Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Chạch Lấu

Nuôi Cá Chạch Lấu
Ngày đăng: 21/10/2011

Lâu nay, cá chạch lấu chỉ được người dân đánh bắt ở môi trường thiên nhiên chẳng nghĩ đến chuyện nuôi làm giàu. Thế nhưng một số ngư dân ở đầu nguồn huyện An Phú (An Giang) đã thành công từ mô hình nuôi cá chạch lấu xen cá chình đem lại giá trị kinh tế cao.

Nằm cặp sông Bình Di, thuộc ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình (An Phú), hai cái bè của chú Lê Văn Kỵ rộng 25 m2/cái thả nuôi hơn 2.000 con cá chạch lấu xen lẫn với 4.000 con cá chình. Đang cho cá ăn, chú kéo máng mồi lên cho chúng tôi xem những con cá chạch giãy đành đạch, với trọng lượng khoảng 2 con/kg. Chú cho biết, nguồn cá này rất quý hiếm, vào khoảng tháng 5 mới có cá giống từ thượng nguồn đổ về, vì vậy phải đặt mua từ các thương lái đầu mối bên nước bạn Campuchia và những người chài được trên sông Hậu.

Trung bình mỗi ký cá giống khoảng 10 con, với giá 45.000 đồng/kg, loại cá này thích hợp ở môi trường nước chảy, mật độ thả thưa thì cá mới mau lớn. Cách nuôi cũng đơn giản, trước tiên cần đóng cái bè cho thật chắc. Trong quá trình nuôi phải cho vào bè ít chà để cá trú ẩn. Thức ăn cũng dễ tìm, chủ yếu là cá đồng hay cá biển tạp; nhưng cá chạch ưa nhất là cua, ốc, tép, cá linh xay nhuyễn hoặc băm ra từng lát… Tuy nhiên để nuôi cá đạt trọng lượng 1 kg/con phải mất thời gian khoảng 1 năm, bù lại giá cá trên thị trường rất cao từ 150.000-160.000 đồng/kg, người nuôi sẽ lời to. Bè cá của chú Kỵ năm vừa rồi thả nuôi thả gần 1.000 con cá, cuối năm kêu lái bán thu lời trên 60 triệu đồng.

Nhớ lại những năm đầu, sau nhiều lần thua lỗ vì đeo đuổi nghề nuôi cá tra, cá ba sa, khiến chú Lê Văn Kỵ phải lâm vào cảnh khốn đốn. Không còn tiền để mua cá tra giống thả tiếp tục, chú tính tháo bè lên bờ làm thuê làm mướn. Nhưng trong một lần đi xuống nhà người thân ở xã Nhơn Hội, thấy dân bên Campuchia đem cá chạch lấu nhỏ xuống bán lẻ tại chợ. Thấy thế chú mua hơn 100 kg về thả bè nuôi thử xen với cá bống tượng và cá chình. Không ngờ đến khi thu hoạch bán cá bống, cá chình thì thấy cá chạch lấu lớn vượt trội và bán được 130.000 đồng/kg. Lần ấy vừa cá chạch lấu vừa cá chình, cá bống tượng, chú kiếm lời trên 100 triệu đồng. Từ đó chú chuyển sang nuôi cá chạch lấu và cá chình.

Chạch lấu phân bố nhiều nơi từ Bắc, Trung, Nam, ưa sống ở các khe đá, ăn động vật là chính gồm các loại giun, ấu trùng côn trùng và côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá con, mùn bã hữu cơ.

Sau 1 năm tuổi cá sinh sản, trứng nhỏ có màu vàng, cá có chiều dài 40cm có sức sinh sản tuyệt đối dao động 4.500-7.500 trứng. Nơi cá đẻ là hang hốc, khe đá ven bờ. Trong quá trình ương nuôi, cá chạch lấu sử dụng thức ăn tươi sống, đặc biệt là trùng sẽ cho tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn so với các loại thức ăn khác.

Cách sau bè của chú Kỵ chừng chục mét, bè của anh Nguyễn Văn Gớt cũng thả hơn 1.000 con cá chạch lấu đạt trọng lượng khoảng 700 gram/con. Anh cho hay, năm 2007, thấy chú Kỵ nuôi đầu tiên mà hiệu quả nên anh đầu tư mua giống thả. Hiện nay thị trường khan hiếm, cá rất dễ bán, nhiều thương lái đến dạm hỏi mua với giá 160.000 đồng/kg mà anh chưa chịu bán, để đợi cá lớn thêm. Loại cá này lớn nhanh nhất là vào những tháng nước đổ, ít hao hụt nên nuôi khỏe hơn các loại cá khác.

Ông Cao Hữu Phước, Chủ tịch Hội nông dân huyện An Phú cho biết: Ven sông Bình Di, thị trấn Long Bình trước kia có hàng chục hộ nuôi cá tra, basa bè nhưng do lỗ lã chuyển sang nuôi cá chạch lấu, cá chình, cá bống tượng, cá lăng nha. Nhờ vậy mới cung ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các nhà hàng khách sạn. Bây giờ họ cần có những loại cá lạ như thế để giới thiệu và quảng bá món ăn đặc sản của sông nước đầu nguồn An Phú.

Thạc sĩ Vương Học Vinh, Bộ môn thủy sản thuộc Khoa Nông nghiệp- Đại học An Giang cho biết, năm 2007, bộ môn đã ương thành công giống cá chạch lấu và được UBND tỉnh An Giang cấp kinh phí nghiên cứu đề tài khoa học “sản xuất giống nhân tạo cá chạch lấu”. Cá chạch lấu có tên Mastacembelus Armatus. Thân có màu xanh đậm hoặc đen xám và nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục khắp thân, vây lưng và vây hậu môn; vây ngực có một đốm đen nhỏ, không có vây bụng. Đây là loài cá có kích thước lớn, dài đến 90cm và có thể nặng đến 1kg, có giá trị kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

Ngành chè Việt Nam nói không với thuốc bảo vệ thực vật Fipronil Ngành chè Việt Nam nói không với thuốc bảo vệ thực vật Fipronil

Tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và có hiệu quả, từ đó giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây chè, đặc biệt dừng sử dụng Fipronil - hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm độc 2, không được đăng ký sử dụng trên cây chè tại Việt Nam.

01/08/2015
Xuất khẩu nông, thủy sản bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua Xuất khẩu nông, thủy sản bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua

Trong hơn 10 năm trở lại đây, các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong xuất khẩu, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

01/08/2015
7 tháng xuất khẩu thủy sản giảm 17% 7 tháng xuất khẩu thủy sản giảm 17%

Tiếp tục đà sụt giảm từ đầu năm đến nay, tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.

01/08/2015
Khôi phục, lai tạo nhiều giống lúa chịu phèn, chịu mặn Khôi phục, lai tạo nhiều giống lúa chịu phèn, chịu mặn

Viện Nghiên cứu và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐH Cần Thơ) đã nghiên cứu lai tạo và khôi phục nhiều giống lúa chịu mặn, chịu phèn giỏi.

01/08/2015
Nét mới trong sản xuất vụ mùa 2015 Nét mới trong sản xuất vụ mùa 2015

Nhanh tay cấy nốt diện tích lúa của gia đình, chị Nguyễn Thị Minh, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) cho biết: Ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, gia đình tôi tiến hành làm đất, vì vậy có thể cấy lúa mùa sớm nhằm tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông ưa ấm. Cũng như gia đình chị Minh, đến thời điểm này, gia đình anh Vũ Văn Hải, xã Hải Tây (Hải Hậu) cũng đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa.

01/08/2015