Giữ Thương Hiệu Quế Văn Yên (Yên Bái)
Văn Yên (Yên Bái) có cây quế được trồng từ Xuân Tầm, Nà Hẩu tới Xuân Ái, Yên Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn… với diện tích trên 22.000ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 4.500 - 5.000 tấn quế vỏ khô, doanh thu 150 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, quế ở đây có hàm lượng tinh dầu cao thuộc loại tốt nhất khu vực phía Bắc.
Đến nay cũng chưa có một thống kê chính xác là bao nhiêu gia đình trồng quế nhưng nhiều hộ trồng từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước và có thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm không phải hiếm. Những năm 80 của thế kỷ XX, cây quế rất có giá, không chỉ phục vụ chế biến làm tinh dầu, hương liệu mà còn phục vụ sản xuất dược phẩm, thực phẩm.
Cây quế "lên ngôi" cùng với việc khảo sát cho thấy, khí hậu, thổ nhưỡng của Văn Yên phù hợp với phát triển cây đặc sản này. Huyện xây dựng đề án phát triển quế tại các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Ái… được nhân dân hưởng ứng.
Diện tích quế lớn dần theo năm tháng và đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho nông dân. Đã thành phong trào, bình quân mỗi năm, nhân dân trong huyện trồng mới trên 1.000ha, vừa cho thu nhập lại phủ xanh đất, chống xói mòn, có tác dụng phòng hộ đầu nguồn.
Nhờ giống tốt, quế chất lượng cao, mỗi khi đến vụ thu hoạch, các tư thương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lại tìm về Văn Yên thu mua quế vỏ. Quế Văn Yên đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Anh… Nguồn thu từ quế mỗi năm đem về cho huyện trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động lúc nông nhàn.
Để phát triển bền vững cây quế và giữ vững chất lượng, Văn Yên đã xây dựng Dự án bảo tồn nguồn gen cây quế đồng thời xây dựng, quản lý và bảo vệ thương hiệu quế Văn Yên đã được bảo hộ về tên gọi, xuất xứ và chỉ dẫn địa lý.
Mặc dù sản lượng khai thác hàng năm đạt hàng ngàn tấn nhưng thị trường tiêu thụ quế vẫn khá tốt. Tại thời điểm này, thị trường tiêu thụ quế vỏ khô trong và ngoài nước đang chững lại nhưng quế vẫn được giá cao, bình quân 37.000 đồng/kg, loại cao nhất 110.000 - 120.000 đồng/kg.
Trồng quế không chỉ thu vỏ mà thân gỗ cũng có giá trị, dùng làm nhà, làm gỗ nguyên liệu giấy, làm tăm, giá bán trên 1 triệu đồng/m3 và cành, ngọn, lá nấu tinh dầu cũng rất giá trị. Chất lượng tốt, quế Văn Yên đã và đang có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quế hiện vẫn chủ yếu do người dân địa phương và các tư thương tự thu mua, chế biến, tiêu thụ. Có câu chuyện, một đoàn thương gia nước ngoài đến tìm hiểu chất lượng quế Văn Yên. Sau khi đi khảo sát các vùng nguyên liệu, kiểm tra quế vỏ, họ rất ưng. Sau khi đi thực tế, đoàn muốn kiểm tra chất lượng quế bột. Các hộ kinh doanh mang quế bột hòa với nước cho thấy, hàm lượng tinh dầu, hương vị không có gì phải chê nhưng lại thấy có váng sắt.
Tìm hiểu nguyên nhân, váng sắt là do bà con không có máy chuyên dụng mà sử dụng máy nghiền bột trẻ em. Hiện nay, chất lượng quế vỏ của Văn Yên tốt nên giá thường cao hơn quế ở các địa phương khác. Do đó, một số hộ dân, tư thương mua quế ở nơi khác về trộn lẫn với quế Văn Yên để bán kiếm lời dẫn đến quế Văn Yên đang có nguy cơ bị đánh mất thương hiệu.
Thiết nghĩ, mỗi hộ nông dân, các tư thương không nên vì cái lợi trước mắt mà đánh mất niềm tin, đánh mất thương hiệu quế Văn Yên. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cũng cần vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân lên án, đấu tranh, phê phán những việc làm sai trái đó và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trục lợi từ thương hiệu này.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi ngành chăn nuôi lao đao vì giá cả bấp bênh, vì dịch bệnh thì riêng chăn nuôi bò lai nông dân ít gặp rủi ro, giá cả luôn ổn định, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhà nông hiện nay.
Ông Lê Văn Dũng, SN 1955, hiện ở ấp Long An B, xã Phú Thọ là người tiên phong của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nuôi cá thác lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao thành công.
Trước tình hình giá mía bấp bênh như hiện nay, việc chuyển đổi một phần diện tích mía nằm ngoài vùng đê bao và vùng trũng sang trồng bưởi Năm Roi và chanh không hạt sẽ là hướng đi mới cho người trồng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang). Theo đó, vùng nguyên liệu dự kiến bước đầu sẽ được triển khai thí điểm khoảng 50ha bưởi Năm Roi và chanh không hạt.
Ở xã Trà Giác (Bắc Trà My), nhắc đến Chủ tịch Hội Nông dân xã A Lăng Má, nhân dân địa phương coi anh như “chiếc phao” giúp đồng bào thoát nghèo.
Từ năm 2007 đến nay vợ chồng anh Sáu Phù Sa ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn liên tục trồng 10 sào sen ở đầm Mông Lãnh. Từ lúc chuyên canh sen, cuộc sống của gia đình anh không còn khó khăn như trước. Anh Sáu cho biết, những năm qua nhờ nguồn nước không bị nhiễm bẩn, củ giống chất lượng cao nên lứa sen nào cũng bội thu.