Giải pháp phát triển bền vững nghề câu cá ngừ đại dương
Nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) ở nước ta những năm qua phát triển mạnh, tập trung ở các tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh và Khánh Hòa. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và điều kiện sẵn có. Do vậy, cần sớm có định hướng cụ thể để phát triển nghề này.
Hình Câu tay kết hợp ánh sáng
Các phương pháp khai thác phổ biến
Câu vàng truyền thống
Cuối năm 2011 đầu 2012 có thể xem là thời kỳ phát triển của nghề khai thác CNĐD bằng câu vàng với mức giá bán cá ngừ 170 - 190 nghìn đồng/kg, bình quân 180.000 đồng/kg, cao gấp 25 lần so với năm 1994.
Tàu thuyền làm bằng vỏ gỗ có kích thước L = 13,5 - 17 m, công suất > 90 CV. Cấu trúc vàng câu bao gồm dây chính, dây câu chính, dây câu nhánh, lưỡi câu, phao và một số thiết bị liên kết khác. Kích thước, chiều dài vàng câu phụ thuộc vào quy mô tàu thuyền và trang bị kỹ thuật cho nghề. Chiều dài vàng câu dao động 40 - 55 km, tương ứng 800 - 1.000 lưỡi, khoảng cách giữa 2 lưỡi là 45 - 50 m. Dây câu chính là cước sợi đơn đường kính 2,4 - 3,2 mm; dây thẻo câu là cước sợi đơn dài 25 - 40 m đường kính 1,8 - 2,2 mm; dây phao làm bằng dây tổng hợp PP chiều dài khoảng 10 - 25 m; phao sử dụng thường là phao tròn PVC đường kính 200 - 360 mm và phao trụ dài 310 - 360 mm, đường kính 110 - 120 mm.
Câu tay kết hợp ánh sáng
Nghề câu tay CNĐD sử dụng ánh sáng đèn cao áp xuất hiện ở Bình Định năm 2011. Phương pháp câu này cho năng suất, sản lượng rất cao nhưng giá bán chỉ bằng 40 - 50% so với cá ngừ khai thác bằng nghề câu truyền thống. Năm 2012, nghề này lan truyền đến Khánh Hòa và đến năm 2013, phần lớn tàu câu vàng truyền thống và tàu chụp mực ở Khánh Hòa đã chuyển sang câu tay sử dụng ánh sáng đèn cao áp.
Mỗi tàu lắp trên 20 bóng đèn cao áp có công suất từ 1.000 W đến 3.000 W. Khi chong đèn, cá ngừ thấy ánh sáng sẽ nổi lên đớp mồi. Với phương pháp này, chỉ cần chiếu đèn xuống nước ở độ sâu 30 - 50 m dẫn CNĐD tập trung đến rồi dùng câu tay để bắt.
Nghề câu tay kết hợp ánh sáng CNĐD có nhiều lợi thế như có thể hoạt động quanh năm, thời gian chuyến biển ngắn hơn so với nghề câu vàng, chỉ khoảng 20 ngày/chuyến. Năng suất khai thác cao và ổn định hơn so với nghề câu vàng. Phương pháp này không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, số lượng nhân công và cường lực lao động thấp hơn so với nghề câu vàng. Bên cạnh đó, nghề câu tay cá ngừ ít bắt được các loài cá hay động vật không mong muốn như cá kiếm, cá cờ, rùa biển... giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, hạn chế của nghề câu này là sản phẩm khai thác khi mang lên bờ thường bị đánh giá là kém chất lượng, do đó, mặc dù sản lượng nhiều, nhưng ngư dân nhận được giá trị thấp do giá bán thấp. Nguyên nhân là thiết bị bảo quản trên các tàu cá quá lạc hậu làm chất lượng cá ngừ kém, không bảo đảm để làm sản phẩm ăn tươi mà chủ yếu dùng chế biến phi lê đông lạnh, thậm chí nhiều lô cá chỉ có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản phẩm đồ hộp… Do vậy, giá cá loại 1 cũng chỉ khoảng 110 nghìn/kg, bằng 60% cá câu vàng. Cùng đó, với nghề này, ngư dân phát triển theo hướng tự phát, công nghệ bảo quản sau thu hoạch rất kém, tàu thuyền khai thác không được trang bị tốt hầm bảo quản, do đó, chất lượng sản phẩm khi mang lên bờ bị suy giảm. Điều quan trọng, việc khai thác nguồn lợi với tần suất và sản lượng cao trong một thời gian ngắn có thể gây hệ lụy lâu dài về tính bền vững của nguồn lợi CNĐD. Ngoài ra, theo ước tính của ngư dân, tỷ lệ cá ngừ thoát khá cao, khoảng 40%.
Nhiều khó khăn, thách thức
Khi nghề câu tay kết hợp ánh sáng phát triển rầm rộ, giá cá ngừ nước ta giảm sâu chưa từng thấy, gây thất thoát hơn 50% giá trị, lãng phí tài nguyên. Thương hiệu cá ngừ Việt Nam giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu… khiến cho ngư dân ngày càng bị thua lỗ.
