theo công nghệ chế phẩm sinh học tăng 20% so với mô hình nuôi thông thường

Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP. Vũng Tàu cho biết, hiện phường 12 có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học trên diện tích nuôi 59ha

06/10/2015
Mùa bắt cá suối ở Sa Pa Mùa bắt cá suối ở Sa Pa

Không sử dụng kích điện, chất nổ hay thuốc độc, người dân khu vực xã Trung Chải (Sa Pa) đánh bắt bằng phương pháp thủ công là dùng vợt và lưới để bắt cá.

06/10/2015