Giúp nông sản Việt vào siêu thị nông sản vào siêu thị, trăm điều khó
Nông sản gặp nhiều khó khăn khi đưa vào các hệ thống siêu thị.
Độc quyền “giá”
Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam đã bắt đầu đưa nhãn vào siêu thị từ những năm 2007 - 2008. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn rất khiêm tốn. Cụ thể, vụ nhãn năm nay chỉ đưa được khoảng 5 - 7 tấn vào siêu thị Metro, Fivimart tại Hà Nội. So với tổng sản lượng nhãn mỗi vụ tới 6.000 tấn thì con số tiêu thụ tại siêu thị quá nhỏ bé.
Theo ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm hợp tác xã, việc các siêu thị bán với giá quá cao khiến cho hàng rất khó tiêu thụ. Cụ thể, siêu thị nhập hàng của hợp tác xã với giá 30.000 đồng/kg nhãn tươi, nhưng bán với giá 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Ông Thinh mong muốn siêu thị hạ giá, để mặt hàng nhãn lồng Hưng Yên bán chạy, số lượng nhập hàng sẽ tăng lên. Nhiều lần, ông Thinh gặp trực tiếp lãnh đạo các siêu thị nhập hàng đề nghị giảm giá nhưng không được đồng ý vì lý do họ phải chi trả nhiều khoản phí. Ông Thinh tính toán, nếu nhập một kg nhãn có giá 30.000 đồng rồi bán với giá cao thì siêu thị có thể thu lãi đến 10.000 đồng, trong khi người nông dân chỉ thu được 3.000 đồng.
Tương tự, ông Phạm Năng Thành, chủ trang trại chuyên kinh doanh chuối Tiêu hồng tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cũng phàn nàn việc các siêu thị bán giá quá cao. Ông Thành cho biết, siêu thị nhập chỉ 7.000 đồng/kg chuối nhưng bán cao gấp 3 - 4 lần.
Mức giá cao như vậy nên nhiều gian hàng chuối tại siêu thị bán rất chậm. Thực tế, lượng hàng của trang trại này cung ứng cho các siêu thị không đáng kể, chỉ vài tạ/đợt nhưng cũng phải đến 1 tuần hay nửa tháng mới tiêu thụ hết. “Theo tôi, siêu thị chỉ bán với giá 15.000 đồng/kg thì hợp lý hơn, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Với tình hình tiêu thụ chậm như vậy, chúng tôi không mặn mà với kênh phân phối này mà đang tập trung vào xuất khẩu nhiều hơn”, ông Thành cho hay.
Bà Phạm Thị Lan là khách mua thực phẩm thường xuyên tại chợ Thành Công, ở Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Khi chúng tôi hỏi siêu thị Big C ở gần đây sao bà không vào mua hàng cho rõ nguồn gốc và đảm bảo chất lượng? Bà Lan cho biết: “Không biết hàng đảm bảo không, nhưng giá hàng trong siêu thị quá cao so với ngoài chợ. Có lần tôi vào siêu thị mua dưa hấu, về bổ ra vẫn hỏng không ăn được. Tôi cứ ra chợ mua cho tiện, giá cả lại phải chăng”.
Một doanh nghiệp giấu tên ở khu vực phía Nam cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp chưa có thương hiệu muốn đưa hàng vào siêu thị rất khó khăn.
Nguyên nhân là các siêu thị thường đã có những nhà cung cấp riêng. Thị trường có quá nhiều nhà cung cấp muốn góp mặt trong siêu thị nên muốn đưa hàng mới vào phải chấp nhận các yêu cầu do phía siêu thị đưa ra như: phí đóng mã hàng mới, chiết khấu, định giá bán có lợi cho siêu thị...
Vị đại diện doanh nghiệp này bật mí: “Tùy từng siêu thị mà mức đóng phí cũng rất khác nhau. Còn chiết khấu lại cho siêu thị thường từ 10 - 15% và còn nhiều khoản phí khác”.
