Giữa Vòng Vây Cúm Gia Cầm

Ông Phạm Hồng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình trong chuyến đi kiểm tra công tác kiểm soát gia cầm vào ra địa bàn tỉnh ở chốt nam Quảng Bình (xã Sơn Thủy, nơi tiếp giáp với địa bàn tỉnh Quảng Trị) đã phải thốt lên: “Đúng là sống giữa “vòng vây” dịch CGC, chúng tôi vừa chống dịch vừa hồi hộp lo...”.
Huyện Lệ Thủy (có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh và hiện là địa phương nằm liền kề với tỉnh Quảng Trị) như đang căng người ra để đối phó với dịch. Đi dọc các xã vùng giữa của huyện, chúng tôi bắt gặp cán bộ thú y huyện, xã về phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại cho bà con. Tìm đến hộ anh Nguyễn Văn Linh (thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy), anh Linh cho hay: “Cả nhà tui sống chủ yếu nhờ vào chăn nuôi vịt đàn, làm ruộng. Đàn vịt của tôi hiện có khoảng 1.000 con. Mấy hôm nay xem ti vi thấy nhiều tỉnh trong cả nước có dịch cúm gia cầm bùng phát, mặc dù đàn vịt thường xuyên được tiêm phòng nhưng cũng thấy lo. Cơm, áo, gạo tiền cả gia đình chủ yếu trông nhờ vào đàn vịt này, không chú trọng chăm sóc sao được”.
Rời trang trại anh Linh, chúng tôi tiếp tục đến với trang trại chị Nguyễn Thị Ngọc Bé. Qua tìm hiểu, được biết chị Bé hiện nuôi khoảng 30.000 gà, vịt. Nhờ mạnh dạn đầu tư 6 lò ấp trứng khá hiện đại, nên gia đình chị gần như chủ động sản xuất được giống gà, vịt an toàn ngay tại chỗ. Công tác vệ sinh thú y luôn được chị Bé đặt lên hàng đầu. Bằng chứng là gia đình thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng cho gia súc, gia cầm; tiến hành vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày; người ngoài muốn vào khu vực chăn nuôi cần phải thực hiện tẩy trùng…
Ông Nguyễn Ngọc Thụ - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh: “Chúng tôi đã kiện toàn BCĐ phòng chống dịch CGC cấp xã và xem đây là vấn đề hàng đầu. Huyện đã có chủ trương khen thưởng 10 triệu đồng cho địa phương nào làm tốt công tác tiêm phòng và kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, chúng tôi đã trích từ ngân sách hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ thêm cho cán bộ thú y cơ sở trong việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và thực hiện phun tiêu độc khử trùng”.
Cánh đồng Bình Giắt (xã An Ninh - huyện Quảng Ninh) rộng ngút mắt. Lúa bén đất lên xanh mượt. Đây là điểm nhấn của chăn vịt, ngan... của huyện lúa Quảng Ninh. Ông Võ Văn Thoa - Phó chủ nhiệm HTX Thống Nhát (xã An Ninh) cùng chúng tôi ra đồng đến các trại vịt. Ông vừa đi vừa xởi lởi: “Ở HTX chúng tôi có 6 hộ chăn nuôi vịt đàn. Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ còn vịt đẻ trứng thôi. Tuần trước, HTX đã đưa thuốc phun tiêu độc khử trùng cho bà con tự làm”. Bên bờ mương nội đồng, trang trại anh Trương Văn Phong rộn trong tiếng vịt kêu. Anh Phong đang đứng trên tấm chồ bắc ra mương nước cho vịt ăn. Thấy chúng tôi đến thì dừng tay bước lên: “Mấy bác bên thú y trên huyện về à. Có thuốc tiêm phòng hay khử trùng gì mới thì hỗ trợ cho bà con với. Nghe đài báo dịch lây lan ở Hà Tĩnh, Quảng Trị mà lo quá”. Nỗi lo của anh Phong cũng đúng, đàn vịt đẻ gần 300 con của gia đình đã có khoảng 250 con đẻ trứng. Mỗi ngày cho gần 250 quả, nhập bán sỉ cho lái buôn cũng được 750 ngàn đồng, trừ chi phí thức ăn cũng thu về được trên 500 ngàn đồng mỗi ngày. Chính vì vậy mà khi nghe dịch là gia đình đã đi mời cán bộ thú y về tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh. “Mình chăn nuôi gia cầm thì việc phòng trừ dịch bệnh cũng phải tính toán cả trong hạch toán chứ. Bị dịch một cái là sập vốn ngay” - anh Phong nói rành rẽ.
Ông Phạm Hồng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình cho hay: “Tại thời điểm này chúng tôi đang ráo riết chỉ đạo các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm như: tăng cường bố trí cán bộ chuyên môn túc trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt, địa phương để theo dõi, kiểm soát các hoạt động vận chuyển động vật vào, ra ở địa bàn mình quản lý; theo dõi chặt chẽ sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm, nhằm sớm phát hiện dịch bệnh xảy ra, kịp thời có biện pháp xử lý, ngăn chặn, khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động giết mổ động vật; đẩy mạnh vệ sinh tiêu độc khử trùng; tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao”.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn về con tôm công nghiệp thì huyện Phú Tân lại có nhiều chuyển biến tích cực cả về diện tích lẫn năng suất, hiệu quả mô hình này.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, việc lựa chọn cây con giống thích ứng với từng vùng đất là hết sức quan trọng, áp dụng các biện pháp nuôi trồng thích hợp là yếu tố quyết định giúp nhà nông thành công. Thực tế cho thấy các mô hình nuôi trồng kiểu sinh học, sinh thái, tự nhiên hay nuôi xen, trồng xen đều cho hiệu quả kinh tế khá bền vững.

Nhiều năm nay, ông Bùi Vĩnh Hiệp, xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Nhứt (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã sử dụng phân vi sinh trong việc bón lót cho ruộng lúa của mình. Nhờ đó, năng suất lúa tăng lên 1 tấn/ha, tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 50% so với trước.

Với mong muốn nông dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần với ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất việc hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015...

Phấn đấu đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 7.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, cấp chứng nhận mới cho 800 ha và tái cấp chứng nhận khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân đều chưa thấy được lợi ích mà VietGAP mang lại. Do đó, sự tích cực tham gia chương trình VietGAP của không ít bà con đã giảm hơn trước...