Giống Lúa Kháng Rầy Mang Lại Hiệu Quả Cao
Cả hai giống lúa P376 và PC10 đều có chung đặc điểm kháng rầy tốt, chất lượng gạo ngon, sản lượng đạt từ 2,2 - 2,8 tạ/sào, cao hơn so với giống lúa cùng loại.
Vụ mùa năm nay, 195 hộ nông dân ở xã An Đức (Ninh Giang - Hải Dương) cấy 15 ha giống lúa kháng rầy PC10
Rầy nâu thường xuyên phát sinh, gây hại trên các trà lúa. Trước thực tế đó, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm Hải Dương đã chọn tạo các giống kháng rầy để giảm thiệt hại năng suất, tiết kiệm chi phí phòng trừ. Đến nay, đã có 2 huyện gieo cấy các giống lúa kháng rầy là Nam Sách và Ninh Giang.
Xã Nam Trung (Nam Sách) có 214,5 ha cấy lúa, chủ yếu là các giống Q5, Khang dân, Bắc thơm số 7. Vụ chiêm xuân năm 2012, xã được Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đưa giống lúa P376 kháng rầy vào gieo cấy 20 ha. Có 380 hộ dân tham gia mô hình này. Giống lúa P376 có thời gian sinh trưởng 115 - 120 ngày trong vụ mùa, 105 ngày trong vụ chiêm xuân. Đây là giống có sức kháng rầy tốt, thân cây cứng, khỏe, bông to dài (28 - 30 cm), hạt thon dài, vàng hơi sẫm, khả năng đẻ nhánh trung bình (4 - 5 dảnh hữu hiệu/khóm).
Số hạt/bông của giống lúa này cao hơn P6 và Q5 (đạt 160 - 170 hạt/bông), tỷ lệ chắc hạt đạt 95%. Nông dân được hỗ trợ giống, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăm bón lúa. Ông Đặng Văn Tín, nông dân thôn Thượng Dương cho biết: “Vụ chiêm xuân vừa qua, gia đình tôi cấy hơn 2 sào lúa P376. Trong khi các giống khác như Khang dân, Bắc thơm số 7 bị nhiễm rầy mạnh thì giống P376 không phải phun thuốc trừ sâu từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch. Năng suất lúa đạt 2,8 tạ/sào (cao hơn 40 kg/sào so với các giống lúa thuần khác)”.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Trung cho biết, hiện nay, giá thóc P376 bán ngoài thị trường 6.000 đồng/kg, cao hơn giống Syn 61.000 đồng/kg, trừ chi phí nông dân thu lãi hơn 1 triệu đồng/sào. Giống P376 có thể cấy được cả hai vụ trong năm. Tuy nhiên, xã Nam Trung là vùng trồng vụ đông sớm nên vụ mùa cấy P376 không phù hợp. HTX có kế hoạch vụ chiêm xuân 2013 sẽ nhân rộng thêm 20 ha gieo cấy giống lúa này.
Giống lúa kháng rầy PC10 được HTX Tam Cường xã An Đức (Ninh Giang) gieo cấy từ vụ mùa năm 2010 với diện tích hơn 2 ha trên cánh đồng thôn Vân Cầu. Nông dân An Đức cũng được Viện Cây lương thực và cây thực phẩm hỗ trợ toàn bộ giống. Giống lúa PC10 có khả năng đẻ nhánh trung bình, tỷ lệ chắc hạt tương đối cao (đạt 90%), năng suất 50 - 60 tạ/ha, hạt vàng sẫm, gạo dài, trong, cơm mềm dẻo. Lá lúa có màu xanh ngả vàng nên không bị bạc lá. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng 105 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng cây vụ đông. Năng suất PC10 đạt 2,2 - 2,7 tạ/sào (tăng 0,4 - 0,7 tạ/sào so với Bắc thơm số 7).
Ông Đoàn Đình Úy, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Cường cho biết: "Vụ mùa năm nay, 195 hộ nông dân trong xã đã cấy 15 ha giống lúa PC10. Cuối tháng 9 này, lúa cho thu hoạch. Dự kiến vụ chiêm xuân năm 2013, HTX sẽ mở rộng thêm 5 - 10 ha giống lúa này. Gieo cấy PC10 không chỉ tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, mà còn bảo đảm năng suất, không bị nhiễm rầy”.
Theo ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, hai giống lúa thuần P376 và PC10 được chọn tạo có tính kháng rầy nâu và rầy nâu nhỏ cao, có khả năng nhân rộng. Tuy nhiên, 2 giống lúa này chất lượng chưa cao, giá bán còn thấp nên nông dân chưa mạnh dạn canh tác. Bên cạnh đó, giống P376 có thời gian sinh trưởng kéo dài, không phù hợp với các vùng trồng cây vụ đông sớm. Năm 2013, viện tiếp tục đưa các giống lúa này vào gieo cấy ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện là các huyện phía nam tỉnh thường xuyên bị nhiễm rầy. Để mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa kháng rầy, các ngành liên quan cần hỗ trợ kinh phí và có biện pháp tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng giống mới.
Có thể bạn quan tâm
Theo dự báo, mức giá này không dừng lại và sẽ tiếp tục tăng lên 30.000 đồng từ nay đến Tết Nguyên đán. Nguyên nhân được xác định là vào cuối vụ, bà con nhà vườn đang xử lý ra hoa đậu trái cho vụ mùa nghịch. Hiện nay, Hợp tác xã Thạnh Phước mỗi ngày chỉ cung ứng cho thị trường hơn 1 tấn trái.
Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh đã triển khai thực hiện mô hình trồng thâm canh cây keo tai tượng tại xã Quảng Đức (Hải Hà), xã Điền Xá (Tiên Yên) và xã Thuỷ An (Đông Triều) với diện tích 70ha. Sau 3 năm triển khai, đến nay cây keo phát triển tốt, dự kiến sau 5 năm sẽ cho sản lượng hơn 120 m3 gỗ/ha.
Vốn là giống quả lạ, ít được biết đến, quả Phật thủ đang dần trở thành một trong những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là trong mỗi dịp lễ, tết...
Hơn 10 năm xuất hiện trên đất Đông Sơn (xã Việt Đoàn, Tiên Du, Bắc Ninh), cây bưởi Diễn khẳng định được hiệu quả kinh tế cao và mở ra hướng làm giàu cho người dân nơi đây. Nếu giá bán trung bình từ 25 - 30 nghìn đồng/quả như mọi năm, thì năm nay nhiều hộ dân Đông Sơn sẽ có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng từ vườn bưởi Diễn.
Việc hến xuất hiện nhiều tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Bằng 2 hình thức khai thác, dùng rọ sắt cào hoặc lặn xúc, mỗi ngày có khoảng 50 người ở các xã lân cận đến xã An Cư để khai thác hến. Con hến to bằng đầu ngón tay út người lớn, trọng lượng từ 700 đến 1.000 con/kg, có giá từ 1.500 đến 1.800 đồng/kg để làm thức ăn cho vịt và tôm hùm.