Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gian Nan Đầu Ra Cho Sản Phẩm Làng Nghề

Gian Nan Đầu Ra Cho Sản Phẩm Làng Nghề
Ngày đăng: 17/11/2014

Sản phẩm thủ công từ các nghề truyền thống đang dần mất đi tính cạnh tranh trên thị trường, bởi vậy câu chuyện về đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề nan giải đối với các làng nghề.

Từ những thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở về trước, hình ảnh thiếu nữ ngồi bên khung cửi dệt vải trở nên quen thuộc ở các địa phương miền núi.

Nhưng, giờ đây, những hình ảnh đó đã dần đi vào quá khứ. Bà Hứa Thị Ngãi, xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), cho biết, thế hệ các cô gái trẻ hiện nay gần như không biết dệt thổ cẩm, bởi một phần do nhu cầu sử dụng sản phẩm thổ cẩm của bà con không còn nhiều như trước, họ lựa chọn các sản phẩm may sẵn, vừa tiện lợi, đẹp, rẻ mà lại hợp với xu thế.

Theo đó, thị trường bị thu hẹp, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, nên nghề càng bị mai một, làm cho nét văn hóa đặc trưng vùng miền cũng dần mất đi.

Cũng như nghề dệt thổ cẩm, nghề làm nón lá từng hưng thịnh một thời, nay đang đối mặt với sự thăng trầm vì không có đầu ra. Chúng tôi tìm về xã Xuân Lộc (Triệu Sơn), nơi từng nổi tiếng một thời với nghề làm nón lá, có nhiều nghệ nhân làm nón nổi tiếng từng truyền nghề cho nhiều thế hệ ở khắp mọi nơi và là địa phương có tới hơn 1.000 hộ làm nghề, mỗi ngày bán ra cả nghìn sản phẩm.

Nhưng đến nay, cả xã chỉ còn chưa tới 100 hộ theo nghề, những nghệ nhân cũng dần vắng bóng. Tìm hiểu nguyên nhân khiến nghề làm nón bị suy thoái, chúng tôi được người dân xã Xuân Lộc cho biết: Trước đây, chiếc nón luôn là đồ dùng đồng hành với người dân mỗi khi ra khỏi nhà, nên nhu cầu mua nón lá rất lớn, nhưng nay thay vì đội nón, người dân ra đường đội mũ bảo hiểm, mũ rộng vành để đi lại cho tiện, bởi thế số lượng hàng làm ra khó khăn trong việc tiêu thụ, theo đó thu nhập của mỗi lao động ngày càng giảm, bình quân chỉ đạt 25-30.000 đồng/ngày, không đủ trang trải cho sinh hoạt nên nhiều người đã bỏ nghề tìm việc khác.

Nghề mộc được xem là nghề đang phù hợp với xu thế phát triển, bởi các sản phẩm làm từ gỗ luôn được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Đạt, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) cũng không tránh khỏi guồng quay của sự suy thoái do không có đầu ra.

Được biết, các sản phẩm mộc Đạt Tài khá tinh xảo, tuy nhiên sản phẩm lại không thể vươn xa. Theo như các chủ xưởng mộc xã Hoằng Đạt cho biết, đã có thời kỳ các cơ sở đã liên kết lại để tìm kiếm thị trường ra các tỉnh bạn, nhưng cũng không mở rộng được nhiều do sản phẩm vẫn chưa chiếm được lòng tin của khách hàng.

Bởi thế, có những cơ sở đầu tư tới 400-500 triệu đồng để mua máy đục điêu khắc mỹ nghệ như cơ sở của gia đình bà Lê Thị Sáu và gia đình ông Lê Quảng Hùng nhằm phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng cũng không mấy khả quan.

Hôm chúng tôi đến xã Hoằng Đạt may mắn được gặp anh Lê Bình Hưng, người ở địa phương thoát ly vào tỉnh Bình Dương mở xưởng mộc về thăm quê,  khi được hỏi sản phẩm mộc Đạt Tài trên đất khách, anh cho biết: Trước kia anh từng có xưởng mộc ở quê nhà, nhưng do không có thị trường, làm ăn khó khăn nên anh quyết định “Nam tiến”.

