Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hà Tĩnh Sức bật từ xây dựng nông thôn mới

Hà Tĩnh Sức bật từ xây dựng nông thôn mới
Ngày đăng: 08/09/2015

Đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó thủ tướng Chính Phủ thăm Dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà

Trước nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, nhiều công trình, dự án “tỷ đô” đã và đang được triển khai thực hiện tại Vũng Áng, công nghiệp đã có định hướng chuyển mình khá rõ nét theo hướng hiện đại, có tầm vóc lớn, nhưng Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015 vẫn xác định không chỉ phát triển công nghiệp mà phải luôn tập trung cao cho nông nghiệp, nông thôn: xây dựng Hà Tĩnh thành một tỉnh có công - nông nghiệp phát triển, xác định đây là 2 “trụ cột” kinh tế then chốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Tĩnh bứt phá đi lên và cũng là tạo điều kiện cho lĩnh vực TM-DV phát triển.

Từ đó, Hà Tĩnh đã ưu tiên cả việc lãnh đạo, chỉ đạo và cả nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Từ nhận thức đến hành động, từ tỉnh đến cơ sở cùng thống nhất, đồng thuận, nỗ lực cao, quyết tâm xây dựng thành công NTM. Ngay từ khi bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM; UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động; các sở, ban, ngành và địa phương đều cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện một cách chủ động, bài bản, đồng bộ, hiệu quả.

Với quan điểm, chủ trương đúng, hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung quyết liệt, sâu sát và kiểm tra thường xuyên, không chỉ giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn mà còn tiếp thêm tinh thần, ý chí để mỗi hộ dân, mỗi địa phương vững tin thực hiện thành công chương trình, cùng với tổ chức tốt các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh đã tạo ra những giá trị bền lâu từ xây dựng NTM với những kết quả mang tính đột phá.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện sớm (từ năm 2011), nổi bật nhất là đã xác định rõ các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, đổi mới mô hình tăng trưởng trong phát triển kinh tế nông nghiệp với thực hiện “4 hóa”: (Doanh nghiệp (DN) hóa, liên kết hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa); sản xuất có liên kết, theo chuỗi giá trị, “vừa tập trung, vừa phân tán”, ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sự khác biệt, tăng giá trị gia tăng.

Tính đến cuối tháng 8/2015, toàn tỉnh đã thành lập mới trên 8.000 mô hình SXKD có doanh thu từ 100 triệu đồng đến trên 100 tỷ đồng/năm; DN, HTX và tổ hợp tác tăng nhanh (thành lập mới 919 DN, 429 HTX và 807 tổ hợp tác, nâng tổng số DN hiện có lên 1.561, 672 HTX và 812 tổ hợp tác - tốc độ tăng của các loại hình tổ chức này đều đứng ở tốp đầu toàn quốc). Một số tập đoàn, DN lớn đã đầu tư và liên kết đầu tư vào nông nghiệp thành công và triển vọng cao như:

Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại, các công ty: Fineton, Grobest, Vinamilk, Thông Thuận... và gần đây là Công ty CP Bình Hà thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ, chất lượng tăng trưởng nông, lâm, thủy sản (giai đoạn 2011-2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt trên 6%/năm, cao gần 2 lần bình quân cả nước); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng nhanh, năm 2014, đạt gần 20 triệu đồng (tăng 2,3 lần so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo còn 6,70% (giảm 17,21%). Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực lớn, trong 5 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đáng kể: đã nhựa hóa và bê tông hóa hơn 3.457 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 719 km kênh mương thủy lợi nội đồng; xây dựng 610 km đường điện, di dời được 9.098 cột điện nằm trong phạm vi chỉ giới giao thông (đạt 99% tổng số cột phải di dời); đầu tư, nâng cấp 330 trường học, 91 trạm y tế; xây dựng 101 nhà văn hóa xã, 72 khu thể thao xã, 968 nhà văn hóa thôn...

Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân được cải thiện, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh (đã đạt gần 70%). Văn hóa, môi trường có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Hệ thống chính trị cơ sở chất lượng ngày càng được nâng lên, nhất là cán bộ đạt chuẩn đến nay đã đạt trên 80,4%; an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo.

