Hải Hậu (Nam Định) Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Bền Vững
Những năm qua, công tác nuôi trồng thủy sản (NTTS) được huyện Hải Hậu (Nam Định) tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng bền vững.
Các hộ NTTS đã chuyển từ phương thức nuôi quảng canh sang nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh; nhiều hộ đã đưa các đối tượng nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Thực hiện đề án “Chuyển đổi diện tích trồng lúa, làm muối kém hiệu quả sang NTTS”, từ năm 2000 đến nay, huyện Hải Hậu đã chuyển đổi được 879ha sang NTTS. Đến nay, tổng diện tích NTTS của huyện đạt 2.280ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt đạt 1.852ha, diện tích nuôi mặn lợ 456ha.
Tổng sản lượng NTTS của huyện hằng năm ước đạt trên 7.000 tấn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các vùng nuôi, ao nuôi, huyện đã tăng cường công tác tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nên nông dân tại vùng nuôi thủy sản nước ngọt đã từng bước chuyển từ nuôi quảng canh ít cho ăn sang nuôi quảng canh cải tiến, kết hợp cho đối tượng nuôi ăn thức ăn công nghiệp.
Vì vậy các vùng nuôi thủy sản nước ngọt dần đi vào ổn định và nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác. Các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, cá lóc bông, trắm đen… phát triển qua từng năm.
Diện tích nuôi cá diêu hồng đến nay được mở rộng trên 120ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hải Châu, Hải Đông, Hải Hòa, Hải An, Thị trấn Cồn. Diện tích nuôi cá lóc bông đạt 15ha tập trung ở các xã Hải Hòa, Hải Xuân và Thị trấn Thịnh Long. Nhiều gia đình đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp kết hợp nuôi thủy sản với chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng màu, trồng cây cảnh, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là hộ các ông: Nguyễn Văn Luật (Hải Đông) thả cá kết hợp với nuôi gà; Trần Đình Thắng (Hải Châu) nuôi cá diêu hồng kết hợp với trồng màu; Trần Văn Tráng (Thị trấn Cồn) nuôi cá lăng chấm, diêu hồng kết hợp nuôi lợn, trồng cây cảnh… Ở các xã Hải Sơn, Hải Ninh…, xuất hiện một số mô hình nuôi ba ba, ếch quy mô gia đình, vốn đầu tư thấp song cho hiệu quả kinh tế cao.
Phong trào nuôi thủy sản tại vùng nuôi mặn lợ cũng phát triển khá sôi động khi các hộ đã tích cực đưa những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, cá song kết hợp đầu tư kỹ thuật, sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho dùng hóa chất theo hướng phát triển bền vững. Tôm thẻ chân trắng với những đặc điểm như thời gian nuôi ngắn, dễ nuôi, năng suất cao, dễ tiêu thụ… nên diện tích nuôi được mở rộng qua từng năm.
Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện đạt 170ha, tập trung ở các xã ven biển. Nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng tiến bộ KHKT cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng quy phạm nuôi tốt và quy tắc nuôi có trách nhiệm; mô hình nuôi tôm trái vụ trong nhà có mái che tại hộ các ông Bùi Trọng Chinh (Hải Lý), Nguyễn Văn Cường (Hải Đông) cho doanh thu từ 1-1,5 tỷ đồng/ha/vụ.
Ngoài tôm thẻ chân trắng, các đối tượng nuôi như: tôm sú, cua xanh, cá song… tại các xã Hải Triều, Hải Hòa được các hộ nuôi theo phương pháp quảng canh cải tiến, vốn đầu tư thấp nhưng cho hiệu quả khá. Để đảm bảo các vụ nuôi thủy sản thắng lợi, huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn giống, thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh trong công tác NTTS.
Cán bộ kỹ thuật các phòng, ban chuyên môn của huyện và cán bộ khuyến ngư, thú y tại các xã, thị trấn thường xuyên bám sát cơ sở nắm bắt tình hình công tác quy hoạch, thiết kế, cải tạo ao, đầm, diện tích nuôi, lượng giống thả để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật nuôi, xử lý nguồn nước cấp, nước thải…, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh cho các vùng nuôi. Năm 2013, huyện đã tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật NTTS cho trên 1.300 lượt người tham dự; mở 2 lớp dạy nghề NTTS trong thời gian 3 tháng cho 70 lao động tại 2 xã Hải Phương, Hải Long và cung cấp hàng trăm cuốn tài liệu về NTTS cho các hộ nuôi.
