Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngư Dân Lý Sơn Kiếm Bạc Tỷ Nhờ Nuôi Tôm Hùm

Ngư Dân Lý Sơn Kiếm Bạc Tỷ Nhờ Nuôi Tôm Hùm
Ngày đăng: 07/05/2014

Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) không những nổi tiếng về khai thác hải sâm ở vùng biển Hoàng Sa, mà hiện nay, nhiều người còn kiếm bạc tỷ nhờ nuôi tôm hùm lồng xuất khẩu.

Sau những lần tham quan, học hỏi kỹ thuật ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, nhiều ngư dân trên đảo Lý Sơn đã khai thác ưu thế biển đảo để nuôi tôm hùm xuất khẩu.

Hiện nay, nhiều gia đình trên đảo đã khảo sát vùng ven biển xã An Hải đủ điều kiện để đầu tư lồng nuôi tôm hùm cách bờ khoảng 300m. Lồng được đặt ở vùng kín gió, cố định bằng các dây thừng neo vào giữa các thanh gỗ giằng ngang, dọc tránh chao đảo. Đáy lồng cách mặt biển khoảng 6m, bảo đảm môi trường tự nhiên cho tôm hùm phát triển.

Anh Nguyễn Ngọc Hiệp - một trong những ngư dân trên đảo đảo Lý Sơn, đang đầu tư mạnh nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu, cho biết: Sau chuyến đi thăm bạn bè ở làng chài Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), thấy mô hình nuôi tôm hùm lồng xuất khẩu có hiệu quả, nên cuối năm 2013, anh quyết định đầu tư lồng nuôi tôm hùm tại vùng biển Lý Sơn.

Với kết quả vụ đầu nuôi tôm hùm bán hơn trăm triệu đồng, gia đình phấn khởi và tiếp tục mở rộng, đến nay có 30 lồng, với sản lượng tôm nuôi hơn 1.300 con.

Cách nuôi tôm hùm của ngư dân trên đảo Lý Sơn là đầu tư lồng bè bằng kết nối sáu thùng phuy nhựa làm phao nổi, kết hợp nhiều thanh gỗ, các loại lưới bao quanh.

Đầu tư mỗi lồng bè và mua con giống phải chi phí mất vài trăm triệu đồng. Tôm hùm chủ yếu sống ở tầng đáy nên mật độ nuôi được tính theo diện tích đáy lồng. Ðối với tôm giống có kích cỡ mỗi con từ 100g trở lên có thể thả nuôi từ 8 -10 con/m2.

Mỗi lồng nuôi có mật độ từ 50 đến 150 con tôm giống. Nguồn thức ăn cho tôm hùm ở huyện đảo Lý Sơn khá dồi dào như sò, cá tạp, cua, ghẹ, cầu gai. Mỗi ngày cho tôm hùm ăn hai lần, vào buổi sáng sớm và chiều tối, chủ yếu cho ăn tươi.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong nghề nuôi tôm hùm là tìm con giống. Khi đưa giống tôm về thả nuôi phải bảo đảm khỏe mạnh, không bị bệnh. Mặt khác, mỗi khi có gió bão, phải di dời lồng vào bờ, gặp môi trường nước thay đổi con tôm dễ mắc bệnh, chậm lớn.

Có khi vùng ven biển bị ô nhiễm đã làm tôm chết đột ngột, người nuôi trắng tay. Người nuôi tôm hùm khá vất vả, phải thường xuyên lặn kiểm tra lồng, tình trạng tôm phát triển và lượng thức ăn thừa hay thiếu để xử lý kịp thời. Ðịnh kỳ 10 đến 15 ngày, vệ sinh lồng nuôi một lần bảo đảm môi trường sạch sẽ thông thoáng để tôm hùm nhanh lớn.

