Cát Hải (Bình Định) Thu Nhập Khá Từ Cây Hành

Hành là cây trồng chính ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát - Bình Định), được cơ cấu sản xuất 3 vụ/năm, gồm vụ Đông Xuân, vụ Hè và vụ Thu Đông, tổng diện tích hàng trăm hec ta. Ở vụ Hè này, toàn xã xuống giống hơn 81 ha hành, thu hoạch bán được giá cao, người trồng hành rất phấn khởi.
Ông Phạm Trường Quy, Chi hội trưởng nông dân thôn Tân Thanh, cho biết: Trong số 81 ha hành vụ Hè toàn xã thì thôn Tân Thanh chiếm đến 60 ha. Năm nay, hành vụ Hè thu hoạch lên được thương lái đến tận nơi mua với giá cao, nên bà con trồng hành đều có lãi.
Gia đình tui trồng 4,5 sào, thu hoạch hơn 1,3 tấn (năng suất bình quân 350 kg hành củ/sào), bán với giá 26.000 đồng/kg (tăng 8.000 đồng/kg so với vụ hành Đông Xuân vừa qua) thu về gần 35 triệu đồng, trừ chi phí còn thực lãi 20 triệu đồng. Nhìn chung bà con nông dân Cát Hải trồng hành vụ Hè đều vui vì bán được giá.
Do thời gian trồng hành lấy củ dài 40 - 50 ngày, nhiều nông dân đã rút ngắn thời gian sản xuất, quay vòng đất nhanh, trồng hành từ 20 ngày đến 1 tháng thì nhổ bán cả củ và lá, người dân địa phương gọi là bán hành lá, thu hoạch xong là trồng trở lại ngay. Điển hình như anh Trần Văn Minh, sản xuất 5 sào hành và làm theo phương pháp bán hành lá (năng suất bình quân 600 kg/sào), bán với giá 12.000 đồng/kg, anh thu được 36 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 16 triệu đồng/tháng.
Cát Hải hiện đang vào mùa thu hoạch hành vụ Hè, nên từ đầu tháng 6 đến nay, dọc theo tỉnh lộ 639 qua địa bàn xã Cát Hải có nhiều thương lái đến mua hành, vận chuyển bằng xe tải đưa đi tiêu thụ. Anh Nguyễn Hồng Phấn, chuyên mua hành ở Cát Hải rồi chở đi bán ở tỉnh Gia Lai, cho biết: Cứ mỗi buổi sáng tôi xuống đây mua khoảng 4 tấn hành củ, hành lá chở đi bán các chợ ở Gia Lai. Cây hành Cát Hải trồng trên đất cát pha, có vị đặc trưng nên khách hàng rất ưa chuộng.
Hiện nay, nông dân Cát Hải đang làm đất xuống giống vụ hành Thu Đông trên diện tích vừa thu hoạch, và chuyển một số diện tích đất lúa vụ Hè Thu sang trồng hành để giảm áp lực nguồn nước tưới; dự kiến diện tích lên đến cả trăm hec ta.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù bị mù bẩm sinh cả hai mắt nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ cùng sự khéo léo của đôi tay và tính cần mẫn, ông Phan Ly ở thôn An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong - Quảng Trị) đã vượt qua số phận, trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi.

Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.

Cũng như nhiều người khác, hành trình làm giàu của chị Triệu Thị Liên, người Dao đỏ, ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An - Cao Bằng) đã nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, khi đã gặt hái thành công, chị đúc kết lại: “Muốn làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó cần phải năng động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng và hoàn thành cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) với tổng diện tích 830ha.

Với 15ha đồi rừng, 1ha ao thả cá cộng với 2 dãy chuồng nuôi lợn được áp dụng theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng (VACR), gia đình chị Văn Thị Xuân ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình (Yên Bình - Yên Bái) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.