Giữ Gìn Và Nâng Tầm Thương Hiệu Quýt Bắc Kạn
Với diện tích lớn nhất tỉnh, cây quýt ở Bạch Thông (Bắc Kạn) đã mang lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho loại quả đặc sản này là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương và người dân.
Ngoài việc hỗ trợ nông dân đưa giống quýt ghép vào canh tác, công tác quảng bá, giới thiệu quả đặc sản của địa phương cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho cây quýt Bắc Kạn. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam triển khai dự án Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Bắc Kạn.
Qua nghiên cứu cho thấy, quýt Bắc Kạn có vỏ quả màu vàng tươi, ít hạt, sơ bã tan, đặc biệt có mùi thơm hấp dẫn khác biệt so với các loại quýt khác. Giống quýt này đã từng được đem trồng thử ở nhiều nơi, nhưng không đâu có chất lượng bằng trồng ở Bắc Kạn. Đến ngày 23/11/2012, Chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm quýt Bắc Kạn chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp.
Trước đây việc tiêu thụ quýt của người nông dân chủ yếu là tự vận chuyển đi bán tại các chợ trong tỉnh, nhưng từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, quýt Bắc Kạn đã được khách thập phương biết đến. Hiện nay việc tiêu thụ quýt của người dân rất thuận lợi.
Vào đầu vụ, các thương lái từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng... lên tận Bắc Kạn thu mua quýt. Khoảng 80% lượng quýt của người dân được những lái buôn vào mua tận vườn, số còn lại bà con mang ra các chợ để bán lẻ.
Quả quýt được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là cơ hội lớn cho đồng bào các dân tộc Bắc Kạn nói chung và huyện Bạch Thông nói riêng trong việc phát triển cây trồng đặc sản của địa phương. Do đó đã đặt ra thách thức đối với chính quyền huyện Bạch Thông trong việc bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt Bắc Kạn.
Với tổng diện tích lớn nhất tỉnh, từ đây quả quýt ở Bạch Thông sẽ được phân phối đi các thị trường trong nước, tạo đầu ra ổn định, bền vững, giúp nhân dân làm giàu. Vì vậy, huyện đã tập trung quy hoạch thành vùng; áp dụng các biện pháp khoa học để đẩy mạnh thâm canh, chọn giống, giải pháp canh tác, mật độ... để các loại cây trồng phát triển tốt, lâu dài, thành hàng hoá có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn nghề trồng cam, quýt cho nhân dân trong vùng từ phương pháp trồng, quản lý sâu bệnh, bảo quản sau thu hoạch để giữ cho quả đẹp và ngon.
Những năm qua, mặc dù diện tích trồng mới cam quýt của huyện Bạch Thông tăng nhanh theo từng năm nhưng diện tích bị sâu bệnh, diện tích già cỗi phải chặt bỏ cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng chưa ổn định ảnh hưởng đến việc xây dựng vùng hàng hoá tập trung có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Trong- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Việc người dân sử dụng phân bón hóa học cho cây cam, quýt một thời gian dài đã khiến đất đai bị chai cứng, bạc màu, dẫn đến sâu bệnh ngày càng phát triển mạnh.
Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 50ha cây cam, quý già cỗi, thoái hóa, chất lượng và mẫu mã quả không đạt yêu cầu. Vì vậy, huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo người trồng quýt nên ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, những chế phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để chăm bón cho cây, giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng quả.
Huyện cũng đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của tỉnh triển khai kỹ thuật tuyển chọn cây quýt đầu dòng để phục vụ nhân giống quýt bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhanh nhu cầu sản xuất, góp phần nhân rộng mô hình trồng quýt. Đồng thời, huyện huy động nhiều nguồn lực để nâng cao giá trị của quýt.
Trước mắt, huyện triển khai bê tông hóa đường vào các khu canh tác quýt, giúp nông dân vận chuyển hoa quả được dễ dàng. Đơn cử, khu sản xuất Boóc Khún, Nà Thoi của xã Quang Thuận giờ đã có đường bê tông vào tận vườn, quýt sẽ không bị ép giá như trước đây, người dân không bị thua thiệt.
Được biết, hiện nay tỉnh đã triển khai dự án trồng cây cam, quýt theo quy trình VietGap và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nhân dân các xã nằm trong vùng quy hoạch của huyện Bạch Thông. Đây là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao trình độ thâm canh, góp phần gìn giữ và nâng tầm thương hiệu quýt Bắc Kạn.
Có thể bạn quan tâm
Ý tưởng nhiều vô kể, cái thành công cũng nhiều và không ít cái thất bại nhưng đến 80 tuổi ông vẫn là con người của hành động. Ông là cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.
Được sự hỗ trợ vốn và tập huấn khoa học – kỹ thuật từ Ban Quản lý Dự án Chương trình phát triển huyện Long Phú (Sóc Trăng) do tổ chức Actionaid (AAV) tài trợ, có 15 thành viên là nữ chủ hộ ở Tổ hợp tác chăn nuôi heo "Mai Vàng", xã Tân Thạnh có điều kiện làm túi ủ biogas để xử lý các chất thải trong chăn nuôi, biến chúng thành khí gas phục vụ đun nấu cho gia đình.
Vụ lúa Đông Xuân sớm, nông dân phấn khởi vì trúng mùa được giá. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao ngày, đến thời điểm này ở Vĩnh Long, khi những cánh đồng lúa phía Bắc QL1 như TX Bình Minh, Bình Tân và một phần của huyện Tam Bình đang vào vụ chín rộ thì giá lúa rớt từng ngày. Nông dân kêu trời, còn nhiều thương lái mua lúa đã bỏ cả tiền đặt cọc và… “biến mất dạng”.
Siêu bão số 10 đã gây ra thiệt hại lớn cho cây cao su ở khu vực Bắc Trung bộ, trong đó, Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhưng với bản tính cần cù chịu khó của người miền Trung, những vườn cao su tan hoang sau bão giờ vẫn sẽ được thay thế bằng những vườn cao su mới.
Hiện nay giá kén rất ổn định trên 140.000 đồng/kg, nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khá. Các hộ nuôi tằm ở Hoài Ân kiến nghị các cơ quan chuyên môn giúp bà con biện pháp bảo vệ tốt cây dâu để tiếp tục phát triển nghề nuôi tằm.