Góp Phần Cải Tạo Tầm Vóc Đàn Trâu
Khi mặt trời mới ló rạng ở đằng Đông, anh Hoàng Văn Thấu ở xóm Đồng Nghè 2, xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) đã thả đàn trâu vào rừng.
Từ ngày được tham gia Dự án “Xây dựng và mở rộng mô hình chọn lọc, cải tạo và phát triển chăn nuôi trâu theo hướng lấy thịt” do Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai (năm 2010 đến nay), anh đã có thêm nhiều kiến thức trong chăm sóc đàn trâu. Anh chia sẻ: Tham gia Dự án, tôi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu; được hỗ trợ kinh phí mua con giống, trồng cỏ năng suất cao.
Nhờ đó, gia đình tôi đã có điều kiện để phát triển đàn trâu. 3 năm trước, gia đình chỉ có 10 con trâu, nay đã có 18 con trâu. Điều tôi thấy phấn khởi nhất là nghé con sinh ra, tầm vóc đã to hơn trước rất nhiều.
Để được mục sở thị đàn trâu của gia đình anh Thấu, chúng tôi quyết định đi sâu vào khu vực chăn thả đàn trâu ở trong rừng. Phải mất cả tiếng đồng hồ vượt dốc, băng rừng, chúng tôi mới tìm được đến nơi. Nhìn đàn trâu con nào cũng to khỏe, bóng mượt, ai cũng trầm trồ khen “ông chủ” đã biết chăm sóc cho đàn vật nuôi của mình. Anh Thấu tươi cười: Trâu rất ít bị bệnh, chỉ cần tích cực tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng; giữ ấm và cung cấp đủ thức ăn cho trâu trong những ngày giá rét là trâu sẽ luôn khỏe mạnh.
Theo giải thích của anh thì mùa này, cây cối xanh tốt, thức ăn cho trâu khá dồi dào nên anh thả trâu vào rừng, làm lán trong rừng để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc đàn trâu. Vào mùa đông, những hôm nhiệt độ xuống thấp, anh nhốt trâu trong chuồng, chăn trâu bằng rơm đã được dự trữ từ trước (ngay sau khi thu hoạch lúa mùa xong, gia đình anh chất rơm thành những đóng to để làm thức ăn cho trâu trong những ngày đông giá rét).
Anh Thấu chỉ là 1 trong 9 hộ dân tham gia Dự án này. Được biết, Dự án được triển khai tại 2 huyện Phú Lương và Đại Từ, trong đó có 3 hộ dân ở các xã Động Đạt, Yên Lạc (Phú Lương); 6 hộ ở xã Bản Ngoại, Phú Lạc (Đại Từ) tham gia.
Ngoài việc hỗ trợ các hộ dân mua 8 con trâu được nội, 4 con trâu lai Murrah; hỗ trợ 4 hộ dân mua trâu nái sinh sản theo quy mô trang trại (10 con trở lên/hộ); 4 hộ nuôi trâu vỗ béo, trồng cỏ năng suất cao (cỏ voi, cỏ VA-06), Dự án còn tiến hành khảo sát, điều tra tại gần 1.300 hộ chăn nuôi trâu ở các xã thực hiện Dự án.
Qua đó đã bình tuyển được 188 con trâu đực đạt tiêu chuẩn từ cấp 1 trở lên và tiến hành lập danh sách quản lý tại địa phương; lựa chọn 20 con trâu đực và 200 con trâu cái đạt tiêu chuẩn để phối giống, theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật. Trong đó, 150 con trâu cái phối giống trực tiếp với trâu đực nội, 30 con phối giống với trâu đực lai Murrah và 20 con trâu cái thu tinh nhân tạo với tinh Murrah thuần.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Sau 3 năm triển khai, đến nay, kết quả đạt được khá tốt. Thực hiện Dự án, chúng tôi đã tạo ra được trên 100 con nghé, trong đó có khoảng 10 con nghé lai ½ máu Murrah và 15 nghé con lai ¼ máu Murrah.
Có thể thấy, Dự án đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo chị Lê Thúy Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương: Thành công mà Dự án là đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ đàn gia súc trong những ngày đói rét, có ý thức tích trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa khô. Đặc biệt, thực hiện Dự án, trên địa bàn các xã tham gia Dự án đã không còn tình trạng cận huyết ở đàn trâu, tầm vóc của đàn trâu được cải thiện rất nhiều.
Thái Nguyên hiện có gần 70,6 nghìn con trâu. Đàn trâu trong tỉnh thuộc giống trâu đầm lầy, phù hợp với lao tác dưới nước, có màu lông đen, một số có màu trắng. Trâu được sử dụng chủ yếu cày kéo, điều kiện chăn thả tự do, lai đồng huyết khá phổ biến nên tầm vóc ở dạng vừa và nhỏ.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh cơ khí hóa nông nghiệp, máy móc đã thay thế dần công việc cày kéo của con trâu. Vì vậy, xu hướng nuôi trâu lấy thịt đã, đang được nhiều người dân trong tỉnh quan tâm. Tầm vóc đàn trâu được cải thiện đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi trâu sẽ tăng lên rất nhiều so với trước.
Do vậy, Dự án này đã có ý nghĩa rất thiết thực, tạo ra được những con trâu có tầm vóc lớn hơn trước. Đặc biệt, việc thụ tinh nhân tạo giống trâu Murrah sẽ giúp cho người dân giảm được chi phí do không mất tiền đầu tư mua trâu đực…
Nhiều năm nay, tỉnh ta đã có cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân đầu tư cho chăn nuôi đại gia súc như hỗ trợ kinh phí mua con giống, thụ tinh nhân tạo… Từ những kết quả do Dự án mang lại cộng với những cơ chế, chính sách trong phát triển chăn nuôi của tỉnh và sự đầu tư của người chăn nuôi, chắc chắn sẽ mở ra cho nông dân hướng đi mới trong việc phát triển đàn trâu, tạo ra đàn trâu có tầm vóc lớn, năng suất cao, chất lượng thịt tốt, cung cấp nguồn trâu thịt ngày càng cao cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Anh Nguyễn Văn Luyện (33 tuổi) ở thôn 20, xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) đã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn theo hướng an toàn
Anh Nguyễn Văn Luyện (thôn 20, xã Kim Phú, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn.
Ông Trần Xuân Lý là một trong nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những mô hình như đưa cây ăn quả lên sườn dốc thật sự là cách làm đột phá.
Nói đến cựu chiến binh Đặng Ngọc Sỹ ở thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh nhiều người biết đến là một người đã có thâm niên trong nghề trồng hoa, cây cảnh, cây công trì