Giòn Thơm Cần Nước Thống Nhất
Ở Đồng Nai, chỉ có vùng đất Bàu Sậy giáp suối Ba, suối Lầy ở các xã Gia Kiệm, Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) mới trồng được rau cần nước nõn nà, ăn vừa giòn vừa thơm. Cần nước vùng này trở thành loại rau đặc sản được nhiều thương lái các tỉnh, thành phía Nam đặt mua.
Theo những lão nông trong vùng, cần nước bắt đầu trồng tại xã Gia Kiệm cách đây gần 60 năm. Ngày xưa, những người dân xứ Bắc vào Đồng Nai đã đem theo loại rau này như là một hoài niệm về quê hương.
* Đi nhiều tỉnh thành
Vùng Gia Tân, Gia Kiệm có địa hình phần lớn đồi đá, nhiều con suối chảy qua, song chỉ có riêng một phần của ấp Tây Nam, Tây Kim của xã Gia Kiệm và rẻo đất ở xã Gia Tân 3 giáp suối Ba là trồng được rau cần nước. Còn các vùng khác, người dân cũng đã thử trồng nhưng cần nước mọc lên èo uột, phần thân giáp gốc cây cứng và đen, ăn không ngon nên khách hàng chê. Một số nông dân ở các huyện khác, như: Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom và Xuân Lộc cũng đã thử lấy giống về trồng nhưng đều thất bại. Do đó, nơi này trở thành khu vực duy nhất trong tỉnh trồng được cây cần nước. Có lẽ nhờ vậy mà cần nước nơi đây trở thành đặc sản được nhiều tỉnh, thành đặt hàng, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Ông Nguyễn Đức Văn (ấp Tây Nam, xã Gia Kiệm) kể: “Tôi trồng cần nước gần 50 năm, nay sức yếu rồi không còn thức đêm ngâm mình trong nước để nhổ cần được nữa, nên để lại ruộng cho con làm. Còn tôi chuyển qua làm đại lý mua rau cho bà con trong vùng và bán lại cho thương lái các tỉnh về lấy hàng”. Theo lời ông Văn, nghề trồng cần rất cực nhọc. Đến thời điểm thu hoạch, người trồng cần phải dậy từ nửa đêm, ngâm mình trong nước để nhổ và rửa cần để kịp giao hàng vào lúc 2-3 giờ sáng, sáng ra lại nhổ tiếp đến trưa để giao hàng buổi chiều. Nhưng đa số thương lái muốn lấy rau vào lúc sáng sớm để đưa về các chợ buổi sáng, bán đắt hàng hơn.
Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Kiệm, cho hay: “Làm cần tuy vất vả, song bù lại thu nhập cũng khá cao. Nếu làm tốt có thể thu lời hơn 50 triệu đồng/sào/năm”. Mấy năm gần đây, thương lái từ các tỉnh khác về lấy hàng nhiều, nên nông dân ở vùng này đã tăng diện tích trồng cần nước lên trên 40 hécta.
* Làm rau sạch
Dù rau cần vùng Gia Kiệm có tiếng và được nhiều thương lái từ các tỉnh, thành về đặt hàng, nhưng nông dân ở đây vẫn mong muốn sẽ xây dựng được thương hiệu cần sạch để đưa vào hệ thống siêu thị. Để làm được việc này, một số nông dân trồng cần ở xã Gia Kiệm đã cùng nhau thành lập hợp tác xã rau cần.
“Hợp tác xã rau cần có 7 thành viên với diện tích gần 4 hécta. Hiện các xã viên trong hợp tác xã đang làm theo quy trình sản xuất rau an toàn để xin chứng nhận GAP. Một số siêu thị đã ngỏ ý nếu hợp tác xã có giấy chứng nhận rau an toàn sẽ ký hợp đồng dài hạn với giá cao” - ông Lã Quang Đại, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau cần Gia Kiệm nói.
Theo một số nông dân trồng cần ở ấp Tây Kim, cây cần nước rất khó tính, đòi hỏi nguồn nước trồng phải thật sạch. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm cây sẽ còi cọc, thường bị vàng lá và thối gốc. Mấy năm trước, nhiều hộ trong vùng nuôi heo xả nước thải ô nhiễm ra suối, một số hộ gần suối không may lấy phải nguồn nước này vào ruộng, cần thối gốc hàng loạt. Từ đó, các hộ phải đào giếng lấy nguồn nước ngầm sạch tưới cho cần.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất, cho biết: “Quy trình làm rau cần ở đây đã khá đảm bảo nên chỉ cần thêm vài công đoạn nữa là đạt tiêu chuẩn an toàn. Vừa qua, huyện đã tập huấn cho nông dân trồng cần quy trình sản xuất rau an toàn và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xin cấp chứng nhận”. Thương hiệu cần Gia Kiệm đã có, nếu có thêm chứng nhận rau an toàn thì đầu ra của cây cần nước sẽ ổn định hơn.
Mỗi ngày nông dân trồng cần nước ở Gia Kiệm, Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 10 tấn rau cần nước. Giá bán tại ruộng khoảng 10 ngàn đồng/kg. Trước đây, cần nước chỉ trồng vào 6 tháng mùa khô, song hiện nay nhu cầu thị trường nhiều, nông dân trồng cần nước quanh năm. Mỗi năm có thể trồng được khoảng 5 lứa rau cần.
Theo đại lý chuyên mua cần của nông dân trong vùng bán cho thương lái ở các tỉnh, thành khác, cần nước được phân làm ba loại: loại 1 thường bán cho các mối tại TP.Hồ Chí Minh, loại 2 bán cho các mối ở tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, còn loại 3 thường bán về các vùng sâu, vùng xa. Lượng rau cần tiêu thụ trong tỉnh chỉ gần 20%, còn lại đưa đi các tỉnh, thành khác.
Có thể bạn quan tâm
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, vụ đông xuân năm nay sản xuất lúa ở tỉnh Quảng Trị được mùa nhất từ trước đến nay. Năng suất bình quân đạt hơn 55 tạ/ha, tăng 2-3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.
Nhiều bà con nông dân ở các vùng ven sông đang hớn hở vì bội thu từ khoai môn (hay còn gọi là khoai sáp). Một sào khoai môn có thể cho thu nhập tới 20 triệu đồng.
Từ sau tết đến nay, giá gừng bán lẻ tại chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) đã tăng vọt từ khoảng 18.000 đồng/kg (gừng loại 1) lên mức 100.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg (gừng loại 2). Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trong vòng hai tuần trở lại đây, người trồng dừa ở Bến Tre nói riêng ở ĐBSCL nói chung đã mất nguồn thu nhập lớn do giá dừa khô giảm mạnh.
Theo Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Chư Jút thì trong những năm qua, đơn vị đã tiến hành xây dựng nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp với các loại con, cây giống mới và chuyển giao thành công cho các hộ nông dân trên địa bàn