Giải Pháp Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu
Nhằm giúp ngành chức năng có những định hướng trong phát triển sản xuất, người dân có sự lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình tình biến đổi khí hậu (BĐKH), Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) triển khai dự án “Ảnh hưởng của BĐKH lên sử dụng đất ở ĐBSCL, sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa (dự án Clues)”. Qua 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Dự án Clues do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ, có 6 hợp phần nghiên cứu - tìm giải pháp thích ứng với tình hình BĐKH và được triển khai tại 4 tỉnh, thành phố với các điều kiện sinh thái khác nhau. Trong đó, tỉnh Hậu Giang (ở vùng trũng, phèn), An Giang (vùng ngập lũ), Bạc Liêu (ven biển) và TP.Cần Thơ (nước ngọt ven sông). Tại Hậu Giang, dự án được thực hiện tại xã Vị Đông (huyện Vị Thủy) và xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp).
Với kịch bản BĐKH được các nhà khoa học đưa ra thì đến năm 2030 nước biển Đông sẽ dâng cao 14cm, biển Tây dâng 15cm so với hiện nay; năm 2050 tương ứng là 27cm và 30cm.
Theo đó, khu vực ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề, điển hình là tình trạng xâm nhập mặn, ngập lụt sẽ diễn ra trên diện rộng và diễn biến rất khó lường. Riêng tại tỉnh Hậu Giang, các nhà khoa học dự báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ của BĐKH, như tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt ngày càng gia tăng, nặng nhất là huyện Long Mỹ và Châu Thành.
Qua nghiên cứu đánh giá, dự báo về tác động của BĐKH, tại buổi hội thảo sơ kết 4 năm thực hiện dự án Clues trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, các nhà khoa học đã đưa ra một số mô hình canh tác thích ứng như: luân canh lúa với cây trồng cạn, sử dụng các giống lúa mới có khả năng chống chịu mặn và phục hồi nhanh sau ngập lũ. Định hướng quản lý nguồn tài nguyên đất canh tác lúa; đánh giá tổng hợp để xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH…
PGS Lê Văn Hòa (Trường Đại học Cần Thơ), đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết: Cơ cấu 2 lúa - 1 màu mang lại hiệu quả vượt trội so với 3 vụ lúa/năm cả về mặt kinh tế và môi trường. Các loại cây màu ngắn ngày sẽ giúp rút ngắn được thời gian canh tác để bắt đầu vụ Thu đông sớm hơn nhằm né lũ cuối vụ, đảm bảo năng suất và hiệu quả.
Điển hình là đất sản xuất ở khu vực xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp bị ảnh hưởng phèn, ngộ độc hữu cơ, mặt đất không bằng phẳng nên năng suất không cao. Nếu bà con kết hợp mô hình sản xuất 2 lúa - 1 màu sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với độc canh cây lúa.
Kết quả thí nghiệm tại một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho thấy, dưa leo và cây bắp nếp sinh trưởng, phát triển tốt trên nền đất lúa vụ Hè thu, có thể thay thế 2 vụ dưa leo cho 1 vụ lúa nếu tranh thủ thời vụ. Năng suất dưa leo bình quân 30-32 tấn, tổng thu 123 triệu đồng/ha/vụ; tổng thu của bắp nếp gần 72 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ngoài thay đổi cơ cấu mùa vụ, việc nghiên cứu chọn giống lúa ngắn ngày chịu ngập, chịu mặn cũng nằm trong “gói giải pháp” quan trọng được các nhà khoa học cũng như ngành chức năng đưa ra. GS Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa ĐBSCL, cho hay: Vùng ĐBSCL có khoảng 700.000ha đất bị xâm nhập mặn, 600.000ha bị ngập lụt hàng năm.
Riêng tại Hậu Giang, với đặc điểm là vùng trũng, đất phèn, đất ngập không sâu (từ 50-80cm), thời gian ngập kéo dài, việc nghiên cứu giống chịu phèn, chịu ngập, sử dụng phân lân trên đất phèn, cách xử lý rơm rạ sau thu hoạch tránh ngộ độc cho cây lúa ở vụ tiếp theo là một việc làm cần thiết.
Với tình hình thực tế trên, dự án Clues đã nghiên cứu các bộ giống lúa phù hợp với điều kiện ngập và xâm nhập mặn, điển hình như lúa có gen chống chịu mặn là: BR 28, OM 5629, OM 4900; lúa có bộ gen chống được ngập như: IR 64, IR 49830… Bằng những kết quả nghiên cứu đạt được, Viện Lúa sẽ chuyển giao để nông dân có sự lựa chọn sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng khác nhau. Qua đây, giúp tăng năng suất, cải thiện cuộc sống của bà con.
Có thể nói, hoạt động nghiên cứu giải pháp thích ứng BĐKH trong tình trạng nguồn kinh phí phân tán, rời rạc thì dự án Clues kéo dài từ năm 2011 đến năm 2014 hết sức có ý nghĩa. Dự án này giúp các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền đất lúa ở ĐBSCL. Đặc biệt, coi trọng hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp kiến thức cho nông dân, các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: ĐBSCL đang có xu hướng bị chìm dần do nước biển dâng, sụp lún đất do khai thác nước ngầm và cạn kiệt nguồn nước ngọt do xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Tình hình ngập lũ thời gian qua cũng thay đổi rất nhiều, không còn theo quy luật như trước nữa. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học là rất cần thiết đối với tỉnh.
Qua đây, giúp cho địa phương có những chính sách và giải pháp canh tác thích ứng với BĐKH. Hiện nay, dự án đã kết thúc, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh mong muốn các nhà khoa học, Ban quản lý dự án tiếp tục tìm nguồn tài trợ để triển khai nghiên cứu sâu, rộng hơn…
Có thể bạn quan tâm
Đó là báo cáo của Chi cục Thủy sản vào chiều ngày 28/10, tại kết quả xét nghiệm cá nuôi lồng tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong - Bình Thuận) bị chết hàng loạt thời gian qua.
Đoàn cán bộ nghiên cứu Tổng cục Thủy sản - Bộ NN& PTNT phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu vừa tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa tại địa bàn 2 huyện Phước Long và Hồng Dân.
Ngày 30.10, UBND xã Tân Thành (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã tổ chức ra mắt Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ấp Tà Dơ với 11 tổ viên, vốn điều lệ là 4 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến cảng cá Quy Nhơn thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các ngư dân tham gia Dự án chuyển giao công nghệ đánh bắt cá ngừ đại dương (CNĐD) của Nhật Bản và dự lễ bàn giao công nghệ và ngư lưới cụ khai thác CNĐD cho ngư dân .
Gà Ba Lan là một trong những giống gà đẹp nhất trong thế giới loài gà với chiếc mào khổng lồ. Những đám lông lớn đã làm cho chiếc đầu của chúng như một bông hoa lộng lẫy.