Giá bò sữa giống xuống thấp bất thường
Ông Nguyễn Nhất Tâm ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), trồng 2 ha cao su khai thác đến năm thứ 7, đầu năm 2015 ông đốn bỏ 1 ha để chuyển qua nuôi bò sữa.
Ông Tâm mua 3 bò sữa cái mang thai tháng thứ 4 (khoảng 20 tháng tuổi) giá “đổ đồng” 45 triệu đồng/con ở xã Tân Thuận Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM), nơi nổi tiếng với nghề chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 22 ngàn con.
Sau đó, thấy qui mô nuôi có thể mở rộng được nữa, vào cuối tháng 7, ông mua thêm 2 con nữa cũng giống như trước nhưng với giá 32 triệu/con nhờ vào vốn “hỗ trợ sản xuất” của Hội Nông dân xã Long Tân. Như vậy, chỉ trong vòng chưa tới 6 tháng, việc đầu tư mua bò sữa giống của ông Tâm đã “hố” mất trên 30 triệu đồng!
Ông Hồ Văn Tráng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thuận Đông xác nhận, giá giống bò sữa hiện đang giảm mạnh, đồng thời cho rằng những ai muốn đầu tư nuôi bò sữa thì nên “nhảy” vào trong thời điểm này, bởi nếu mua 10 con bò sữa cái 20 tháng tuổi thì chi phí mất khoảng trên 300 triệu đồng, trong khi đó chỉ cách đây mấy tháng đã là 400-450 triệu đồng.
“Có thực tế là dù giá con giống giảm, nhưng bán ra lại chậm, ít người mua. Nông dân địa phương chúng tôi không còn đầu tư phát triển đàn bò sữa như trước nữa mà người mua chủ yếu là từ nơi khác đến”, ông Tráng nói.
Ông Hồng Dậu, Chi hội trưởng Nông dân ấp 11A, nuôi 10 con bò sữa cho biết, thời điểm đầu tháng 8, giá sữa bò tươi tại các điểm thu mua cao nhất là 14.000 đồng/kg, thấp nhất 8.500 đồng (do trừ % tạp trùng, kháng sinh, vi sinh), bình quân khoảng 12.000 đồng/kg, với mức giá này người chăn nuôi vẫn có lãi tuy không nhiều so các năm trước. Nhưng sợ nhất là các công ty thu mua gây khó khăn, hăm he dọa cắt hợp đồng nếu sữa tươi bán ra vẫn còn tiếp tục tình trạng lẫn nhiều tạp trùng, tạp chất.
“Một con bò cho sữa chu kỳ 10 tháng/năm, bình quân 1 ngày vắt 15kg/con, nuôi 10 con vị chi là 150 kg, bán cho công ty sữa giá 12.000 đ/kg, thu về 1.800.000 đồng/ngày. Trong đó chi phí như cám, hèm bia, xác mì, cỏ, công lao động chiếm khoảng ½ giá trị tiền bán sữa, tức còn lại khoảng 900 ngàn/ngày.
Một tháng thu nhập ít nhất cũng được 25 triệu nên nông dân rất sợ bị các công ty cắt hợp đồng, bởi đại lý ngưng mua 1 tuần lễ, tức 10 con bò cho cả tấn sữa phải đổ đi và việc này cũng từng xảy ra rồi”, ông Dậu nói.
Vẫn theo ông Dậu, chính vì tâm lý sợ như vậy cộng với việc thông tin về một công ty sữa nhập về 20 ngàn con bò sữa, bằng tổng đàn của xã Tân Thuận Đông trong suốt hơn 15 năm qua cộng lại, nên giá bò sữa giống ở địa phương giảm một cách bất thường.
Theo hướng dẫn của ông Dậu, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Văn Điện, cũng ở ấp 11A, vừa nuôi bò sữa với tổng đàn 20 con và cũng là một thương lái chuyên cung cấp bò sữa giống cho các hộ chăn nuôi.
Theo ông Điện, năm 2014 và đầu năm 2015, do giá thu mua sữa tốt, bò sữa giống lên khá cao, một con bò cái tơ 15 tháng tuổi có giá từ 30-35 triệu đồng; một con bò cho sữa hơn 15kg/ngày giá cao hơn từ 35-45 triệu đồng; còn nếu bò có thể lấy sữa được trên 20 kg/ngày, giá phải từ 45-60 triệu đồng/con. Thậm chí những con bò đang cho sữa loại xấu cũng có người đến bắt.
Nhưng hiện nay giảm thấp bất thường, một con mất từ 10-15 triệu đồng so với trước, chẳng hạn giá con bò cái tơ 15 tháng tuổi còn có 20-22 triệu đồng!
“Hiện nay, có thể do giá sữa kém hấp dẫn, nguy cơ sắp đến còn tụt nữa nên con giống bán ra cũng chậm, thỉnh thoảng vẫn có người đến bắt nhưng chủ yếu từ các nơi khác, nhất là một số vùng trồng cao su thanh lý ở tỉnh Tây Ninh, Bình Dương”, ông Điện giải thích.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến của các bộ liên quan báo cáo Thủ tướng về việc UBND tỉnh Lào Cai đề nghị cho phép các doanh nghiệp tiếp tục được kinh doanh tạm nhập tái xuất đường qua cửa khẩu phụ. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, cần siết chặt quản lý chống gian lận thương mại.
Những tháng đầu vụ cá Nam, luồng mực về nhiều chưa từng có. Thuyền về đầy ắp các khoang trong niềm phấn khởi của bà con ngư dân các vùng biển từ Cửa Khẩu (Kỳ Anh) đến Cửa Hội (Nghi Xuân).
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, vừa nhận được yêu cầu về việc nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam vào Thụy Sỹ.
Sau 8 tháng đưa cây măng tây xanh về trồng thử nghiệm ở địa bàn thị xã La Gi, chăm sóc đúng quy cách cây bắt đầu cho măng, cho thu hoạch liên tục 4 tháng. Mô hình này được Phòng Kinh tế thị xã đánh giá là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình nông dân.
Sau một thời gian ngắn tăng giá cục bộ, những ngày qua giá các loại phân bón đặc biệt là phân đạm (Urê) đã ổn định trở lại.