Giống mía lai VN 09-108

* Chín sớm, chữ đường cao, chịu hạn
Viện Nghiên cứu Mía đường (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu, chọn tạo thành công giống mía lai VN 09-108 có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với sinh thái vùng đất đồi khô hạn Nam Trung bộ.
Giống đã được công nhận cho SX thử theo Quyết định số 3172/QĐ-BNN-TT ngày 10/8/2015 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
Đây cũng là giống mía lai Việt Nam đầu tiên đạt được kỷ lục được công nhận chỉ sau khi lai tạo có 6 năm, rút ngắn gần 1/2 thời gian so với thông thường (từ 10 - 12 năm).
VN 09-108 là con lai ưu tú của tổ hợp lai KU60-2 x ROC26, được Trung tâm Nghiên cứu & phát triển mía đường nay là Viện Nghiên cứu Mía đường thực hiện năm 2009 tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.
Sau đó được sơ tuyển, chọn dòng tại huyện Bến Cát, Bình Dương (giống đối chứng VN 84-4137), rồi đưa đi khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm SX tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Định, cũng như xây dựng trình diễn giống tại Khánh Hòa.
VN 09-108 có hình thái đẹp, thân cây trung bình, dáng bụi hơi xòe. Lóng hình chùy xuôi, nối zigzag. Thân có màu xanh ẩn vàng, dãi nắng màu xanh, có nhiều sáp che phủ, không bị xốp và bấc ruột.
Vết nứt sinh trưởng ít và nhỏ. Mắt mầm to, hình hến, đỉnh mầm có chùm lông khá dài. Cánh mầm hẹp. Bẹ lá màu phớt tím, có sáp phủ nhiều, lông trung bình. Có hai tai lá, một ngắn hình tam giác, một dài hình mác. Lá thìa dài trung bình, cong đều.
VN 09-108 có khả năng mọc mầm trung bình khá, mọc mầm nhanh, tập trung, cây mầm khỏe. Sức tái sinh tốt, mía gốc không bị mất khoảng, tái sinh độ đồng đều cao. Sức đẻ nhánh đạt mức trung bình khá.
Bắt đầu làm lóng sớm, vươn lóng nhanh, khá cao. Không bị đổ ngã hoặc chỉ đổ ngã ở mức độ nhẹ. Chống chịu tốt với sâu đục ngọn, sâu đục thân, chưa thấy bị nhiễm rệp xơ bông trắng ở trên lá và rệp sáp ở thân cây.
Không bị nhiễm bệnh than, bệnh thối ngọn và bệnh đốm lá. Không bị nhiễm bệnh trắng lá hoặc bị ở mức độ rất nhẹ.
Chịu hạn tốt, mật độ cây hữu hiệu cao, khối lượng cây khá cao. Trỗ cờ ít, thời gian bắt đầu trỗ cờ muộn từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau nên ít bị ảnh hưởng. Chịu thâm canh khá cao.
Giống mía VN 09-108 được trồng tốt nhất vào vụ đầu mưa (từ tháng 3 đến tháng 6) để hạn chế mía trổ cờ.
Cần chăm sóc làm cỏ sớm vì khả năng giao tán không cao do lá nhỏ và đứng. Nên thu hoạch khi mía đủ độ chín (từ 10 - 11 tháng tuổi) để có năng suất cao và chất lượng tốt.
Kết quả khảo nghiệm trong điều kiện khô hạn tại Khánh Hòa và Bình Định cho thấy VN 09-108 cho năng suất và chữ đường vượt trội so với giống đối chứng và các giống mía thí nghiệm khác.
Năng suất mía thực thu trung bình đạt trên 80 tấn/ha, chữ đường trung bình đạt từ 11,5 - 13 CCS, năng suất mía quy 10 CCS đạt được trên 95 tấn/ha, vượt giống đối chứng (giống My 55-14) từ 14 - 31%.
Kết quả mô hình trình diễn giống VN 09-108 tại Khánh Hòa cũng cho năng suất và chất lượng khá cao, đạt trung bình 86,88 tấn/ha và trên 12 CCS, năng suất quy 10 CCS đạt 105,47 tấn/ha.
Đặc biệt, đây là giống mía tích lũy đường khá sớm, có thể đạt 9 CCS ngay từ lúc cây mới 8 - 9 tháng tuổi và thời gian giữ đường kéo dài nên có thể xếp vào nhóm giống chín sớm đến trung bình sớm và rất thích hợp cho chế biến đầu vụ ép.
Đây là giống mía chín sớm - trung bình sớm, cho năng suất cao, chữ đường vượt trội, thích ứng với vùng đất gò đồi khô hạn Nam Trung bộ, cũng như các vùng khác có điều kiện tương tự.
Viện Nghiên cứu Mía đường khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích trồng VN 09-108 để góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả SX và ổn định nguyên liệu cho các nhà máy đường.
Đặc biệt, đây là giống có thể giúp cho các nhà máy đường vào vụ chế biến sớm hơn 1 - 1,5 tháng, giúp kéo dài thời gian chế biến và nâng cao hiệu quả chế biến đường.
Có thể bạn quan tâm

Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.

Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...

Khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giá bán các loại trái cây chủ lực tại vườn đồng loạt giảm, bình quân giảm từ 2.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, tùy theo từng loại trái. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn.

Trong những năm qua, việc áp dụng các giống mới vào sản xuất đã giúp cho năng suất lúa của nông dân không ngừng tăng cao. Nhưng hiện nay, ở một xã trên địa bàn, không ít hộ vẫn sử dụng lúa thương phẩm để làm giống. Cách làm này không chỉ khiến cho năng suất lúa thấp mà cây lúa dễ bị nhiễm bệnh, chi phí đầu tư cao...

Trong những năm qua, đời sống của người dân ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) không ngừng cải thiện, nâng cao. Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,2% trên tổng số 1.021 hộ dân. Có được kết quả đó là do thị trấn đã thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao, điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn.