Giải Pháp Phát Triển Thủy Sản Bền Vững
Để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, bên cạnh việc quy hoạch bãi giống, bãi đẻ thì việc tái tạo nguồn lợi thủy sản đang được quan tâm.
Theo thống kê của ngành thủy sản, qua ba thập niên, sản lượng khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai giảm gần một nửa. Từ 4.500 tấn trước năm 1980, nay chỉ xấp xỉ 2.500 tấn. Phương thức khai thác thủy sản trên đầm phá có thể phân thành hai nhóm chính, đó là nghề khai thác cố định gồm nò sáo, đáy, rớ giàn, chuôm... Đây là loại hình khai thác ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản.
Nhóm nghề khai thác lưu động cũng làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản không kém như: Lừ xếp, te máy, giã, lưới rê 3 lớp càn quét cá con trong đầm phá. Nguy hiểm hơn cả là dùng xung điện và chất nổ để đánh bắt thủy hải sản đã tận diệt mọi sinh vật sống xung quanh, khiến cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Trước báo động đỏ về nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặt lên hàng đầu; góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và ven biển, bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và vận động các tổ chức, cá nhân, những năm qua chi cục tổ chức nhiều đợt thả tôm, cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản ở thủy vực lợ và mặn.
Chi cục còn phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các chi hội nghề cá tổ chức hội nghị tái tạo nguồn lợi thủy sản đến với người dân ở các vùng ven biển và đầm phá, nhằm giúp họ nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Năm qua, chi cục phối hợp với UBND xã Phú Diên (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) và Chi hội nghề cá Thanh Mỹ tổ chức thả 2.750 con cá dìa tại Khu Bảo vệ thủy sản Doi Chỏi; phối hợp với Chi hội nghề cá Vinh Thanh (Phú Vang) tổ chức thả 1.000 con tôm sú trưởng thành ra biển; phối hợp với UBND xã Vinh Phú (Phú Vang), UBND xã Vinh Giang, Lộc Bình (Phú Lộc) và các chi hội nghề cá tổ chức thả cá tại 3 khu bảo vệ thủy sản Cồn Chìm, Đập Tây Chùa Ma và Hòn Núi Quện. Ngoài ra, chi cục còn thả 195 ngàn con tôm sú cỡ 2-3 cm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản ở đầm phá bị cạn kiệt.
Những ngày cuối tháng 2-2014, chi cục tổ chức thả hơn 5.000 con cá dìa giống trưởng thành và 7,5 vạn tôm sú giống vào các Khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát, Vũng Mệ, Doi Mai Bóng và Khe Đập Làng, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng cường nhận thức và hiểu biết về giá trị tài nguyên thủy sản đối với cộng đồng ngư dân.
Vui mừng hơn là nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của bà con ngư dân được nâng lên thể hiện qua việc ngư dân của các chi hội nghề cá đã đóng góp tiền mua 2 vạn tôm sú giống để thả ra đầm phá, góp phần nhỏ bé của mình trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Tại lễ tái tạo nguồn lợi thủy sản, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng đây là việc làm thiết thực đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, bà con ngư dân tiếp tục phát huy các sáng kiến, chủ động tái tạo, gìn giữ nguồn lợi thủy sản để khai thác, sử dụng lâu dài, góp phần cải thiện sinh kế bền vững cho ngư dân vùng biển, đầm phá.
Chúng tôi mong muốn bà con ngư dân có các sáng kiến phát triển nguồn lợi cua giống, cá giống… thông qua việc ươm, giữ cua, cá bố mẹ (đang ôm trứng) tại các khu bảo vệ thủy sản để sinh sản và phát tán nguồn lợi vào môi trường tự nhiên.
Anh Phan Chiến, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá thôn 8, xã Điền Hải (Phong Điền) nhớ lại, năm 2012 là năm chúng ta cùng nhau tái tạo nguồn lợi thủy sản, sau đó đã có một mùa vụ khai thác cá dìa bội thu tại quê hương Điền Hải. Sự thật đó, nhắc nhở chúng ta rằng với nỗ lực hôm nay, ngày mai nhất định sẽ thành công.
Anh Phạm Văn Lợi, Chi hội trưởng, Chi hội nghề cá Lộc Bình 1 (Phú Lộc) vui mừng: “Được Nhà nước quan tâm tái tạo nguồn lợi thủy sản bà con tui rất phấn khởi. Sau khi thả tôm ở khu bảo vệ Hòn Núi Quện anh em hội viên thay nhau túc trực để bảo vệ. Miếng cơm manh áo là ở đó, tui sẽ phổ biến đến tất cả các anh em hội viên để họ hiểu rõ và nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trước hết mỗi ngư dân cần nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sử dụng mắt lưới khai thác thủy sản theo đúng quy định của Nhà nước. Có như vậy, nguồn lợi thủy sản mới phát triển bền vững, cuộc sống của bà con ngư dân vùng ven biển và đầm phá mới ổn định lâu dài, đảm bảo an sinh xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm, ngành điện lực Trà Vinh đã nâng công suất 165 trạm biến áp trong vùng nuôi tôm lên thêm gần 5900 KVA. Tuy nhiên, giải pháp tình thế vẫn chưa cung cấp đủ điện cho nhu cầu hiện nay.
Đến xã Trung Thành (Vị Xuyên) những ngày này, trên hầu khắp các cánh đồng, màu xanh của lạc Xuân xen những ruộng ngô trở thành hình ảnh đầy ấn tượng. Vụ Xuân năm nay, toàn xã thực hiện gieo cấy 93 ha lúa, 140 ha ngô, 62,3 ha rau, đậu các loại nhưng có đến 227 ha lạc.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy sản của các địa phương trên địa bàn Hải Phòng đạt gần 15 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013.
Những năm qua, nhiều nông dân ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chú trọng đa dạng hóa các mô hình kinh tế, đặc biệt tận dụng diện tích ao hồ, mặt nước khá lớn ở địa phương để đầu tư nuôi trồng thủy sản. Bước đầu, mô hình này cho thu nhập khá và hứa hẹn hiệu quả kinh tế lâu dài nếu được đầu tư đúng hướng.
Bạn hàng vùng lộ tẻ Cái Sắn (Cần Thơ) nghe “tay anh chị” này hoàn lương cũng hiếu kỳ muốn tìm đến xem thử thực hư... rồi kết thân, trở thành mối lái mua bán, giúp anh biết thêm “món” cá chình...