Đúng như tính toán của anh, nhu cầu về đồ gỗ ở khu vực phía Nam rất lớn, trong khi nguồn cung ứng không nhiều, nên không lâu sau đó anh đã phát triển được xưởng mộc lớn với nhiều chi nhánh, số lượng lao động lên tới 400 người. Anh Hưng khẳng định, sản phẩm mộc Đạt Tài không thua kém bất cứ sản phẩm nào cả về chất lượng và mẫu mã, nên được người dân ưa chuộng, song do công tác tiếp cận thị trường chưa tốt và chưa có tiềm lực về tài chính để quảng bá thương hiệu với quy mô lớn trên thị trường.

Tình trạng “thoái trào” các sản phẩm làng nghề nói trên tuy không phổ biến trên địa bàn tỉnh nhưng cũng đủ để minh họa cho một thực tế chung của sự phát triển các làng nghề hiện nay.

Để sản phẩm làng nghề vươn xa

Việc các sản phẩm làng nghề thiếu đầu ra là bởi hầu hết các làng nghề đều hoạt động theo phương thức tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, vừa làm vừa bán, thiếu sự liên kết giữa các hộ làm nghề để xây dựng thương hiệu chung và tìm đầu ra cho sản phẩm, trong khi chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết để tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Bởi vậy, người làm nghề phụ thuộc nhiều vào tư thương và thường bị động, lúng túng khi thị trường gặp khó. Kể cả những sản phẩm vốn có thị trường tiêu thụ ổn định, thuận lợi, như: Tơ nhiễu Hồng Đô, trống đồng Đông Sơn... cũng không ổn định, giá cả bấp bênh và đôi khi vẫn bị tư thương ép giá.

Thực tế cho thấy, vấn đề thiếu đầu ra cho sản phẩm làng nghề bị chi phối bởi nhiều yếu tố, như: nhu cầu thị trường, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu hay chất lượng, giá thành sản phẩm...

Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm làng nghề, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của những người làm nghề, như: tổ chức đón bằng công nhận làng nghề, hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ thương mại, hỗ trợ kinh phí khôi phục và phát triển làng nghề, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới cho người làm nghề...

Bởi thế, tình hình tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, để làng nghề thực sự khởi sắc, sản phẩm làng nghề vươn xa, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân làm nghề cần nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất, đầu tư thiết bị, nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã; đồng thời, chủ động nắm bắt thông tin thị trường, năng động hơn nữa trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n131573/Gian-nan-dau-ra-cho-san-pham-lang-nghe


Có thể bạn quan tâm

Phước Sơn mở rộng diện tích cây quế Phước Sơn mở rộng diện tích cây quế

Gần đây, nhu cầu mua bán, tiêu thụ quế tăng cao so với mọi năm nên nhiều người trồng quế ở Phước Sơn rất phấn khởi. Bên cạnh việc chăm sóc diện tích quế cũ, nông dân địa phương gieo ươm cây quế bản địa để mở rộng thêm diện tích.

22/05/2015
Quy hoạch tạm thời 37,5 ha mặt nước nuôi tôm thẻ tại Tam Hải Quy hoạch tạm thời 37,5 ha mặt nước nuôi tôm thẻ tại Tam Hải

Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành vừa cắm mốc quy hoạch 37,5ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt tại xã Tam Hải. Trong đó, tại thôn Thuận An có 17ha, thôn Bình Trung 10ha, thôn Đông Tuần 5ha, thôn Tân Lập 3ha và thôn Xuân Mỹ 2,5 ha.

22/05/2015
Nỗi buồn rong mơ Nỗi buồn rong mơ

Cứ đến tháng 5-6 hằng năm, người dân ở các vùng ven biển Bình Sơn lại được dịp hái “lộc biển” khi đua nhau khai thác rong mơ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt loại rong biển này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển gần bờ.

22/05/2015
Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược

Thay vì tập trung quy hoạch vùng nuôi trồng trước khi thả nuôi thủy sản, nhiều địa phương lại đợi người dân thả nuôi rồi mới quy hoạch. Điều này không chỉ khiến ngành nuôi trồng thủy sản khó có thể phát triển bền vững, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường…

22/05/2015
Sản xuất vụ hè thu tăng cường giải pháp giống, đa dạng cây trồng Sản xuất vụ hè thu tăng cường giải pháp giống, đa dạng cây trồng

Triển khai vụ hè thu 2015, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng các giống mới, ngắn ngày có năng suất cao, phẩm chất tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong vụ hè thu này.

22/05/2015