Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gian Nan Cá Tra Xuất Ngoại

Gian Nan Cá Tra Xuất Ngoại
Ngày đăng: 10/02/2014

Gần 20 năm xuất ngoại, cá tra Việt Nam đã “bơi” đến 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về gần 2 tỷ USD mỗi năm. Cá tra đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu ngành thủy sản Việt Nam. Nhưng đường “bơi” cho “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam dường như còn lắm gian nan.

Giá bán quá thấp

Tình cờ và may mắn, tôi có dịp được trò chuyện với Jean-Charles Diener - Giám đốc Công ty OFCO Sourcing Việt Nam (một doanh nghiệp chuyên cung cấp thủy hải sản Việt Nam cho người mua trên toàn thế giới), người đã có gần 15 năm am hiểu về cá tra Việt Nam. Những chia sẻ cởi mở nhưng đầy chân tình của ông đã để lại nhiều điều đáng suy ngẫm.

Khi tôi hỏi, vì sao cá tra Việt Nam liên tiếp phải đối diện với hàng loạt chiến dịch truyền thông tiêu cực và rào cản thương mại ở nhiều nước nhập khẩu, câu trả lời không nằm ngoài dự đoán: “Cá tra Việt Nam dễ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của nhiều loài thủy sản khác vì những ưu điểm vốn có của nó. Hơn thế nữa, giá bán của cá tra lại quá thấp”.

Theo Jean-Charles Diener: “Cá tra là một mặt hàng tuyệt vời và nếu xét về một vài khía cạnh thì đây có lẽ là con cá tốt nhất trên thế giới. Nhưng chính người mua đang dần mất đi sự quan tâm đối với loài cá này bởi giá quá thấp và không phải cứ thấp là họ thích. Giá thấp thực sự không phải là tốt như nhiều nhà cung cấp Việt Nam vẫn nghĩ. Chính điều này đã đẩy cá tra Việt Nam liên tiếp đối diện với những thông tin bôi xấu. Nghịch lý thay, với mức giá cao hơn, thị trường cho cá tra Việt Nam lại có thể được mở rộng hơn”.

Phải nhìn lại mình

Không thể phủ nhận, cá tra là nguyên liệu lý tưởng để tạo ra vô số món ăn hấp dẫn vì ít mùi tanh, vị nhẹ lại có thớ thịt mịn màng. Loài cá này rất dễ thích ứng với những phong cách nấu nướng khác nhau và có giá rẻ hơn so với các loài cá thịt trắng khác. Vì thế cá tra Việt Nam đã nhanh chóng vươn đến sự thành công khi đã, đang được hàng triệu người tiêu dùng ưa chuộng và có những bước tiến ngoạn mục dần xác lập vị thế đáng nể trên thị trường thủy sản thế giới.

Trên con đường hội nhập và phát triển, chắc chắn cá tra Việt Nam còn phải chịu sức ép của những cuộc cạnh tranh thiếu công bằng của các nhà sản xuất, kinh doanh thủy sản trên thế giới.

Đấu tranh đòi sự công bằng là việc phải làm. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm với sản phẩm chiến lược quốc gia này cũng phải nhìn lại mình. Từ khi xuất khẩu được giá trị lớn đến nay, ngành sản xuất kinh doanh cá tra hầu như vẫn tự phát. Người nuôi cứ mặc sức nuôi, gây áp lực tiêu thụ lên chính quyền và đổ lỗi cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thì có hiện tượng ép giá cá nguyên liệu trong nước để kiếm lời; thi nhau chào bán phá giá để giành hợp đồng, cạnh tranh không lành mạnh làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Giải thích về chuyện hạ giá bán hàng, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng, do áp lực trả nợ và lãi vay ngân hàng, các doanh nghiệp đều muốn mau chóng thu hồi vốn... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, chuyện các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá thấp không phải mới. Những năm trước, lúc doanh nghiệp được coi là “mạnh khỏe” hơn bây giờ thì chuyện bán phá giá đã xảy ra. Vì thế, lý do mà các doanh nghiệp đưa ra để lý giải chuyện hạ giá không mấy thuyết phục.