Cần sự chia sẻ của siêu thị
Khảo sát của phóng viên cho thấy, khi đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp thường gặp 2 chiều hướng khác nhau. Những doanh nghiệp lớn có thương hiệu trên thị trường ít gặp khó khăn và được siêu thị tạo nhiều điều kiện thuận lợi, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ bị siêu thị đưa ra những quy định khắt khe hơn.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, điều đó là hợp lý. Ngay cả việc siêu thị đưa ra mức chiết khấu cao, nâng giá bán lên cao để bù đắp các chi phí hoạt động... cũng là điều bình thường. Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp và siêu thị thuận mua vừa bán, bởi vậy khó trách các siêu thị.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam còn yếu thì rất cần sự chia sẻ khó khăn của các siêu thị. Nếu các siêu thị đưa ra quá nhiều điều kiện cứng nhắc thì có thể đẩy các doanh nghiệp nhỏ đến bờ vực phá sản do không tiêu thụ được hàng.
Mong muốn các siêu thị nhập hàng và bán hàng với mức giá hợp lý là mong muốn chung của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã nghĩ đến việc đưa thịt lợn sạch vào siêu thị nhưng siêu thị chỉ mua với giá 100.000 đồng/kg. Bán giá đó thì không có lãi bởi hiện giá gốc là 110.000 đồng/kg, bán tại các cửa hàng ở Hà Nội thì khoảng 130.000 - 140.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt bán tại siêu thị lên đến 150.000 - 160.000 đồng/kg, giá đó quá cao so với thịt thông thường, sẽ khó tiếp cận người tiêu dùng”, ông Vũ Viết Nhật, Giám đốc công ty chuyên sản xuất thịt lợn sạch tại Hưng Yên cho hay.
Vì vậy, ông Nhật quyết định không chen chân vào hệ thống siêu thị mà phân phối trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Theo đó, các sản phẩm của công ty được đóng gói, dán nhãn và chuyển đến từng hộ gia đình tại khu vực thành phố Hưng Yên và huyện Tiên Lữ thuộc tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, tại Hà Nội, công ty cũng phát triển được 5 điểm bán hàng; khách hàng có thể đặt hàng online tại các cửa hàng này.
Trong khi đó, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tỏ ra thông cảm với các siêu thị.
“Điều này khó trách các siêu thị vì họ là kênh bán lẻ hiện đại nên phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn chung. Vấn đề là các doanh nghiệp của ta phải nhanh chóng thích nghi và xem đây là vấn đề mang tính sống còn. Khi Việt Nam gia nhập sâu hơn vào các Hiệp định thương mại tự do, thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng sẽ về 0% và lúc ấy các doanh nghiệp sẽ còn khó cạnh tranh hơn”.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp thủy sản muốn được xuất khẩu cá tra phải đạt các yêu cầu trong các điều khoản của Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra thì mới được Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) xác nhận đăng ký hợp đồng trước khi xuất khẩu.
2013 được coi là năm thành công đối với nuôi tôm nước lợ của các tỉnh phía Bắc, khi khống chế được dịch bệnh hoại tử gan tụy, người nuôi được mùa, được giá.
Các rào cản thương mại mang tính bảo hộ của Mỹ sẽ không những là nguy cơ đối với xuất khẩu thủy sản không chỉ của Việt Nam mà, còn các nước ASEAN khác. Đó là nhận định được đưa ra bên lề cuộc thảo luận bàn tròn về hợp tác nông nghiệp Việt-Mỹ vừa diễn ra tại Washington DC.
Với ưu điểm trái ngon, nhanh cho thu hoạch, giá cả và thị trường đầu ra hấp dẫn, cho thu nhập cao, nên có không ít nông dân xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đang chọn cây ổi lê Đài Loan trồng thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Đây được xem là mô hình điểm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Trong tháng 1-2012, Hội Nông dân huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã triển khai thực hiện dự án chăn nuôi, đã giải ngân cho 30 hộ nông dân xã Long An có nhu cầu vay vốn chăn nuôi từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tổng tiền vốn 700 triệu đồng (mỗi hộ vay từ 20 - 30 triệu đồng), thời hạn 3 năm trả nợ (2012 - 2015).