Khu dân cư NTM kiểu mẫu – một trong những sáng tạo của Hà Tĩnh được Trung ương và nhiều tỉnh bạn đánh giá cao, có sức lan tỏa lớn, đến nay, đã triển khai trên tất cả các xã, nhiều mô hình trở thành điểm sáng để các địa phương trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, tham quan, học tập kinh nghiệm, điển hình là: thôn Nam Trà - xã Hương Trà (Hương Khê); thôn Hương Mỹ - xã Xuân Mỹ, thôn Gia Phú - xã Xuân Viên (Nghi Xuân), thôn Đan Trung - xã Thạch Long (Thạch Hà), thôn Tân An - xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)...

Góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, tạo ra diện mạo mới ở nhiều địa phương, từng bước hình thành mô hình khu dân cư nông thôn văn minh, hiện đại, thân thiện – “là nơi đáng sống”.

Từ những kết quả nổi bật nêu trên đã khẳng định xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân; với cách làm chủ động, sáng tạo, phương châm “nâng đầu, đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển”, đạt kết quả thiết thực, đã tạo được sự đồng thuận cao, sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội; tạo ra động lực mạnh mẽ đẩy nhanh tiến độ, xây dựng NTM bền vững. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng càng được củng cố.

Trong thời gian tới, với quan điểm xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt; cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội đều phải vào cuộc với ý thức, trách nhiệm cao nhất; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn là nội dung trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng NTM; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hình thành các giá trị, ý thức văn hóa mới, người dân và cộng đồng thực sự là chủ thể quyết định các nội dung, công việc trong thực hiện chương trình.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng luôn thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ, hoàn thiện, bổ sung cho chặng đường phát triển sắp tới. Tin rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực không ngừng của các tầng lớp nhân dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh nhà sẽ đạt được kết quả cao hơn, rõ nét hơn, luôn là điểm sáng của toàn quốc.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ Trợ Gần 15 Ngàn Cá Giống Cho Người Dân Phú Lộc, Phú Vang Và Quảng Điền Hỗ Trợ Gần 15 Ngàn Cá Giống Cho Người Dân Phú Lộc, Phú Vang Và Quảng Điền

Ngoài xã Lộc An, Trung tâm khuyến nông-lâm-ngư tỉnh cũng đã hỗ trợ khoảng 12.000 con cá đối mục giống cho các điểm nuôi thử nghiệm ở huyện Phú Vang và Quảng Điền.

17/03/2014
Sản Xuất Rau Sạch Cần Giám Sát Dư Lượng Hóa Chất Sản Xuất Rau Sạch Cần Giám Sát Dư Lượng Hóa Chất

Trước thực trạng này, từ năm 2011 đến năm 2013, được sự hỗ trợ của dự án cạnh tranh nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã thực hiện chương trình phân tích, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm rau, củ, quả và trái cây tại các vùng trọng điểm rau xanh.

20/02/2014
Ông Tăng Ương Khá Lên Nhờ Mô Hình Nuôi Ếch Thái Ông Tăng Ương Khá Lên Nhờ Mô Hình Nuôi Ếch Thái

Thực hiện việc chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, những năm gần đây, người dân ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất cho lợi nhuận khá cao. Trong đó, mô hình nuôi ếch Thái Lan của ông Tăng Ương, người dân tộc Khmer (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội) là một điển hình.

17/03/2014
Bình Định Thành Lập Quỹ Hỗ Trợ Ngư Dân Bình Định Thành Lập Quỹ Hỗ Trợ Ngư Dân

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân. Dự kiến, Quỹ sẽ chính thức ra mắt đầu tháng 4 tới.

17/03/2014
Toàn Tỉnh Đã Phát Triển Hơn 20.800 Hécta Cà Phê Toàn Tỉnh Đã Phát Triển Hơn 20.800 Hécta Cà Phê

Cà phê là một trong 6 cây chủ lực của tỉnh nên những hộ trồng mới hoặc thâm canh sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để trồng và chăm sóc, nhằm tạo ra vùng chuyên canh, đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn. Diện tích trồng cà phê của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom và TX. Long Khánh.

20/02/2014