Một vấn đề khó nữa là sản phẩm CNĐD ăn tươi của Việt Nam hiện chỉ xuất khẩu thông qua sự ủy thác cho các công ty Nhật Bản, đây cũng được xem là rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, lực lượng lao động đi biển thiếu trầm trọng. Vấn đề thiếu hụt lao động đi biển trên các tàu thuyền khai thác xa bờ hiện nay, đặc biệt cho nghề khai thác CNĐD vẫn là bài toán khó mà địa phương chưa giải quyết được, nhất là nhân lực được đào tạo trên các tàu cá. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nghề đi biển thu nhập bấp bênh, nguy hiểm. Thay vào đó, đa số nhân lực lên các thành phố lớn làm việc với mức lương ổn định hoặc xuất khẩu lao động với mức thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, do giữa chủ tàu và người lao động việc không có hợp đồng nên không có sự ràng buộc, giữ chân lao động.
Thêm nữa, trình độ các thành viên của tàu câu CNĐD bị hạn chế do không thể tiếp thu công nghệ hiện đại. Điển hình như công nghệ của Nhật Bản trong chuỗi liên kết để xuất khẩu sang Nhật Bản của tỉnh Bình Định hoặc công nghệ mới của 2 tàu HAVUCO 01 và HAVUCO 02 (Công ty TNHH Hải Vương) cũng không được ngư dân áp dụng.
Ngoài ra, theo khảo sát của Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC), vùng biển Việt Nam có thể là bãi đẻ của CNĐD. Vì vậy, WCPFC muốn Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức này để cùng tham gia với các nỗ lực chung của WCPFC trong việc bảo tồn nguồn lợi cá ngừ của khu vực.
Giải pháp
Về quản lý nhà nước
- Tiếp tục điều tra nguồn lợi, xác định trữ lượng, biến động về nguồn lợi CNĐD và triển khai có hiệu quả công tác dự báo ngư trường; sự cạn kiệt của nguồn lợi CNĐD sau 7 năm phát triển tự phát nghề câu bằng đèn cao áp.
Hình Bản vẽ bố trí chung tàu câu CNĐD vỏ gỗ
Hình Vàng câu CNĐD
- Giao hạn ngạch nghề câu CNĐD cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, từng tỉnh dựa vào hạn ngạch được Tổng cục Thủy sản giao để phân bổ cho từng tàu của đội tàu câu CNĐD của tỉnh.
- Khuyến khích việc khôi phục nghề câu vàng cải tiến thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho ngư dân về: Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Các phương pháp xử lý, sơ chế sản phẩm trước khi đưa vào bảo quản. Đặc biệt là kỹ thuật xả máu cá triệt để, đảm bảo các bước móc nội tạng, ngâm hạ nhiệt để nâng cao chất lượng sản phẩm; Thực hiện quản lý chất lượng, ngăn ngừa tổn thất sau thu hoạch trên tàu cá, cảng cá, cơ sở thu mua CNĐD.
- Đối với các tàu câu CNĐD, ngoài thuyền trưởng, máy trưởng, tất cả các thuyền viên còn lại phải có chứng chỉ nghề, ít nhất phải có 1 trưởng lạnh (công nghệ bảo quản sản phẩm); Cần nghiên cứu cơ chế hợp đồng lao động giữa chủ tàu và người lao động.
Thành lập Trung tâm đấu giá thu mua CNĐD
Sản lượng CNĐD đánh bắt mỗi năm khoảng 17.000 tấn, tập trung ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Theo quy luật kinh tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá ngừ tồn tại để tìm kiếm lợi nhuận và tối đa hóa lợi nhuận, vì vậy sẽ rất khó để tìm kiếm giải pháp mang tính phi thị trường nhằm tác động vào quá trình phân phối lại lợi nhuận trong chuỗi. Thực tế này đòi hỏi cần có chợ đấu giá CNĐD. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho hoạt động này thì việc xây dựng được các định mức tiêu chuẩn phân loại cá ngừ cần được ưu tiên hàng đầu. Khi đó, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sẽ phân loại sản phẩm cá ngừ thành các loại 1, 2, 3. Dựa trên cơ sở này, sẽ có các định mức về giá để áp dụng cho việc chào bán đấu giá. Để thực hiện được điều này, trước mắt cần thành lập Trung tâm đấu giá tại Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) làm thí điểm. Từ đó xem xét, rút kinh nghiệm mở rộng sang các tỉnh Bình Định, Phú Yên, thay vì tập trung bán cho một công ty như mô hình Chuỗi liên kết thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ CNĐD giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác Nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hoặc như mô hình Chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty Bá Hải vì đã có sự can thiệp của cơ quan Nhà nước vào chuỗi.