Sau 12 đến 15 tháng nuôi, các chủ lồng bè có thể xuất bán tôm hùm với trọng lượng từ 1kg đến gần 1,5kg. Theo giá thị trường hiện nay, thương lái từ đất liền ra đảo mua mỗi kg tôm hùm với giá hai triệu đồng. “Những ngày qua, tôi lần lượt xuất bán tôm hùm, con nào cũng nặng hơn một kg, doanh thu hơn tỷ đồng. Nếu giá cả ổn định thì trong vụ nuôi này, gia đình tôi chẳng những thu hồi vốn đầu tư mà còn lãi tiền tỷ” - Ngư dân nuôi tôm hùm trên đảo Lý Sơn Phan Thanh Hùng hồ hởi nói.

Cùng với việc nuôi con tôm hùm xuất khẩu, hiện nay một số ngư dân trên đảo Lý Sơn đang thí điểm nuôi tôm giống trong môi trường biển tự nhiên. Nếu thành công sẽ giải quyết khó khăn trong con giống, góp phần phát triển nhanh nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu.

Trao đổi với PV NDĐT, sáng 4-5, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: Nuôi tôm hùm xuất khẩu quả thật đầu tư lớn, nhưng đây là mô hình mới đối với ngư dân trên đảo. Hiện nay đã có sáu hộ dân đầu tư hơn 100 lồng bè nuôi tôm hùm với mức thu nhập ổn định, và có hộ đã đạt doanh thu tiền tỷ.

“Năm 2014, chúng tôi tiến hành quy hoạch vùng biển quanh đảo, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích mở rộng mô hình nuôi tôm hùm xuất khẩu vừa nâng cao thu nhập hộ gia đình vừa góp phần thúc đẩy kinh tế biển địa phương phát triển nhanh chóng” - bà Hương khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

Các Loại Dịch Bệnh Nguy Hiểm Trong Lĩnh Vực Thủy Sản Được Hỗ Trợ Các Loại Dịch Bệnh Nguy Hiểm Trong Lĩnh Vực Thủy Sản Được Hỗ Trợ

Thẩm quyền công bố dịch bệnh thủy sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y. Trong trường hợp không công bố dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận về loại dịch bệnh thủy sản xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ.

29/07/2014
Dự Án Sản Xuất Cây Giống Lâm Nghiệp Công Nghệ Cao Tại Quảng Ngãi Có Nhiều Triển Vọng Dự Án Sản Xuất Cây Giống Lâm Nghiệp Công Nghệ Cao Tại Quảng Ngãi Có Nhiều Triển Vọng

Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ sau khi tham quan Cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp của doanh nghiệp tư nhân Tài Nguyên và nghe doanh nghiệp này báo cáo về Dự án đầu tư cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa vào ngày 5.8.

07/08/2014
Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình) Được Mùa Tôm Nỗi Lo Còn Đó Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình) Được Mùa Tôm Nỗi Lo Còn Đó

Mặc dù, năm nay, trên các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã thu hoạch được 70% tổng sản lượng, tôm sú đang thu hoạch, năng suất đạt khá cao song người dân nơi đây vẫn thấp thỏm lo âu và chưa mạnh dạn đầu tư ở vụ tới do đang là cao điểm của mùa mưa, bão.

29/07/2014
Giá Ca Cao Ổn Định Hơn Trái Cây Giá Ca Cao Ổn Định Hơn Trái Cây

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt tại hội thảo “Bài học kinh nghiệm tại Bến Tre và các giải pháp phát triển ca cao bền vững cho khu vực ĐBSCL” vừa tổ chức tại tỉnh Bến Tre…

07/08/2014
Hàng Ngàn Hécta Mía Bị Bệnh Trắng Lá Hàng Ngàn Hécta Mía Bị Bệnh Trắng Lá

Theo ông Trần Tự, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), toàn thị xã hiện có khoảng 1.700ha mía bị bệnh trắng lá, tăng mạnh so với năm ngoái, tỷ lệ phổ biến 5% - 10%, có nơi trên 50% và đang lan rộng.

07/08/2014