Giúp ngư dân xử lý môi trường khắc phục cá bị bệnh chết
Sáng ngày 3/6/2015, ông Đinh Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn (Bình Định) cho biết: UBND phường Hải Cảng đã tiếp nhận 600 kg thuốc clorin của Chi cục Thú y tỉnh Bình Định cấp để xử lý môi trường khu vực nuôi cá lồng biển ở Hải Minh. Chiều ngày 3/6/2015, UBND phường cử cán bộ kinh tế của phường phối hợp với cán bộ của các cơ quan chức năng của TP. Quy Nhơn tiến hành cấp phát và hướng dẫn kỹ thuật treo thuốc để xử lý môi trường nước, hạn chế dịch bệnh phát sinh lây lan.
Trước đó, từ đầu tháng 5/2015 đến nay, các hộ nuôi cá lồng biển ở vùng biển đầm Thị Nại tại Hải Minh trong, thuộc tổ 46, khu vực 9, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn gặp nhiều khó khăn do cá bị bệnh và chết hàng loạt. Hiện các ngành chức năng của thành phố và của tỉnh đang hướng dẫn bà con các biện pháp để phòng trừ, hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Theo thống kê của UBND phường Hải Cảng, hiện tại Hải Minh trong có 86 hộ nuôi cá lồng biển, gồm 176 bè với 1.013 lồng nuôi, tăng 5 hộ và 57 bè so với cuối năm 2014. Các đối tượng cá nuôi ở đây nhiều nhất là cá chẽm còn gọi là cá dược, tiếp đến là cá hồng, cá bớp, cá mú… Hộ nuôi ít cũng từ 4.000 - 5.000 con cá các loại, hộ nuôi quy mô lên đến hơn 10.000 con. Được biết, hàng năm, các hộ nuôi cá lồng biển ở Hải Minh trong cung ứng cho thị trường trong và ngoài thành phố từ 40 - 50 tấn cá các loại, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Riêng 4 tháng đầu năm nay, các hộ nuôi cá ở đây đã xuất bán được khoảng 23,5 tấn cá các loại, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, hiện cá nuôi bị dịch bệnh và chết, tiêu thụ khó khăn khiến các hộ ngư dân ở đây điêu đứng. Theo đó, cá nuôi từ 5 - 10 tháng tuổi bị lở loét khắp thân và chết, trong đó thiệt hại nhiều nhất là cá chẽm, trọng lượng từ 0,4 - 0,8 kg/con. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá cá chẽm chỉ còn khoảng 90.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng, nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Trong mấy ngày vừa qua, nhiều hộ có lồng nuôi cá bị dịch bệnh chết rất chua xót nên đành vớt những con cá bị bệnh sang Cảng cá Quy Nhơn để bán với đủ giá từ 50.000 - 90.000 đồng/kg tùy vào trọng lượng cá lớn, nhỏ, nhằm vớt vốn.
Một hộ nuôi cá lồng biển than thở: “Tôi thả nuôi 7.000 con cá chẽm, cá hồng trên 17 lồng nuôi. Cá hồng nuôi thì bị lở loét, nhưng nó có thể “chống cự” được sau khi mình tắm thuốc. Còn đối với cá chẽm thì sức đề kháng yếu, dễ sinh bệnh và đã bệnh thì hai, ba ngày sau là chết. Mấy ngày nay, sáng sớm mỗi ngày tôi vớt cá bệnh trên dưới 20 kg, trọng lượng mỗi con từ 0,5 – 0,8 kg để mang sang chợ cá Quy Nhơn bán, nhằm vớt vốn được đồng nào hay đồng nấy chứ biết sao.”
Nhận được phản ánh tình hình cá bệnh và chết của bà con ngư dân ở đây, các ngành chức năng của TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phối hợp với chính quyển địa phương đã qua kiểm tra và xác định nguyên nhân là do nguồn nước nuôi lâu ngày bị nhiễm bẩn, cộng với thời tiết nắng nóng tạo điều kiện sinh sôi, nảy nở của các loại ký sinh trùng sống trong nước gây bệnh cho cá và làm cá chết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ ngư dân nuôi cá lồng biển ở đây đã tự khắc phục tình trạng cá bị dịch bệnh và chết, đó là: bắt cá tắm nước ngọt và tắm các loại thuốc thông thường như formol, thuốc tím theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trước đây. Tuy vậy, sau khi tắm được thời gian thì cá lại tiếp tục bệnh và chết.
Ông Nguyễn Văn Ánh – Trạm trưởng Trạm Thú y TP. Quy Nhơn, xác nhận:“Sau khi nhận được phản ảnh tại Hải Minh trong có hiện tượng cá nuôi bị bệnh chết, ngày 13/5, Trạm Thú y thành phố kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố và các ban ngành về thủy sản của tỉnh đã qua kiểm tra thực tế.
Chúng tôi đã lấy mẫu nước xét nghiệm và đồng thời đi kiểm tra, kết luận đa phần là bệnh môi trường. Tổng cộng ở Hải Minh trong có 86 hộ nuôi cá lồng biển, gồm 176 bè với 1.013 lồng nuôi. Vấn đề nuôi ở đây là nuôi chen chúc với nhau, quá gần với nhau và thức ăn thừa thải sẽ lắng xuống tạo nên vấn đề sinh men, dễ bị gây nên bệnh môi trường. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi thấy cá lở loét nhiều, cá chết khoảng 3% so với số lượng cá nuôi, số lồng bị bệnh lên đến 50% so với tổng số lồng nuôi.”
Trước tình hình dịch bệnh ở cá nuôi, sau khi kiểm tra, UBND phường Hải Cảng, Trạm Thú y TP. Quy Nhơn phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y tỉnh hỗ trợ thuốc clorin để cấp phát, hướng dẫn cho các hộ ngư dân để xử lý môi trường nước, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh gây ảnh thiệt hại kinh tế cho bà con ngư dân.
Có thể bạn quan tâm
Tại Hội nghị về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng ĐBSCL tổ chức ngày 27/2, theo phản ánh từ các địa phương, khó khăn về thị trường, chính sách tín dụng là những thách thức đối với ngành hàng thủy sản.
Thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, những năm qua, nông dân xã điểm xây dựng nông thôn mới Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) thực hiện mô hình trồng khoai lang luân canh lúa. Mô hình giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Khoảng mươi năm về trước, làng Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) được nhiều người biết đến với nghề nuôi ba ba nổi tiếng. Nhưng vài năm trở lại đây, cái tên Bạch Xá lại được cánh lái buôn trong nam, ngoài bắc biết đến là làng nuôi rắn hổ mang.
HTX Thủy sản Nam Sơn (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) được thành lập từ tháng 6-2008 với chức năng nuôi trồng và cung ứng các loại cá giống, cá thương phẩm, cá bố mẹ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết, trong những năm gần đây, tuy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế tăng không cao nhưng tín dụng dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) vẫn tăng trưởng đáng kể.