Ứng dụng KHCN giảm tổn thất sau thu hoạch
Đối với tàu câu CNĐD vỏ gỗ: Áp dụng hệ thống lạnh hỗn hợp ngâm trong nước biển lạnh (RSW) trước khi bảo quản bằng đá lạnh xay (thẩm thấu) trong hầm bảo quản. Nghiên cứu triển khai kết quả Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng CNĐD trên tàu câu tay” của Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện năm 2015. Mặc dù tính khả thi chưa cao khi áp dụng cho tàu vỏ gỗ có sẵn và trình độ lao động trên tàu, nhưng theo Viện Nghiên cứu Hải sản, chất lượng cá khi áp dụng quy trình bảo quản CNĐD trên tàu câu tay của đề tài với tỷ lệ cá đạt loại A là 14,2%, loại B là 85,8% và loại C là 0%.
Giao Viện Nghiên cứu Hải sản phối hợp với Công ty TNHH Hải Vương thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá hiệu quả kinh tế của tàu câu CNĐD HAVUCO 01 và HAVUCO 02 theo công nghệ Đài Loan”. Nhiều nội dung cần được nghiên cứu như: Công nghệ bảo quản; Công nghệ khai thác bằng câu vàng với các độ sâu khác nhau, câu ngày, câu đêm có gắn đèn cho từng lưỡi câu; Bảo quản bằng ngâm trong nước biển lạnh (RSW), cá câu được sẽ không qua sơ chế để ngăn ngừa nhiễm vi sinh do nước đá, nước biển... Trên cơ sở này chuyển giao công nghệ cho các tàu câu CNĐD có vật liệu composite, xây dựng đội tàu câu CNĐD viễn dương Việt Nam.
Giải pháp cho toàn bộ chuỗi giá trị
Trong các mô hình chuỗi giá trị CNĐD nêu trên đều có sự đan xen liên kết ngang và dọc: Ngư dân tập hợp theo ngư đội; tổ hợp tác theo liên kết ngang với nhau và liên kết dọc với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp cần đầu tư lớn để mua tàu có công nghệ khai thác và bảo quản hiện đại. Hiện, một vài chuỗi doanh nghiệp chưa đầu tư cho các tàu về cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng sản phẩm mà chỉ đơn thuần mua sản phẩm. Do vậy cần phải tăng cường liên kết ngang giữa các hộ với nhau trong một tổ chức đại diện cho họ (ví dụ như HTX) để tăng sản lượng nguyên liệu khi đàm phán giá cả vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, liên kết dọc cần được đẩy mạnh vì doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận công nghệ mới.
Về cơ chế chính sách
- Chính sách tài chính và tín dụng: Các chính sách ưu đãi về đầu tư và tín dụng nên được thực hiện đối với các đối tượng có hợp đồng liên kết dọc và ngang theo chuỗi. Khuyến khích các hình thức đầu tư theo cơ chế đối tác công tư (PPP).
- Chính sách về bảo hiểm và hỗ trợ rủi ro: Áp dụng trong các trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định tại điểm a, b Khoản 3 Điều 14 Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
- Chính sách tăng cường năng lực cho các tác nhân trong chuỗi: Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật, thuyền trưởng, máy trưởng về công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm; sử dụng các trang thiết bị tiên tiến theo chính sách ưu đãi phát triển thủy sản hiện hành.
- Các chính sách khuyến khích khác: Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm cá ngừ tiên tiến; Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng thương hiệu cá ngừ, nhãn sinh thái cho sản phẩm cá ngừ; Hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ ký kết hợp đồng giữa chủ tàu câu CNĐD và người lao động trên tàu.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần bố trí nguồn lực đầu tư cho Đề án: “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Đồng thời, sớm ban hành Quy phạm trang bị hệ thống lạnh trên tàu cá.
>> Đến hết năm 2017, toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.969 tàu khai thác CNĐD, tăng 7% so với năm 2014 (1.839 chiếc). Trong khi đó, sản lượng khai thác những năm gần đây có xu hướng giảm, cụ thể năm 2017 sản lượng chỉ bằng 88% so với năm 2014. Năng suất trung bình của tàu câu tay đạt khoảng 2 tấn/chuyến (tính trung bình 1 năm), năm 2017 giảm còn 1,5 tấn/chuyến với trọng lượng cá thể chỉ còn 30 - 35 kg/con.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và Trạm Khuyến nông thị xã Thái Hòa triển khai thí điểm tại hộ ông Trần Thanh Mai ở xóm 16, xã Nghĩa Thuận
Hiện nay, phong trào nuôi lươn đồng phát triển khá phổ biến nhưng hầu hết chưa chủ động được nguồn con giống, vẫn phải mua giống được đánh bắt từ thiên nhiên
Sau nhiều thách thức về dịch bệnh và bất ổn của thị trường, tôm thẻ chân trắng đang dần đánh mất thế thượng phong. Nhiều quốc gia quay trở lại với con tôm sú