Thực hiện chỉ đạo của huyện và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, nông dân các vùng nuôi thủy sản đã thực hiện tốt công tác cải tạo ao, đầm, chọn con giống nuôi phù hợp, thả đúng thời vụ, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật thâm canh nên hầu hết các vùng nuôi không phát sinh dịch bệnh lớn, năng suất, sản lượng ngày càng được nâng cao, hầu hết các vùng nuôi đều có lãi, nhiều hộ gia đình có thu nhập 300-350 triệu đồng/ha.
Hầu hết các xã phát triển mạnh NTTS đều thành lập các CLB, tổ hợp tác để các hộ nuôi trao đổi, chuyển giao tiến bộ KHKT, quản lý môi trường nuôi, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, phòng dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Nhiều CLB, tổ hợp tác NTTS hoạt động đạt hiệu quả cao đã thu hút nhiều hộ nuôi tham gia, tiêu biểu như: CLB NTTS các xã Hải Châu, Hải Chính, Hải Đông; CLB nuôi ếch Hội Nông dân xã Hải Ninh; CLB nuôi tôm xã Hải Lý… Đồng chí Đỗ Văn Thực, Chủ nhiệm CLB NTTS xã Hải Châu cho biết: Xã Hải Châu có 60ha nuôi cá diêu hồng.
Từ năm 2005, các hộ nuôi cá diêu hồng trong xã đã thành lập CLB NTTS. Đến nay, CLB đã thu hút trên 30 hộ nuôi cá diêu hồng tại địa phương tham gia. Ban chủ nhiệm CLB có trách nhiệm tư vấn, tổ chức hội nghị đầu bờ cho các hội viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật... Bên cạnh đó, các hội viên trong CLB còn hợp tác hỗ trợ nhau trong việc thu hoạch.
Để tiếp tục phát triển NTTS bền vững, thời gian tới, huyện Hải Hậu tập trung phát triển NTTS theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã được tỉnh phê duyệt. Huyện tiếp tục rà soát quy hoạch NTTS ở các xã, thị trấn bảo đảm phù hợp với đề án “Mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa và phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp”.
Hoàn thiện nâng cấp những vùng nuôi đã có quy hoạch, các vùng dự án đã đi vào hoạt động. Đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình thủy lợi, công trình điện, cống tưới, tiêu, đường giao thông, hệ thống ao nuôi, ao lắng. Huy động các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi; chủ động xây dựng, sớm có kế hoạch và biện pháp nâng cao hiệu quả tại các vùng chuyển đổi. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, chuyển một số diện tích đất làm muối hiệu quả thấp sang NTTS theo quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện.
Các cơ sở sản xuất giống trong huyện đẩy mạnh công tác sản xuất giống truyền thống, kết hợp giống nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với môi trường, điều kiện tự nhiên của huyện; từng bước nuôi khảo nghiệm những đối tượng nuôi thủy sản mới để nhân ra diện rộng.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi cá trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP lần đầu tiên được triển khai tại Quảng Nam đã đem lại kết quả khả quan, qua đó mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
Ngành xuất khẩu gạo liên tiếp đón nhận 2 tin không vui: Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch và Mỹ đang xem xét khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gạo Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu tháng 7-2014 đạt 615.844 tấn, trị giá FOB 264,607 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 429,67 USD/tấn. So với tháng 6, số lượng giảm 8,09%, trị giá giảm 6,75%, giá bình quân tăng 6,15 USD/tấn.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái đang tràn trề tự tin với việc có thể giành được hợp đồng nhập khẩu 500.000 tấn gạo trắng 25% tấm của Philippines dự định đấu thầu vào 27/8 tới đây.
Lý giải chuyện thanh long rớt giá, anh Trần Văn Hải, chủ một cơ sở thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: Thương lái Trung Quốc không “ăn hàng” nên thanh long chở sang bị tồn lại rất nhiều. Mỗi ngày chở sang hàng trăm xe mà thương lái chỉ thu mua nhỏ giọt. Giá thanh long rớt không chỉ nông dân điêu đứng mà tiểu thương cũng thiệt hại rất nhiều.