Dĩ nhiên hạ giá bán thì chất lượng sản phẩm đương nhiên cũng phải tệ đi bởi không thể nào “sống” được khi bán một món hàng có chất lượng cao với giá quá rẻ. Hạ giá kéo theo hạ chất lượng sản phẩm, nên việc sử dụng chất cấm, tỷ lệ mạ băng cao… đã xảy ra.

Các nước nhập khẩu cá tra Việt Nam tăng cường biện pháp kiểm tra, hàng loạt container hàng bị trả về hoặc hủy tại chỗ. Hậu quả là con cá tra Việt Nam liên tục hứng chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, bị kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt hơn, nguy cơ mất thị trường hiển hiện…

Đơn cử mới đây, Cơ quan thú y Nga vừa có quyết định áp đặt lệnh đình chỉ nhập khẩu tạm thời đối với sản phẩm cá tra và một số sản phẩm cá khác của 7 doanh nghiệp Việt Nam, bắt đầu từ 31/1/2014. Đây là cái vòng luẩn quẩn của ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong bao nhiêu năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cho rằng cá tra Việt Nam được sản xuất “bẩn”, bán phá giá thì không đúng, nhưng quả thật chọn phương thức cạnh tranh bằng giá như hiện nay đang dần giết chết ngành xuất khẩu mang về giá trị 2 tỷ USD mỗi năm của Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Ngao Chết Hàng Loạt, Ngư Dân Gặp Khó Ngao Chết Hàng Loạt, Ngư Dân Gặp Khó

Từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều đầm, bãi nuôi ngao giống và thương phẩm ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Theo các ngư dân, chưa có năm nào ngao chết nhiều như năm nay.

21/08/2014
Rơm Khô Đắt Như Rơm Khô Đắt Như "Tôm Tươi"

Tỉnh Phú Yên đang bị “đại hạn”, cỏ trồng ngoài đồng bị đốt cháy, nguồn thức ăn cho bò khan hiếm. Vì thế người chăn nuôi bỏ 800.000 đ mua sào rơm khô, thế nhưng để mua được rơm phải đặt tiền cọc.

21/08/2014
Nuôi Tôm Mùa Nắng Hiểm Họa Và Giải Pháp Nuôi Tôm Mùa Nắng Hiểm Họa Và Giải Pháp

Những tháng đầu năm 2014, giá tôm nguyên liệu trong nước tăng cao, có khả năng bù đắp được rủi ro của các vụ trước, nên đã kích thích người nuôi tôm ồ ạt xuống giống, gia tăng diện tích nuôi và thả nuôi với mật độ rất cao, có nơi tôm chân trắng được thả với mật độ trung bình cao hơn từ 60-70con/m2 so với thông thường.

22/08/2014
Nuôi Tôm Bằng Vi Sinh Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nuôi Tôm Bằng Vi Sinh Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp ít thay nước và sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải thực hiện thí điểm tại xã Định Thành. Sau 3 năm thực hiện đã thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.

22/08/2014
Cây Tiêu Đổi Thay Vùng Đồi Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) Cây Tiêu Đổi Thay Vùng Đồi Phú Lộc (Thừa Thiên Huế)

Những ngày đầu tháng 8, khách đến tham quan vườn tiêu của ông Trần Văn Chỉnh, thôn Đồng Xuân, Lộc Điền khá đông. Ông Chỉnh là phục viên quân đội sống gần 30 năm ở Đức Cơ, Gia Lai - người đầu tiên mang cây tiêu về quê trồng thử vào cuối năm 2007, với 200 gốc tiêu, chỉ một thời gian ngắn, cây tiêu phát triển tốt. Năm sau, ông tiếp tục trồng thêm, đến nay vườn tiêu hơn 1 ha trồng hơn 1.000 gốc tiêu.

22/08/2014